Bác sĩ giải đáp khi nào nên tầm soát ung thư vòm họng

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Khi nào nên tầm soát ung thư vòm họng là thắc mắc của rất nhiều người. Các chuyên gia y tế chỉ ra thời điểm thăm khám mà người bệnh không nên bỏ lỡ, tăng hiệu quả điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. 

1. Tầm soát sớm ngăn ngừa ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng là một loại ung thư vùng đầu cổ, do các tế bào phát triển quá mức ở vòm họng gây ra. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư vòm họng cao nhất ở độ tuổi 30 – 50, và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Nghiên cứu chỉ ra ung thư vòm họng có thể xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

– Người bệnh từng nhiễm virus EBV (Epstein Barr).

– Người có chế độ ăn uống thiếu khoa học như: dùng nhiều thực phẩm lên men, thực phẩm đóng hộp, các thực phẩm ướp muối mặn (thịt muối, cá muối, dưa chua,…).

– Người hút thuốc lá nhiều, thường xuyên sử dụng đồ uống có cồn.

– Tiền sử trong gia đình có người thân từng mắc ung thư.

Phần lớn các ca bệnh ung thư vòm họng chỉ được phát hiện ở giai đoạn cuối, do bệnh có nhiều triệu chứng giống với các bệnh lý tai – mũi – họng thường gặp. Chính điều này khiến người bệnh chủ quan, trì hoãn việc thăm khám, dẫn đến tình trạng bệnh trở nặng, thậm chí đe dọa tới tính mạng người bệnh.

Thống kê cho thấy chỉ khoảng 40% người bị ung thư vòm họng có thể duy trì sự sống thêm 5 năm sau khi tiếp nhận phác đồ điều trị phù hợp. Có thể nói, sàng lọc sớm là giải pháp phòng ngừa ung thư vòm họng hiệu quả, giúp bảo tồn sức khỏe cho người bệnh.

sàng lọc ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng là một trong những ung thư phổ biến vùng đầu cổ

2. Bác sĩ giải đáp về thời gian tầm soát ung thư vòm họng

Như đã phân tích ở trên, ung thư vòm họng rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu vì triệu chứng tương đồng với các bệnh lý cảm cúm thường gặp. Tuy nhiên, người bệnh có thể nghi ngờ mắc bệnh nếu các triệu chứng này chỉ tập trung ở một bên, hoặc đã sử dụng thuốc nhưng không thuyên giảm, thậm chí ngày càng nặng hơn.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh nên chủ động sàng lọc ung thư để bảo vệ sức khỏe. Thời gian thăm khám có thể thay đổi tùy theo chỉ định của bác sĩ hoặc tình trạng sức khỏe của người bệnh.

2.1. Khi nào nên tầm soát ung thư vòm họng ngay?

Người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để tầm soát ung thư vòm họng nếu có những triệu chứng sau đây:

– Triệu chứng phổ biến nhất là xuất hiện khối u ở cổ.

– Đau rát cổ họng, khó nuốt kéo dài.

– Ù tai, thính giác kém kéo dài (nguyên nhân có thể do khối u đã xâm lấn đến vòi nhĩ gây tắc).

– Thường xuyên đau đầu hoặc đau nửa đầu, có lúc đau âm ỉ, khi lại thành từng cơn.

– Thường xuyên bị nghẹt mũi, có cảm giác khó thở. Ban đầu người bệnh có thể gặp tình trạng nghẹt một bên mũi, sau đó sang cả hai bên, thậm chí xì mũi ra máu cam/ chảy máu cam thường xuyên.

– Góc hàm nổi hạch nhỏ nhưng không có cảm giác đau.

– Cảm giác đau hoặc tê cứng mặt, khó mở miệng.

– Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, sụt cân nhanh mà không rõ nguyên nhân.

Khi nhận thấy cơ thể xuất hiện một trong những triệu chứng bất thường trên, người bệnh hãy đến gặp bác sĩ để xác định đúng tình trạng bệnh. Nếu để lâu, bệnh sẽ có điều kiện phát triển và đe dọa tới sức khỏe người bệnh. Không chỉ giảm hiệu quả điều trị, phát hiện bệnh muộn còn làm tăng nguy cơ tái phát bệnh, tốn nhiều thời gian và chi phí chữa bệnh.

khi nào nên tầm soát ung thư vòm họng

Đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường

2.2. Khi nào nên tầm soát ung thư vòm họng định kỳ?

Những người thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư vòm họng nên duy trì lịch khám định kỳ hàng năm. Cụ thể:

– Nam giới ở trong độ tuổi từ 30 – 55.

– Những người thường xuyên sử dụng rượu, bia, hút thuốc lá.

– Những người ăn nhiều thực phẩm lên men chứa Nitrosamines như cá muối, dưa muối.

– Người có tiền sử gia đình từng có người thân mắc ung thư vòm họng, hoặc tiếp xúc nhiều với bệnh nhân bị ung thư vòm họng.

– Bệnh nhân có kháng thể EBV trong máu do từng nhiễm virus EBV.

– Người làm việc trong môi trường hóa chất độc hại hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm.

Tác động từ môi trường và chế độ ăn uống thiếu khoa học gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người bệnh. Chính vì thế, chủ động theo dõi sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất để phòng ngừa rủi ro bệnh tật.

3. Các phương pháp sàng lọc ung thư vòm họng

Để chẩn đoán ung thư vòm họng, bác sĩ sẽ kết hợp các phương pháp khám lâm sàng tổng quát và khám cận lâm sàng, đồng thời sinh thiết nếu nghi ngờ có tế bào ác tính. Một số phương pháp được sử dụng trong tầm soát ung thư vòm họng là:

Xét nghiệm máu bao gồm tổng phân tích tế bào máu, xác định kháng nguyên hoặc kháng thể virus EBV.

– Xét nghiệm chỉ số SCC là xét nghiệm chỉ điểm dấu ấn ung thư tế bào vẩy và hay gặp ở ung thư vòm họng.

Nội soi tai mũi họng: Kỹ thuật nội soi được sử dụng phổ biến hiện nay là nội soi ống mềm có gắn camera và đèn ở đầu. Sau khi đưa qua mũi, bác sĩ dễ dàng quan sát mọi ngóc ngách ở niêm mạc họng. So với kỹ thuật nội soi cũ, phương pháp này đem lại sự thoải mái cho người thực hiện nhờ cải tiến về chất liệu.

Vì vòm họng nằm ở vị trí sâu bên trong vùng đầu cổ nên phương pháp này được đánh giá cao về hiệu quả chẩn đoán, chi phí thấp và không gây xâm lấn nên có thể áp dụng với mọi đối tượng (bao gồm cả trẻ em).

– Một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang ngực, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp phát xạ cũng được ứng dụng trong sàng lọc ung thư vòm họng. Các chỉ định chẩn đoán hình ảnh sẽ hỗ trợ tìm ra vị trí nghi ngờ ung thư, xác định tình trạng di căn và đánh giá hiệu quả điều trị.

– Sinh thiết: nhằm đưa ra kết luận có mắc ung hư hay không. Tùy thuộc vào khu vực nghi ngờ ung thư mà bác sĩ sẽ chỉ định hình thức sinh thiết phù hợp. Sinh thiết nội soi được thực hiện dưới sự hỗ trợ của công nghệ nội soi tai mũi họng. Sinh thiết chọc hút bằng kim nhỏ được thực hiện khi nghi ngờ khối u ở vị trí  trong hoặc gần cổ.

Để có kết quả chính xác, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp nhiều danh mục tầm soát ung thư, điển hình là xét nghiệm máu và nội soi tai mũi họng. Trước khi tiến hành, hãy thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn để bác sĩ đưa ra phương pháp sàng lọc phù hợp.

tầm soát phát hiện sớm ung thư vòm họng

Hãy thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe hiện tại

Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI hiện đang triển khai gói tầm soát ung thư vòm họng, với sự hỗ trợ của thiết bị y tế hiện đại. Toàn bộ quy trình thăm khám được thực hiện bởi các bác sĩ đầu ngành về sàng lọc sức khỏe chủ động. Gói khám được thiết kế gồm đầy đủ danh mục thiết yếu, hỗ trợ chẩn đoán bệnh từ giai đoạn sớm và phù hợp với mọi đối tượng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital