6 giờ vàng đột quỵ là thời điểm quan trọng để tiến hành cấp cứu cho người bệnh đột quỵ. Nếu bỏ qua thời điểm vàng sẽ để lại những hậu quả khôn lường thậm chí là nguy hiểm tới cả tính mạng.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu 6 giờ vàng đột quỵ là gì?
6 giờ vàng đột quỵ là 6 giờ đầu tiên kể từ khi người bệnh bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu của đột quỵ như nói ngọng, khó nói, lệch một bên mặt, méo miệng, liệt các chi, choáng váng,…. Ở 6 giờ đầu này, các kỹ thuật can thiệp cấp cứu cho người bệnh đột quỵ sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất, giúp cứu sống người bệnh, hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra và giúp người bệnh hồi phục tốt hơn hậu đột quỵ.
Tùy vào thời điểm phát hiện đột quỵ và tình trạng đột quỵ, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp cấp cứu phù hợp:
– Nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện trong 3 – 4,5 giờ đầu đột quỵ thì có thể tiêm thuốc tiêu sợi huyết (tiêm tan máu đông) qua đường tĩnh mạch rTPA.
– Nếu người bệnh được đưa đến viện cấp cứu trong 4,5 – 6 giờ thì sẽ can thiệp nội mạch lấy huyết khối.
Vì vậy, cấp cứu cho người bệnh đột quỵ được tình theo từng giây, tiến hành cấp cứu càng sớm sẽ càng tốt cho người bệnh. Đặc biệt, không được bỏ qua 6 giờ vàng cấp cứu.
2. Xử lý sơ cứu đột quỵ trong 6 giờ vàng
Khi gặp trường hợp đột quỵ trong gia đình hoặc ngoài cộng đồng bạn cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp sơ cứu đúng cách để người bệnh kịp thời được đến viện trong giờ vàng. Lưu ý ngay những việc cần làm và tránh làm sau đây:
2.1. Cần làm gì trong 6 giờ vàng đột quỵ?
– Cần gọi xe cứu thương 115 ngay lập tức.
– Cần thông báo cụ thể với cấp cứu 115 người bệnh bị đột quỵ. Sau đó, nhân viên cấp cứu 115 sẽ hướng dẫn các yêu cầu cần thiết, chuẩn bị phương tiện y tế phù hợp và nhanh chóng di chuyển tới vị trí người bệnh, đưa người bệnh đến bệnh viện điều trị đột quỵ gần nhất.
– Cần cho người bệnh nằm đúng tư thế an toàn: Để người bệnh nằm nghiêng một bên, đầu kê cao. Giữ cho người bệnh được thoải mái, nới lỏng quần áo, tháo bỏ các loại trang sức như nhẫn, đồng hồ, vòng cổ,… Khi đó, hoạt động lưu lượng máu đến não sẽ được thuận lợi hơn.
– Cần theo dõi liên tục các triệu chứng người bệnh gặp phải khi chờ cấp cứu đến và hỏi người bệnh một số thông tin: thời điểm gặp triệu chứng đột quỵ, các loại thuốc đang uống, tiền sử bệnh tật, có bị bệnh nền nào không như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim,… Hãy ghi lại hết các thông tin này và cung cấp cho nhân viên y tế sau đó.
2.2. Tránh làm gì trong 6 giờ vàng đột quỵ?
– Tránh không tự ý cho người bệnh uống thuốc. Bạn không thể biết người bệnh bị đột quỵ máu não hay đột quỵ nhồi máu não nên không thể sử dụng thuốc nếu không có chỉ định. Uống thuốc không đúng có thể làm tình trạng người bệnh thêm nghiêm trọng và nguy hiểm hơn.
– Tránh không cho người bệnh đột quỵ ăn hoặc uống bất cứ thứ gì: Khi bị đột quỵ não, người bệnh thường không tỉnh táo và có thể bị rối loạn nuốt. Do đó, người bệnh dễ bị nghẹn, gây sặc và dẫn tới suy hô hấp nghiêm trọng. Hậu quả nguy hiểm là viêm phổi, thậm chí là tử vong.
– Tránh không để người bệnh tự di chuyển đến bệnh viện: Các triệu chứng của đột quỵ não diễn biến rất phức tạp và khó lường. Khi gặp dấu hiệu tưởng là nhẹ, người bệnh có thể chủ quan mà tự di chuyển tới bệnh viện. Điều này tuyệt đối không nên. Thay vào đó, hãy nhanh chóng gọi 115 và tìm sự giúp đỡ từ những người xung quanh.
3. Hậu quả khi bỏ lỡ giờ vàng đột quỵ
Cấp cứu đột quỵ thực hiện trong thời gian vàng sẽ giúp nâng cao cơ hội sống sót cho người bệnh bởi chỉ cần để chậm 1 phút, người bệnh sẽ có thể mất đi gần 2 triệu tế bào não.
Có khoảng 70% trường hợp đột quỵ không được cấp cứu kịp thời và dẫn đến việc người bệnh gặp phải biến chứng nặng nề như yếu liệt nửa người, bị lú lẫn, xẹp phổi, mất đi khả năng vận động,… Trong đó, có khoảng 50% ca đột quỵ gây tử vong.
Một số nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu kịp thời, bỏ lỡ “giờ vàng” điều trị là do:
– Người bệnh đột quỵ không được phát hiện ngay từ sớm. Tại thời điểm xuất hiện những triệu chứng đột quỵ đầu tiên, người bệnh có thể chủ quan coi đó chỉ là dấu hiệu mệt mỏi thông thường hoặc trúng gió nên đã bỏ qua việc gọi cấp cứu.
– Quá trình di chuyển đến bệnh viện mất nhiều thời gian.
– Một số bệnh viện chưa có đủ các trang thiết bị chẩn đoán và điều trị đột quỵ cấp làm gián đoạn việc cấp cứu.
Hậu quả chung của đột quỵ thực sự rất nặng nề. Vì vậy, trường hợp nghi ngờ hoặc phát hiện đột quỵ hãy nhanh chóng gọi cấp cứu ngay lập tức để giúp người bệnh được xử lý đúng cách kịp thời.
4. Khắc phục những hậu quả di chứng sau đột quỵ
Khi người bệnh may mắn được cấp cứu đột quỵ kịp thời, thì điều cần lưu ý tiếp theo là khắc phục tốt những hậu quả di chứng và phòng ngừa đột quỵ. Sau đột quỵ, tỷ lệ tái phát bệnh rất cao khoảng 30% trong năm đầu tiên, 25-30% trong 5 năm tiếp theo. Lần đột quỵ sau sẽ nặng hơn, nguy hiểm hơn. Tuân thủ các biện pháp dự phòng ngăn chặn đột quỵ là yêu cầu quan trọng cần thực hiện:
– Thực hiện chế độ ăn uống khoa học đủ dinh dưỡng, lựa chọn thực phẩm tốt và tránh những thực phẩm không tốt. Duy trì lối sống lành mạnh, vận động thường xuyên, kiểm soát cân nặng, tránh căng thẳng và làm việc quá sức.
– Uống thuốc dự phòng đột quỵ theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị. Thăm khám sức khỏe định kỳ cũng rất cần thiết.
– Đặc biệt, đối với những người người bệnh có bệnh lý nền như bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, béo phì, đái tháo đường,.. cần được theo dõi thường xuyên và điều trị tốt bệnh nền.
Như vậy, 6 giờ vàng đột quỵ là chìa khóa quyết định “số phận” của người bệnh. Không bỏ lỡ thời điểm vàng, thực cấp cứu nhanh chóng kịp thời sẽ giúp bảo vệ tính mạng cho người bệnh, hạn chế biến chứng nguy hiểm và có lợi cho quá trình phục hồi hậu đột quỵ.