Ung thư dạ dày (bao tử) thường không có biểu hiện rõ ràng khi còn ở giai đoạn sớm. Chính vì vậy, việc thực hiện tầm soát ung thư bao tử luôn là lời khuyên mà các chuyên gia y tế dành cho sức khỏe của người dân. Bởi thông qua các phương pháp khám sàng lọc sẽ giúp bạn nhận diện sớm mầm bệnh và có hướng điều trị hiệu quả. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Menu xem nhanh:
1. Tầm soát ung thư bao tử quan trọng ra sao?
Ung thư dạ dày là loại ung thư xuất phát từ vùng niêm mạc dạ dày, với tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong cao nhất trong số các loại ung thư ở đường tiêu hóa. Do đó, việc thực hiện tầm soát (sàng lọc) ung thư dạ dày sẽ giúp phát hiện ung thư trước khi nó biểu hiện bất cứ triệu chứng gì. Nhờ vậy, bệnh nhân được phát hiện được ung thư ở giai đoạn sớm và việc điều trị sẽ dễ dàng hơn nhiều so với khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Theo nghiên cứu, căn bệnh này nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì khả năng sống thêm sau mổ 5 năm khoảng 80-90% nhưng nếu phát hiện khi giai đoạn muộn thì khả năng sống thêm sau mổ 5 năm chỉ còn khoảng 10-15%.
Hơn 80% bệnh nhân ung thư dạ dày vào giai đoạn sớm thường không xuất hiện biểu hiện lâm sàng hoặc triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý dạ dày khác như: viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản,…
2. Đối tượng nào cần thực hiện tầm soát ung thư dạ dày định kỳ?
Hiện nay, các nhà khoa học mới chỉ xác định được các yếu tố gây nguy cơ gia tăng mắc bệnh ung thư dạ dày. Đây cũng là đối tượng nên hết sức lưu ý tới việc thực hiện tầm soát ung thư dạ dày.
2.1. Người có yếu tố tuổi tác và yếu tố y tế nên tầm soát ung thư bao tử
Người có độ tuổi cao (trên 50 tuổi) và mắc một số bệnh mạn tính sẽ có nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn bình thường. Bên cạnh đó, người có một số yếu tố y tế như:
– Người nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylory (HP).
– Người dị sản ruột các tế bào niêm mạc dạ dày được thay thế bởi tế bào bình thường của niêm mạc ruột.
– Người bị viêm dạ dày mạn tính, đặc biệt là bệnh viêm teo niêm mạc dạ dày, vô toan.
– Người bị thiếu máu do thiếu hụt vitamin B12.
– Người có polyp dạ dày: polyp tuyến và polyp dạ dày tăng sản.
– Người cắt 1 phần dạ dày.
2.2. Người có yếu tố di truyền và chế độ ăn uống không hợp lý cần tầm soát ung thư bao tử
Những người có yếu tố di truyền cần đi tầm soát dạ dày định kỳ đó là:
– Có bố, mẹ, anh, chị em ruột bị mắc ung thư dạ dày.
– Người có nhóm máu A.
– Người bị hội chứng Peutz – Jeghers, hội chứng Li- Fraumeni.
– Người mắc hội chứng đa polyp có tính chất gia đình (FAD).
– Người có hội chứng ung thư đại trực tràng không polyp có di truyền (HLPCC, hội chứng Lynch).
Bên cạnh đó, những người có chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh cũng cần lưu ý vấn đề này:
– Ăn ít rau quả và trái cây.
– Ăn nhiều thực phẩm mặn hoặc hun khói.
– Ăn các loại thức ăn chưa được chế biến hoặc bảo quản sai cách.
– Người uống nhiều rượu bia và thường xuyên hút thuốc lá.
Ngoài ra một số yếu tố môi trường cũng sẽ đe dọa tới đường tiêu hóa của bạn như: môi trường khói bui, bức xạ,…
Bạn cũng nên lưu ý rằng, việc có một yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ bị mắc ung thư và không có yếu tố nguy cơ nào thì không có nghĩa là bạn không thể bị ung thư. Do đó, bạn cần trao đổi với các bác sĩ nếu có các yếu tố nguy cơ để được tư vấn phù hợp nhất. Nếu trong quá trình thực sàng lọc có bất thường, bạn có thể cần thực hiện thêm các phương pháp chuyên sâu để tìm hiểu xem mình có bị ung thư hay không.
3. Tìm hiểu một số phương pháp giúp sàng lọc ung thư dạ dày
Một số phương pháp được sử dụng để tầm soát ung thư dạ dày có thể kể đến như:
– Nội soi dạ dày: Với phương pháp này, một ống nội soi sẽ được đưa qua miệng (hoặc mũi) tới thực quản, dạ dày để giúp bác sĩ quan sát trực tiếp hình thái dạ dày, những tổn thương. Trong quá trình này, bác sĩ có thể lấy mẫu sinh thiết nếu nhận thấy bệnh nhân có tổn thương nghi ngờ. Mẫu sinh thiết sẽ được nhuộm rồi phân tích dưới kính hiển vi để chẩn đoán tổn thương lành hay ác.
– Xét nghiệm chỉ điểm khối u (CA 72-4, Pepsinogen, CEA, CA 19-9) trong máu: Đây là phương pháp được dùng để hỗ trợ với các phương pháp khác trong tầm soát ung thư dạ dày. Ví dụ như nếu nồng độ pepsinogen trong máu giảm thì có thể là tình trạng viêm teo niêm mạc dạ dày và dẫn tới ung thư dạ dày.
– Chụp X-quang dạ dày: Trước khi chụp, bệnh nhân sẽ được uống chất lỏng chứa bari và chụp X-quang thực quản dạ dày nhằm phát hiện các tổn thương ở dạ dày. Tuy nhiên, phương pháp này hiện tại ít được áp dụng, chỉ dùng khi cơ sở y tế không có máy nội soi dạ dày hoặc bệnh nhân không đủ điều kiện để có thể nội soi dạ dày.
Có thể thấy, việc tầm soát ung thư dạ dày là vô cùng quan trọng. Tại Thu Cúc TCI hiện đang triển khai các gói khám sàng lọc ung thư dạ dày thông qua kỹ thuật nội soi với dải tần ánh sáng hẹp NBI và MCU giúp phát hiện sớm những tổn thương tại dạ dày như các ổ viêm loét, dị sản, loạn sản và ung thư sớm. Hơn nữa, tại TCI có đội ngũ chuyên gia, bác sĩ chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống máy móc hiện đại, sẽ giúp cho người dân phát hiện các vấn đề sức khỏe một cách nhanh chóng và chính xác.
Hy vọng với những thông tin trên đây đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về việc thực hiện tầm soát ung thư dạ dày. Hãy chú ý thăm khám định kỳ để bảo vệ sức khỏe đường tiêu hóa của mình càng sớm càng tốt nhé!