Nhồi máu não: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Nhồi máu não chiếm tới 80 – 85% các trường hợp tai biến và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, tàn tật trên thế giới. Cùng tìm hiểu nhồi máu não là tình trạng gì và vì sao bệnh này lại nguy hiểm qua bài viết sau đây nhé. 

1. Nhồi máu não là gì và những ai dễ mắc bệnh?

1.1 Nhồi máu não là bệnh gì?

Nhồi máu não là một dạng tai biến mạch máu não (đột quỵ não) với đặc trưng là tình trạng não bị hoại tử do không được cung cấp máu đầy đủ. Hiện tượng này còn có tên gọi khác là đột quỵ thiếu máu nãu.

Bình thường não cần được cung cấp đủ lượng máu giàu oxy và dinh dưỡng mới có thể hoạt động tốt. Tuy nhiên do hiện tượng tắc, hẹp mạch não hoặc hạ huyết áp mà quá trình tuần hoàn tới não có thể bị gián đoạn hoặc ngưng trệ, khiến lượng máu tới não giảm. Nếu tình trạng thiếu máu kéo dài mà không được khắc phục thì phần não đó sẽ bị hoại tử và được gọi là nhồi máu não.

Ngoài nhồi máu, đột quỵ còn có thể xảy ra ở dạng xuất huyết não. Trong các trường hợp đột quỵ, nhồi máu não chiếm tỷ lệ khoảng 80 – 85%, còn lại 15 – 20% là xuất huyết não. Đặc biệt, tỷ lệ mắc mới hàng năm của bệnh này tương đối cao, khoảng 130/100.000 người/năm theo thống kê mới nhất

Tuy phổ biến hơn nhưng nhồi máu não có thể chữa khỏi trong khi bệnh nhân xuất huyết não thường rất dễ tử vong hoặc tàn phế. 

Nhồi máu não là tình trạng gì?

Tai biến dạng nhồi máu não là tình trạng ngưng cung cấp máu do tắc mạch hoặc cục máu đông.

1.2 Những ai dễ bị mắc bệnh này?

– Người có tiền sử bệnh tim, bệnh mạch máu não, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn đông máu… 

– Người sử dụng quá nhiều hoặc nghiện thuốc lá, rượu bia

– Người có tiền sử ít vận động, béo phì, cholesterol cao, thường xuyên căng thẳng, stress…

2. Nguyên nhân gây đột quỵ thiếu máu não

2 nguyên nhân chính gây đột quỵ thiếu máu não là do tắc mạch (embolism) và do huyết khối  (thrombosis) ở động mạch máu não. 

– Do tắc mạch: Các tổn thương của hệ thống tim mạch (điển hình là các mảng xơ vữa) hoặc ngoài tim (bóng khí, dập nát phần mềm) có thể sinh ra các tổ chức bất thương. Các tổ chức này sẽ theo hệ thống tuần hoàn lên não, kẹt lại và gây tắc ở những đoạn động mạch hẹp hơn kích thước của nó.

– Do huyết khối ở động mạch não: Các tổn thương thành mạch tại chỗ lớn dần lên có thể gây hẹp hoặc tắc động mạch não.

Các nghiên cứu cho thấy, trong các nguyên nhân kể trên, xơ vữa mạch máu lớn chiếm 50% các trường hợp. Trong đó mạch máu lớn ngoài sọ chiếm 45%, mạch máu lớn trong sọ chiếm 5%. Cục máu đông do các bất thường ở tim như bệnh hở van tim, rung nhĩ, rối loạn nhịp tim, suy tim… chiếm 20% các trường hợp.

Tắc các mạch máu nhỏ trong não, thường gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường và chiếm 25%. Các trường hợp bệnh động mạch không xơ vữa chiếm tỷ lệ < 5%. Các bệnh về máu như rối loạn đông máu, bệnh tế bào máu, bất thường bẩm sinh của mạch máu… chiếm <5%.

3. Chẩn đoán bệnh nhồi máu não

3.1 Chẩn đoán lâm sàng

Tùy vào vùng não bị tổn thương mà các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân có thể khác nhau. Các triệu chứng điển hình gồm:

– Đau đầu

– Nôn hoặc buồn nôn

– Liệt nửa người

– Rối ngôn ngữ, vận động

– Rối loạn ý thức, thường xảy ra nếu vùng tổn thương não rộng, nhồi máu hai bên bán cầu não hoặc thân não 

Các triệu chứng của đột quỵ thiếu máu não thường đột ngột, thậm chí có thể xảy ra lúc người bệnh đang ngủ nên rất nguy hiểm.

Chẩn đoán thiếu máu não cục bộ bằng cách nào

Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định kỹ thuật chụp chiếu phù hợp giúp đánh giá tình trạng máu lên lên não, từ đó chẩn đoán chính xác các dạng tai biến hoặc phân biệt với các bệnh lý khác.

3.2 Chẩn đoán cận lâm sàng

Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp cận lâm sàng để xác định chính xác tình trạng của bệnh nhân, điển hình là:

Chụp cắt lớp vi tính (CT scanner) não

Thường áp dụng trong giai đoạn tối cấp (khoảng 3-6 giờ kể từ khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng). Nếu bệnh nhân bị đột quỵ, hình ảnh chụp cắt lớp não có thể xuất hiện các thay đổi kín đáo như:

– Mất ranh giới chất xám

– Mờ rãnh cuộn não

– Hẹp khe Sylvius

– Mất dải băng thùy đảo

– Hẹp não thất và bể đáy

– Tăng tỷ trọng các mạch máu. đặc biệt trong khu vực đa giác Willis 

Khi ổ nhồi máu não đã hình thành thì hình ảnh CT scanner não có thể cho thấy sự giảm tỷ trọng ở vùng vỏ não, vùng dưới vỏ, vùng chất trắng hoặc chất xám.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não hoặc mạch não 

Hình ảnh MRI não có thể cho thấy rõ nét tổn thương ở não, giúp xác định xem nguyên nhân đột quỵ là do thiếu máu cục bộ hay xuất huyết não. Khi sử dụng thuốc đối cản quang sẽ thấy ổ tổn thương ngấm thuốc.

Ngoài ra, các bác sĩ có thể chỉ định một số kỹ thuật khác dựa vào tình hình cụ thể của bệnh nhân.

4. Điều trị đột quỵ thiếu máu não cục bộ

Tùy vào mức độ tổn thương và các nguyên nhân gây nhồi máu mà các bác sĩ sẽ có phương án điều trị phù hợp. Các phương pháp cơ bản gồm:

4.1. Điều trị nhồi máu não – Thuốc tiêu huyết khối được đánh giá cao

Đây được đánh giá là biện pháp điều trị đặc hiệu đối với các trường hợp đột quỵ tuy nhiên phương pháp này chỉ đem lại hiệu quả cao nhất trong vòng 3 giờ kể từ khi cơn nhồi máu khởi phát và không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng. Trước khi thực hiện, các bệnh nhân cần làm xét nghiệm kiểm tra khả năng đáp ứng để quyết định tính khả thi của phương pháp này.

4.2. Điều trị bằng thuốc Aspirin và thuốc chống ngưng tập tiểu cầu

Aspirin là loại thuốc có tác dụng tiêu huyết khối, thường được chỉ định trong điều trị đột quỵ. Ngoài ra, trong trường hợp bệnh nhân dị ứng hoặc không dung nạp với Aspirin có thể dùng các loại thuốc tương tự như: Clopidogrel, ticlopydil, dipyridamol,…

Nếu bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu não do rung nhĩ, bệnh van tim hoặc có nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu, bác sĩ có thể chỉ định thêm heparin và thuốc chống đông khác.

Điều trị nhồi máu bằng thuốc

Thuốc tiêu sợi huyết là một trong những loại thuốc phổ biến dùng để điều trị đột quỵ thiếu máu não do cục máu đông hoặc tắc mạch.

4.3. Điều trị các bệnh lý nền

Nếu tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu… là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ thiếu máu não, thì người bệnh cần việc điều trị tốt các bệnh này là vô cùng quan trọng đối với việc phòng ngừa và điều trị tai biến. Tùy vào bệnh lý mắc phải mà người bệnh có thể được chỉ định dùng các loại thuốc hạ áp, insulin…

Lưu ý: Dù sử dụng bất cứ một phương pháp nào, người bệnh cũng cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh các tác dụng phụ không mong muốn. Đồng thời, duy trì chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp theo hướng dẫn cũng góp phần rất lớn nâng cao hiệu quả điều trị. 

Tóm lại, nhồi máu não là một trong những biến cố nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng người bệnh bất cứ lúc nào. Do vậy, khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ, cần gọi cấp cứu ngay để được xử trí kịp thời, bảo vệ tính mạng. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital