Sơ cứu đột quỵ kịp thời – “Chìa khóa” bảo vệ tính mạng!

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Hải Quyết

Trưởng đơn vị Hồi sức cấp cứu

Mỗi năm trên thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới. Tại Việt Nam, có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ. Đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong và nguy cơ để lại di chứng cao nhưng không phải ai cũng biết cách nhận diện và sơ cứu đột quỵ đúng, khiến bệnh càng trở nên nguy hiểm.

1. Vì sao cần nhận diện sớm và sơ cứu đột quỵ đúng cách?

Đột quỵ là tình trạng não bị tổn thương nghiêm trọng xảy ra khi mạch máu mang oxy và chất dinh dưỡng đến não bị tắc nghẽn do cục máu đông hoặc bị vỡ do nguyên nhân nào đó. Lúc này, quá trình cấp máu cho não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể. Một phần hoặc toàn bộ não không được nhân đủ máu có thể khiến các tế bào não bắt đầu chết đi.

Đột quỵ não có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được cấp cứu trong “thời gian vàng” (khoảng 3 – 4 giờ đầu kể từ khi đột quy khởi phát). Ngay cả khi được cứu sống, người bệnh cũng có nguy cơ cao gặp các di chứng như yếu, liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm nhận thức… Điều này dễ khiến họ trở thành “gánh nặng” cho gia đình và xã hội.

Đáng nói, tỷ lệ đột quỵ ngày càng gia tăng ở người trẻ. Mỗi năm trên thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15 – 49 tuổi. Tại Việt Nam, có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ mỗi năm. Trong đó, khoảng 7,2% bị đột quỵ dưới 45 tuổi.

Bởi vậy, nhận diện và sơ cứu đột quỵ kịp thời không chỉ giúp giảm nguy cơ tử vong mà còn giúp hạn chế di chứng và tăng khả năng phục hồi của người bệnh sau đột quỵ.

Đột quỵ là biến cố nguy hiểm, cần được nhận diện và sơ cứu sớm.

Đột quỵ là biến cố nguy hiểm, cần được nhận diện và sơ cứu sớm.

2. Nhận diện đột quỵ nhờ những dấu hiệu nào?

Có 2 loại đột quỵ chính là đột quỵ thiếu máu cục bộ (do cục máu đông cản trở dòng máu đến não và đột quỵ xuất huyết não (do vỡ mạch máu não).

Tùy từng trường hợp mà các triệu chứng đột quỵ biểu hiện ở mỗi người bệnh khác nhau nhưng thường xảy ra một cách đột ngột.

Muốn kiểm chứng một người có bị đột quỵ hay không, những người xung quanh cần bình tĩnh quan sát những dấu hiệu của họ. Có thể hỏi hoặc yêu cầu người bệnh thực hiện một số việc sau để tìm kiếm sự bất thường:

– Khi được yêu cầu giơ tay lên cao, người bệnh không giơ được hoặc chỉ giữ được trong một khoảng thời gian rất ngắn, sau đó tay rủ thõng xuống

– Khi nói hoặc cười, khóe miệng của họ xệ xuống so với bên còn lại

– Bệnh nhân không nói liền được 1 câu hoặc nói không lưu loát, nói ngọng

Nếu một người có 1 trong 3 dấu hiệu kể trên thì có thể nghi ngờ đột quỵ. Nếu có cả 3 dấu hiệu này thì khả năng đột quỵ là rất cao.

Ngoài ra, người bệnh có thể cảm thấy khó nhìn, nhìn mờ ở một hoặc cả hai mắt, đi lại khó khăn, chóng mặt, mất thăng bằng…

Méo miệng, khó nói, khó cử động tay… là những triệu chứng cảnh báo đột quỵ.

Méo miệng, khó nói, khó cử động tay… là những triệu chứng cảnh báo đột quỵ.

3. Sơ cứu đột quỵ như thế nào là đúng cách?

Thực tế cho thấy rất nhiều người gặp các tình huống đột quỵ nhưng không biết cách nhận diện và sơ cứu, dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Theo các chuyên gia của Hệ thống y tế Thu Cúc TCI, khi nghi ngờ một người bị đột quỵ cần sơ cấp cứu người bệnh theo những lưu ý sau:

3.1 Những việc nên làm khi sơ cứu đột quỵ

Bước 1: Gọi cấp cứu

Việc đầu tiên và quan trọng nhất là lập tức gọi cấp cứu 115. Điều này giúp người bệnh sớm tiếp cận được những hỗ trợ y tế cần thiết để tăng cơ hội sống sót và giảm nguy cơ biến chứng.

Bước 2: Sơ cứu người bị đột quỵ

Trong thời gian chờ đợi xe cấp cứu, cần khẩn trương tiến hành sơ cứu cho người bệnh bằng cách:

– Để người bệnh nằm yên ở nơi thoáng mát, kê cao đầu từ 20 – 30 độ.

– Nằm nghiêng đầu về một bên, đặc biệt trong những trường hợp người bệnh có biểu hiện nôn. Lấy hết đờm, dãi nếu bệnh nhân nôn. Điều này giúp ngăn các chất nôn đi vào đường thở và phổi.

– Nới rộng quần áo, theo dõi sắc diện, nhịp thở của người bệnh.

– Nếu người bệnh vẫn tỉnh hoặc lơ mơ hoặc hôn mê nhưng vẫn thở bình thường, hãy trấn an, hướng dẫn họ cách hít sâu và thở chậm. Hỏi thăm thông tin của bệnh nhân như tên họ, số điện thoại người thân, tình trạng bệnh lý,… và ghi chép các biểu hiện của bệnh nhân từ lúc xảy ra đột quỵ để cung cấp khi nhân viên 115 tới. Các thông tin này có thể hữu ích cho quá trình điều trị.

– Nếu người đột quỵ đã ngưng thở, cần hô hấp nhân tạo bằng cách:

+ Một tay bịt mũi, tay kia kéo hàm xuống dưới để miệng hở ra

+ Ngậm chặt miệng người bị đột quỵ rồi thổi liên tục 2 hơi đối với người lớn và 1 hơi với trẻ em dưới 8 tuổi.

+ Quan sát lồng ngực của người bị đột quỵ, thôi hơi vừa phải, đủ thấy lồng ngực nhô lên. Khi lồng ngực xẹp xuống lại thổi tiếp.

+ Lặp lại động tác thổi ngạt 20 lần/phút đối với người lớn và trẻ trên 8 tuổi, 20 – 30 lần/phút đối với trẻ dưới 8 tuổi.

Bước 3: Đưa người bệnh đi cấp cứu

Khi xe cấp cứu đến, đưa người bị đột quỵ đến bệnh viện theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

3.2 Những việc không nên làm khi sơ cứu đột quỵ

– Không xoa bóp, bấm huyệt hoặc dùng kim chọc 10 đầu ngón chân, ngón tay hay cạo gió. Những tác động này có thể kích thích gây đau và vô tình làm trầm trọng thêm tình hình.

– Không cho bệnh nhân ăn hoặc uống các loại thuốc, đặc biệt là thuốc huyết áp khi chưa có ý kiến của bác sĩ để tránh nguy cơ nôn sặc vào phổi và chưa biết rõ bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu não hay xuất huyết não.

– Không tụ tập đông người xung quanh bệnh nhân vì có thể khiến người bệnh cảm thấy khó thở hơn.

Cách sơ cứu đột quỵ thế nào nếu bệnh nhân ngừng thở

Nếu người bệnh ngừng thở, cần hô hấp nhân tạo kịp thời.

4. Phòng tránh đột quỵ bằng cách nào?

Theo các chuyên gia, để phòng tránh đột quỵ xảy ra, cần chú ý xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học và chăm sóc sức khỏe, cụ thể:

– Tạo thói quen sinh hoạt điều độ: không thức quá khuya, không sử dụng các chất kích thích có hại cho sức khỏe, giữ tinh thần thoải mái.

– Thường xuyên tập luyện thể dục: Tập thể dục mỗi ngày khoảng 30 phút, mỗi tuần ít nhất 5 buổi giúp tăng cường sức khỏe.

– Ăn uống lành mạnh: Bổ sung các thực phẩm tăng sức đề kháng, đặc biệt là rau xanh và hoa quả, hạn chế đồ chiên rán.

– Thực hiện tầm soát sớm nguy cơ đột quỵ nhằm giúp người bệnh phòng tránh bệnh hiệu quả. Hiện nay, có những chẩn đoán có thể phát hiện nguy cơ đột quỵ giúp bạn có hướng xử lý kịp thời, tránh đột quỵ xuất hiện bất ngờ với những biến chứng nguy hiểm.

– Với những người đã có sẵn bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, tim mạch, cần điều trị kịp thời và theo dõi thường xuyên tại các chuyên khoa.

Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn nắm được cách nhận diện và sơ cứu đột quỵ đúng, giúp bảo vệ an toàn cho bản thân và những người thân trong những tình huống khẩn cấp. Để không mắc phải căn bệnh này hay đối mặt với những nguy hiểm do bệnh gây ra, hãy chủ động quan tâm đến sức khỏe mỗi ngày. nếu có như cầu thăm khám, người bệnh vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được tư vấn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital