Bé Hải Minh, 8 tuổi, Hải Dương được đưa tới thăm khám tại Khoa Nhi – Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc trong tình trạng đau quặn bụng, buồn nôn thường xuyên. Kết quả thăm khám cho thấy trẻ bị viêm loét dạ dày – tá tràng, dương tính với HP. Kết quả gây ngỡ ngàng cho phụ huynh bởi họ không nghĩ rằng trẻ em cũng có thể mắc bệnh này.
Menu xem nhanh:
1. Bé có dấu hiệu từ 4-5 tháng trước, nhưng bố mẹ chủ quan không đưa đi khám
Viêm, loét dạ dày là tình trạng thường gặp ở người lớn, gây ra nhiều khó chịu trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, hiện nay ngày càng nhiều trẻ em mắc bệnh này, và bé Hải Minh là một trong số đó.
Khai thác tiền sử bệnh lý và khám lâm sàng, mẹ bé cho biết: bé có triệu chứng đau bụng cách đây 4-5 tháng, cơn đau xuất hiện rồi biến mất nên mẹ chủ quan cho rằng do con ăn uống bánh kẹo nhiều nên đau bụng.
Cho tới gần đây, bé Minh đau bụng thường xuyên hơn, buồn nôn nhiều, mẹ bé đưa đi khám. Tại đây, bác sĩ Khoa Nhi – Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc đã chỉ định cho bé làm các xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng để đánh giá tình trạng sức khỏe chung. Đồng thời, do bác sĩ nghĩ tới các bệnh lý về dạ dày nên đã chỉ định nội soi dạ dày, test HP.
Nói về phương pháp nội soi dạ dày, bác sĩ cho biết: Hiện nay, nội soi dạ dày với công nghệ NBI 5P hiện đại đang được áp dụng tại Thu Cúc, dễ dàng quan sát được các tổn thương, bất thường tại dạ dày. Thông thường, trẻ sẽ được nội soi dạ dày gây mê để bác sĩ có thể quan sát kỹ hơn, thay vì nội soi thông thường, tránh tình trạng trẻ thường quấy khóc, giãy dụa khó thực hiện. Lượng thuốc mê được sử dụng rất ít, ít hơn nhiều so với người lớn, do vậy rất an toàn cho trẻ. Công nghệ mới, hiện đại, cho phép bác sĩ quan sát chi tiết, rõ ràng hình ảnh bên trong dạ dày, sớm phát hiện những tổn thương dù nhỏ nhất, thậm chí ung thư dạ dày.
Kết quả nội soi cho thấy, niêm mạc hang vị dạ dày bị phù nề, xung huyết; hành tá tràng có nhiều ổ loét nhỏ, test HP dương tính. Kết quả này khiến mẹ bé rất ngạc nhiên và sửng sốt, chị không ngờ rằng bé còn nhỏ như vậy đã bị viêm loét dạ dày, và nhiễm HP.
Bé được nhập viện theo dõi, và điều trị: dùng thuốc để loại bỏ vi khuẩn HP, thuốc giảm tiết dạ dày, men vi sinh, đồng thời bé được ăn uống theo thực đơn riêng tại viện, phù hợp với tình trạng sức khoẻ của bé. Sau 1 ngày, tình trạng đã cải thiện, bé được điều trị ngoại trú bằng đơn thuốc tại nhà và tư vấn chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt để cải thiện bệnh.
2. Nguyên nhân và triệu chứng trẻ bị viêm loét dạ dày, tá tràng ở trẻ
Viêm dạ dày tá tràng ở trẻ em hầu hết đều đến từ nguyên nhân do nhiễm helicobacter pylori (HP). Tỷ lệ nhiễm HP tương đối phổ biến ở các nước Đông Nam Á, và tỷ lệ trẻ nhiễm bệnh khá cao, nhất là trong giai đoạn ăn dặm và nhà trẻ (từ 2 đến 6 tuổi), trẻ sống trong gia đình có người bị dương tính HP bởi HP dễ dàng lây nhiễm từ người sang người qua đường miệng – miệng, phân – miệng, dạ dày – miệng. Do đó, dùng chung các dụng cụ sinh hoạt, bát đũa, dùng chung đồ ăn, uống, rất dễ bị lây bệnh. Trong khi đó, trẻ em dễ bị nhiễm khuẩn do chưa biết cách vệ sinh, hệ tiêu hóa còn non yếu…
Ngoài HP, viêm, loét dạ dày, tá tràng thứ phát còn do các nguyên nhân khác như: sử dụng một số loại thuốc như aspirin, corticoides, thuốc kháng viêm không steroids, trẻ bị căng thẳng, áp lực quá mức…
Ngoài triệu chứng bé Hải Minh như nêu trên gặp phải là đau bụng, buồn nôn, bệnh nhi bị viêm loét dạ dày và nhiễm HP có thể gặp các triệu chứng như:
– Triệu chứng gặp ở hệ tiêu hóa: Đau vùng thượng vị, quanh rốn sau bữa ăn, thậm chí đau lúc nửa đêm. Nhìn chung, đau bụng là triệu chứng viêm, loét dạ dày hay gặp nhất ở trẻ em, thường liên quan đến bữa ăn. Trẻ lớn hơn có thể gặp triệu chứng đau giống người lớn, cơn đau được mô tả là lâm râm, âm ỉ, bỏng rát ở thượng vị.
– Triệu chứng khi gặp các biến chứng: Chảy máu đường tiêu hóa, biểu hiện là phân có màu đen, nôn mửa ra máu. Xuất huyết tiêu hóa có thể gây ra thiếu máu, suy dinh dưỡng cho trẻ. Do vậy, cha mẹ cần nhận biết sớm triệu chứng và đưa con thăm khám ngay, tránh để lâu ngày, bệnh nặng khó điều trị.
3. Trẻ bị viêm loét dạ dày, tá tràng, nhiễm vi khuẩn HP có nguy hiểm không?
Viêm loét dạ dày không được điều trị dứt điểm, kéo dài có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ như:
– Hẹp môn vị: tình trạng viêm loét dạ dày, tá tràng kéo dài làm cho niêm mạc phù nề, gây sẹo, co kéo và chít hẹp, khiến thức ăn khó có thể đi qua môn vị, hành tá tràng. Hẹp môn vị khiến người bệnh đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội, nôn mửa nhiều khiến cơ thể mệt mỏi, mất nước, da xanh xao và dễ sụt cân.
– Xuất huyết tiêu hóa: Khi viêm loét kéo dài, vết loét sâu, axit bào mòn vết loét nhiều dẫn tới tình trạng chảy máu vào ống tiêu hoá, khiến người bệnh nôn ra máu, đau bụng dữ dội, đại tiện phân đen hoặc phân đỏ tươi, khiến trẻ thiếu máu, da xanh xao, mệt mỏi.
– Thủng dạ dày. Nếu không được cấp cứu kịp thời, thủng dạ dày có thể nguy hiểm tới tính mạng trẻ. Đặc biệt là, biến chứng này xảy ra rất đột ngột, bệnh nhân thường đau dữ dội, bụng co cứng, sốc…
– Ung thư dạ dày. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của viêm, loét dạ dày. Theo thống kê, những người càng bị viêm nhiễm nhiều năm, đặc biệt là viêm loét trên 10 năm, thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
Qua đó có thể thấy rằng viêm, loét dạ dày, tá tràng nói chung rất nguy hiểm, càng nguy hiểm hơn khi bệnh gặp ở trẻ nhỏ. Do vậy, các bậc phụ huynh cần hết sức cảnh giác, khi thấy trẻ có biểu hiện lạ, cần đưa con đi khám ngay.
4. Lời cảnh tỉnh cho ba mẹ về chế độ ăn uống, sinh hoạt của con trẻ
– Vi khuẩn HP là nguyên nhân chính gây viêm, loét dạ dày, tá tràng, thậm chí ung thư dạ dày. Vi khuẩn này có thể lây qua đường miệng, khi dùng chung đồ dùng sinh hoạt, chia sẻ thức ăn… Do vậy, HP rất dễ lây từ người này sang người khác khi sống chung trong gia đình.
– Khi gia đình có người nhiễm HP cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, không cho bé dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải, bát đũa.. với người mắc bệnh, không hôn bé, không nhai mớm…;
– Lựa chọn các thực phẩm sạch, có xuất xứ rõ ràng để nấu cho bé ăn. Cho trẻ ăn chín, uống sôi, ăn uống đúng giờ.
– Không cho trẻ ăn nhiều thực phẩm chua, cay, chiên xào, đồ uống có gas… Đối với trẻ bị viêm loét dạ dày, điều này càng quan trọng bởi, những thực phẩm này có thể làm tăng tiết dịch vị, khiến bệnh nhi khó chịu và tình trạng bệnh nặng hơn.
– Hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, sử dụng riêng các vật dụng như bàn chải đánh răng, ly, cốc…
– Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, khử trùng đồ chơi, vật dụng của trẻ thường xuyên để giảm thiểu nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn HP.
– Nên đưa trẻ đi khám ngay khi thấy những vấn đề bất thường, để được chẩn đoán và điều trị sớm. Viêm loét dạ dày và nhiễm vi khuẩn HP để lâu có thể diễn tiến nặng, khó điều trị, thậm chí ung thư dạ dày.
Trong suốt nhiều năm qua, Khoa Nhi – Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI với phương châm “Hạn chế kháng sinh”, đặt sức khoẻ của trẻ lên hàng đầu, đã nhận được sự tin cậy của nhiều bậc phụ huynh trong thăm khám và điều trị nội trú, ngoại trú các bệnh ở trẻ. Khoa Nhi quy tụ dàn bác sĩ giàu y đức, kinh nghiệm, tận tình với trẻ. Với mong muốn mang tới những dịch vụ chất lượng nhất cho bé, cũng như san sẻ nỗi lo, gánh nặng với ba mẹ, Khoa Nhi được trang bị đầy đủ hệ thống máy móc hiện đại, tích hợp đầy đủ các tiện ích, chăm sóc bé 24/24, thanh toán linh động và nhanh chóng các loại bảo hiểm.
Phụ huynh cần đặt lịch thăm khám hoặc tư vấn có thể tới các cơ sở của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI, hoặc liên hệ 1900 55 88 92 để được hỗ trợ.