Hen phế quản ở trẻ em: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Hen phế quản ở trẻ em là bệnh viêm mạn tính đường hô hấp khiến trẻ khó thở. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

1. Tổng quan về bệnh hen phế quản

Hen phế quản (hay còn gọi là hen suyễn) là bệnh hô hấp mạn tính gây co thắt phế quản, làm sưng và hẹp đường dẫn khí, đồng thời làm tăng tiết dịch nhầy khiến cho trẻ khó thở.

Trong buổi đối thoại mới đây giữa các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hô hấp do Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế tổ chức, các chuyên gia cho biết, trong số các bệnh hô hấp mà trẻ em hay mắc phải, tỉ lệ mắc hen phế quản là 10%, cao gấp đôi tỉ lệ ở người lớn và ngày càng tăng trong 5 năm trở lại đây.

Hiện tại, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em mắc hen phế quản cao nhất Châu Á. Lứa tuổi mắc bệnh này nhiều nhất là 12-13 tuổi.

Hen phế quản ở trẻ em làm sưng và hẹp đường dẫn khí, khiến trẻ khó thở

Việt Nam có tỷ lệ trẻ em mắc hen phế quản thuộc top cao nhất châu Á

Hen phế quản ở trẻ nhỏ cũng tương tự như hen phế quản ở người lớn, tuy nhiên trẻ em phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Bệnh này là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ nhập viện và nhập khoa cấp cứu cao.

Hen phế quản ở trẻ em không thể chữa khỏi và các triệu chứng có thể tiếp diễn đến khi trưởng thành. Tuy nhiên, nếu điều trị đúng phác đồ, bệnh có thể được kiểm soát và ngăn ngừa tổn thương cho phổi đang phát triển của trẻ.

2. Nguyên nhân nào gây bệnh hen phế quản ở trẻ em?

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ em bị mắc hen phế quản, trong đó thường thấy nhất là các nguyên nhân sau:

– Trẻ có cơ địa dị ứng với các yếu tố kích hoạt từ môi trường như: lông thú, phấn hoa, …

– Yếu tố di truyền: bố hoặc mẹ có tiền sử hen suyễn hoặc dị ứng

– Trẻ bị nhiễm các loại virus như: Rhinovirus, Coronavirus, Influenza virus, hay virus hợp bào hô hấp RSV

– Môi trường sống bị ô nhiễm, trẻ thường xuyên phải tiếp xúc với bụi, than tổ ong hoặc khói thuốc lá, …

– Trẻ sinh non, thiếu tháng, hệ hô hấp chưa phát triển đầy đủ

3. Trẻ bị hen phế quản có triệu chứng ra sao?

Một trong những triệu chứng của bệnh hen phế quản là những cơn ho dài, dai dẳng

Những cơn ho dài khiến trẻ khó ngủ

Bệnh hen phế quản có khá nhiều triệu chứng nhận biết, tùy từng trẻ mà các dấu hiệu sẽ khác nhau. Thậm chí, cùng một trẻ nhưng triệu chứng giữa các lần mắc bệnh cũng có thể khác nhau.
Mặc dù vậy, về cơ bản, khi bị hen phế quản, trẻ sẽ có một số triệu chứng sau đây:

– Khởi đầu là các biểu hiện viêm long đường hô hấp trên như: hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi…

– Ho dài, dai dẳng lâu ngày. Đặc biệt, khi ngủ hoặc khi trời lạnh, trẻ sẽ ho nhiều. Điều này cũng khiến con khó ngủ hơn trước.

– Thở nhanh, thở gấp, hoặc thở khò khè do khó thở. Bố mẹ có thể nghe thấy tiếng rít khi con thở.

– Trẻ cảm thấy đau tức và nặng nề ở ngực

– Trẻ mệt mỏi, uể oải và không muốn vận động

– Trẻ chán ăn, ăn kém, nuốt chậm, …

Có thể thấy, các triệu chứng của bênh hen phế quản khá tương đồng với một số bệnh lý về đường hô hấp khác. Do đó, để xác định chính xác con có bị hen suyễn hay không, bố mẹ nên cho con đi khám khi nhận thấy con có một trong những dấu hiệu trên.

4. Điều trị bệnh hen phế quản ở trẻ em bằng cách nào?

Hen phế quản là bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi hẳn. Do đó, mục tiêu của điều trị bệnh hen phế quản ở trẻ  là kiểm soát các triệu chứng, giúp trẻ không có hoặc có ít cơn hen bùng phát; trẻ sinh hoạt và học tập bình thường, không bị giới hạn về hoạt động thể chất.

Tùy vào độ tuổi và tình trạng bệnh của từng trẻ mà phác đồ điều trị bệnh cũng sẽ khác nhau. Chính vì vậy, để điều trị tốt nhất bệnh hen phế quản ở trẻ, phụ huynh cần đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chính xác.

Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định cho con chụp X-quang phổi, đo lượng không khí trong phổi và lưu lượng đỉnh thở ra (PEF) để xác định tình chính xác mức độ bệnh của con.

Tuy nhiên, với trẻ em dưới 5 tuổi, các xét nghiệm chức năng phổi thường không thể thực hiện, do đó, bác sĩ sẽ dựa vào tiền sử bệnh và các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm da di ứng và xét nghiệm máu để xác định các tác nhân gây hen phế quản ở trẻ.

Sau khi đã xác định được tình trạng bệnh của con, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Khi trẻ bị hen phế quản, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám để bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh của con và có hướng điều trị phù hợp

Bố mẹ cần điều trị hen phế quản cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ

4.1. Đối với trẻ có cơn hen nhẹ

Đối với trẻ có cơn hen nhẹ, để điều trị, bác sĩ thường dùng khí dung Ventolin 0,05-0,15mg/kg/ nhắc lại sau 30 phút; hoặc cho trẻ uống thuốc mở phế quản nhóm salbutamon (Ventolin, Solmux Broncho,…) hay Terbutaline sunphate (Bricanyl,…).

Bên cạnh đó, trẻ phải được vệ sinh sạch mũi, làm thông thoáng đường thở bằng các sản phẩm xịt rửa mũi hàng ngày như: Sterimar, …

4.2. Đối với trẻ có cơn hen vừa

Đối với trẻ có cơn hen vừa, bác sĩ thường dùng khí dung kết hợp giữa ventolin làm giãn phế quản với thuốc nhóm corticoid dạng phun sương như: Fluticason propionate (Flixotide), Budesonide (Pulmicort, Symbicort,…)

4.3. Đối với trẻ có cơn hen nặng

Nếu trẻ có các triệu chứng như khó thở, nặng ngực, thở rít với lưu lượng đỉnh thở ra giảm dưới 60% giá trị lý thuyết (GINA, 2006) thì có nghĩa con đang bị hen phế quản nặng.

Đối với trường hợp này, bác sĩ thường cho thở oxy qua mặt nạ, sử dụng khí dung salbutamol kết hợp với Ipratropium mỗi 20 phút x 3 lần, và sử dụng thêm Hydrocortison hoặc Methyl prednisolon

4.4. Đối với trẻ có cơn hen ác tính

Đối với trẻ có cơn hen ác tính (cơn hen nặng nguy kịch), trẻ sẽ phải nằm cấp cứu tại bệnh viện. Bác sĩ sẽ cho trẻ thở oxy qua mặt nạ, sử dụng khí dung hoặc tiêm tĩnh mạch thuốc giãn phế quản và corticoid.

Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể sẽ phải phải đặt nội khí quản và cho trẻ thở máy.

5. Lưu ý khi điều trị bệnh hen phế quản ở trẻ em

Để bệnh hen phế quản ở trẻ em được điều trị hiệu quả, an toàn, các bậc phu huynh cần lưu ý một số điều sau:

– Tuyệt đối không tự ý tăng liều thuốc hoặc bỏ bớt thuốc kháng viêm.

– Không tự ý ngừng dùng thuốc khi thấy trẻ đã hết các cơn khó thở, tức ngực

– Không tự ý dùng kháng sinh nếu bác sĩ không chỉ định.

– Hướng dẫn trẻ sử dụng ống hít đúng cách để đảm bảo thuốc được hấp thu đầy đủ. Nếu để trẻ hít sai cách, thuốc sẽ không vào sâu được trong phế quản và không phát huy hết tác dụng.

– Sau khi dùng thuốc dạng hít, chú ý cho trẻ súc miệng sạch sẽ

– Nên cho trẻ dùng thuốc trước khi đi ngủ để tránh các cơn hen phế quản cấp trong lúc ngủ.

Nhìn chung, đối với trẻ bị hen phế quản, phụ huynh không nên chủ quan mà cần phải hết sức chú ý tình trạng sức khỏe của con. Nên đưa con đi khám để bác sĩ kê đơn thuốc điều trị chuẩn xác. Và bố mẹ cần đồng hành với con trong quá trình con điều trị để đảm bảo con dùng thuốc đúng cách và đầy đủ, có như vậy thì việc kiểm soát bệnh mới đạt hiệu quả.

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital