Phương pháp tán sỏi thận bằng ống mềm có ưu điểm nổi bật là không đau, không để lại sẹo do phẫu thuật hoàn toàn theo đường tự nhiên của cơ thể và thời gian nằm viện ngắn. Đây là phương pháp tán sỏi thận hiện đại, đòi hỏi kỹ thuật cao và chỉ thực hiện được tại các bệnh viện đáp ứng đủ các điều kiện về nhân lực và trang thiết bị.
Menu xem nhanh:
1. Tán sỏi thận bằng ống mềm là gì?
Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những cải tiến về y học giúp các bác sĩ có thêm nhiều lựa chọn trong việc điều trị các bệnh lý về sỏi đường tiết niệu. Nổi bật trong những năm gần đây là sự xuất hiện của các phương pháp tán sỏi thận ít xâm lấn như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da đường hầm nhỏ, tán sỏi nội soi ống mềm, tán sỏi ngược dòng,.. Trong đó, kỹ thuật tán sỏi thận bằng ống mềm đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Với việc ứng dụng ống soi mềm, việc điều trị sỏi tiết niệu đã có thêm một lựa chọn ít xâm lấn thay thế cho phương pháp mổ mở.
Tán sỏi nội soi ống mềm được thực hiện theo nguyên lý đưa ống soi mềm qua đường niệu đạo lên niệu quản – bể thận, vào các đài thận và tán vụn sỏi. Kỹ thuật này giúp bảo toàn tối đa chức năng thận và giúp người bệnh phục hồi sức khỏe nhanh chóng.
2. Đối tượng chỉ định
Người bệnh được chỉ định điều trị bằng phương pháp nội soi tán sỏi ngược dòng bằng ống soi mềm trong các trường hợp:
– Người bị sỏi thận có kích thước dưới 2.5cm đơn thuần hoặc phối hợp,
– Người có sỏi đài thận với kích thước nhỏ nhưng nằm ở vị trí khó tiếp cận bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể hoặc tán sỏi qua da.
– Người có sỏi thận sót hoặc tái phát sau tán sỏi hoặc phẫu thuật mở lấy sỏi.
– Người bệnh có sỏi niệu quản di chuyển vào thận trong thận sau tán sỏi ngược dòng hoặc phẫu thuật nội soi lấy sỏi.
– Người bệnh có sỏi niệu quản đoạn ⅓ trên hoặc sát đài bể thận.
Chống chỉ định với các trường hợp:
– Người bệnh có niệu quản hẹp, gấp khúc hoặc dị dạng thận, niệu quản không đặt được máy nội soi.
– Sỏi thận có kích thước lớn hơn 2.5cm.
– Người bệnh có sỏi đài dưới với IL > 3 cm, góc LIP < 30 độ và IW < 5 mm
– Người bệnh đang bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, thận ứ nước mất chức năng.
– Người bệnh bị rối loạn đông máu hay có các chống chỉ định với gây mê hồi sức: các bệnh tim mạch, suy hô hấp,…
3. Kỹ thuật tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser
Trước khi tiến hành tán sỏi, người bệnh cần được thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng để xác định chính xác vị trí, số lượng và kích thước sỏi cũng như đảm bảo đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện phẫu thuật này. Sau khi hoàn tất thủ tục, người bệnh được đặt ống thông niệu quản từ 10-15 ngày trước khi tán sỏi.
Trong quá trình tán sỏi thận, người bệnh được hướng dẫn nằm ngửa theo tư thế sản khoa và được gây mê nội khí quản. Nội soi bàng quang rút ống thông niệu quản trước đó, soi niệu quản để đánh giá toàn bộ niệu quản bằng ống soi cứng và lắp đặt hệ thống nội soi. Đưa ống soi mềm qua ống dẫn lên đài bể thận để xác định lại chính xác vị trí, số lượng và kích thước sỏi. Sử dụng năng lượng tia laser để tán vụn sỏi thành những mảnh nhỏ rồi tiến hành bơm rửa để lấy hết sỏi ra ngoài và kiểm tra sạch sỏi.
Khi sỏi được lấy sạch hoàn toàn sẽ rút ống soi mềm và đặt ống thông (sonde JJ) từ thận xuống bàng quang và sonde niệu đạo. Sonde niệu đạo có thể được rút ra sau 1 ngày khi tán sỏi. Người bệnh nằm theo dõi tại viện khoảng 2 ngày là có thể ra viện. Sonde JJ sẽ được rút sau 2-4 tuần tùy theo tình trạng sức khỏe của người bệnh.
4. Ưu – nhược điểm của kỹ thuật nội soi tán sỏi thận bằng ống mềm
4.1. Ưu điểm của tán sỏi thận bằng ống mềm
– Nội soi tán sỏi thận bằng ống soi mềm là kỹ thuật hiện đại, ít xâm lấn mang lại hiệu quả cao giúp bảo tồn tối đa chức năng thận.
– Với phương pháp này, người bệnh không cần phải mổ do phẫu thuật hoàn toàn theo đường tự nhiên của cơ thể. Do đó mà không xảy ra các biến chứng sau mổ (nhiễm trùng, chảy máu..), không đau, không để lại sẹo.
– Thời gian thực hiện nhanh (khoảng 1 giờ), không quá phức tạp và không tiềm ẩn nhiều rủi ro như các phương pháp truyền thống.
– Thời gian nằm viện ngắn (khoảng 2 ngày), sức khỏe phục hồi nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí.
4.2. Nhược điểm của tán sỏi thận bằng ống mềm
– Tỷ lệ thành công không cao đối với những sỏi có kích thước lớn (trên 2.5cm)
– Không thực hiện được đối với người bệnh có niệu quản bị hẹp, gấp khúc; bị dị dạng niệu quản hoặc thận; người bệnh bị viêm đường niệu;
– Có thể gặp một số biến chứng sau tán sỏi như ứ nước bên thận được tán sỏi, đau thắt lưng, tiểu ra máu.
5. Chăm sóc người bệnh sau khi tán sỏi nội soi ống mềm
Người bệnh sau khi tán sỏi thận bằng ống mềm cần chú ý về chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi:
– Uống nhiều nước mỗi ngày (khoảng 2-2.5 lít) để thanh lọc đường niệu, đồng thời đào thải các cặn sỏi còn tồn đọng ở trong thận ra ngoài.
– Sử dụng các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa (cháo, súp, canh…) để nhanh hấp thu các dưỡng chất, đồng thời không tạo áp lực lên ổ bụng khi đi vệ sinh.
– Tuyệt đối không nhịn tiểu gây tồn đọng nước tiểu, tạo áp lực cho bàng quang, làm tăng nguy cơ tái sỏi.
– Bổ sung đủ canxi cho cơ thể, hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều oxalat giúp làm giảm nguy cơ tái hình thành sỏi.
– Không hút thuốc, uống nhiều rượu bia và các đồ uống chứa chất kích thích khác.
– Vận động thể dục mỗi ngày để nâng cao sức khỏe.
Tán sỏi thận bằng ống mềm là phương pháp điều trị sỏi hiện đại, ít xâm lấn giúp bảo tồn tối đa chức năng thận. Người bệnh khi có sỏi thận nên thăm khám và tư vấn cụ thể với bác sĩ chuyên khoa để xác định phương pháp điêu trị phù hợp, loại bỏ sỏi hiệu quả đồng thời cải thiện tình trạng sức khỏe.