Viêm thanh khí phế quản ở trẻ em là bệnh khá thường gặp, đặc biệt sau khi trẻ bị cảm lạnh do virus tấn công đường hô hấp trên. Nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời, bệnh có thể tái phát nhiều lần thành mạn tính, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Menu xem nhanh:
1. Viêm thanh khí phế quản ở trẻ nhỏ là bệnh như thế nào?
Viêm thanh khí phế quản (Croup) là tình trạng thanh quản và khí quản bị phù nề khiến cho vùng hạ thanh môn (đường dẫn khí dưới dây thanh âm) bị thu hẹp, tạo ra âm thanh ồn ào khi thở và khiến cho trẻ bị khó thở.
Bệnh viêm thanh khí phế quản thường xảy ra ở thời điểm cuối mùa thu và mùa đông. Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng – 5 tuổi, trong đó tỷ lệ mắc cao nhất là ở trẻ 2 tuổi, và bé trai dễ mắc bệnh hơn bé gái.
Thống kê cho thấy, có khoảng 15% trẻ mắc bệnh viêm thanh khí phế quản có người thân trong gia đình đã từng mắc bệnh này.
2. Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh viêm thanh khí phế quản ở trẻ nhỏ
Viêm thanh khí phế quản ở trẻ nhỏ chủ yếu do virus gây ra, phổ biến nhất là virus Parainfluenza tuýp 1,2,3 (chiếm tỉ lệ khoảng 75%). Ngoài ra còn có một số loại virus khác như: virus hợp bào hô hấp RSV, virus cúm A và B, Enterovirus, Rhovovirus, Adenovirus, virus sởi. Vi khuẩn Haemophilus influenza và Mycoplasma pneumoniae cũng là những tác nhân có thể gây ra bệnh viêm thanh khí phế quản ở trẻ nhỏ, nhưng hiếm gặp hơn.
Ngoài ra, trẻ còn có thể bị viêm thanh khí phế quản do co thắt gây ra bởi trào ngược dạ dày hoặc dị ứng.
Thực tế cho thấy, đa phần trẻ em bị viêm thanh khí phế quản đều ở mức độ nhẹ, tỷ lệ phải nhập viện điều trị chỉ khoảng 10%. Tuy nhiên, viêm thanh khí phế quản có thể bị tái phát do các yếu tố gây dị ứng tác động, nhất là đối với những trẻ nhạy cảm với các kháng nguyên virus.
Theo các chuyên gia, việc kiểm soát vấn đề trào ngược dạ dày có thể giúp hạn chế khả năng tái phát của bệnh viêm thanh khí phế quản.
3. Dấu hiệu nhận biết viêm thanh khí phế quản ở trẻ em
3.1. Viêm thanh khí phế quản do tác nhân virus gây ra
Khi trẻ bị viêm thanh khí phế quản do virus, trẻ sẽ có những triệu chứng sau:
– Triệu chứng ban đầu không đặc hiệu, khá giống cảm cúm/nhiễm trùng đường hô hấp trên, đó là: sốt nhẹ, sổ mũi, ho. Tiếng ho chuyển dần thành tiếng ho khan và gắt tiếng, giọng khàn, khó nuốt, khóc không thành tiếng.
– Nếu bệnh diễn biến nặng hơn, trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng suy hô hấp như: cánh mũi phập phồng, thở rít và rít lõm ngực khi ho hoặc khi ngủ.
– Các triệu chứng thường nặng hơn vào ban đêm, nặng nhất vào đêm thứ 2 và thứ 3 sau khi bị bệnh. Tình trạng ho thường kéo dài khoảng 1 tuần. Khi trẻ hết ho, các triệu chứng khác cũng sẽ được cải thiện.
Tùy thuộc vào hệ miễn dịch và cấu trúc đường thở của từng trẻ mà mức độ bệnh ở từng trẻ sẽ khác nhau. Tuy nhiên, thời gian trung bình trẻ mắc và khỏi bệnh là khoảng 3-7 ngày. Một số trường hợp nặng có thể kéo dài 2-3 tuần.
3.2. Viêm thanh khí phế quản do co thắt dị ứng/trào ngược dạ dày
Với trường hợp trẻ bị viêm thanh khí phế quản do co thắt, ngoài ho khan, thở rít, trẻ sẽ có một số biểu hiện khác như:
– Trẻ không bị sốt
– Trẻ thường bị co thắt đột ngột vào giữa buổi đêm. Bố mẹ sẽ thấy lúc mới đi ngủ trẻ hoàn toàn bình thường, nhưng sau đó một vài giờ, trẻ sẽ thức dậy với triệu chứng thở hổn hển.
Có thể nói, viêm thanh khí phế quản do co thắt tương tự như bệnh hen và có thể điều trị bằng thuốc trào ngược hay dị ứng.
4. Chăm sóc trẻ bị viêm thanh khí phế quản như thế nào?
Khi trẻ bị viêm thanh khí phế quản, cha mẹ nên áp dụng một số biện pháp để giúp giảm các triệu chứng khó chịu cho trẻ, cũng như đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ trong thời gian bị bệnh. Cụ thể như:
– Làm ẩm không khí trong phòng: nếu không khí quá khô, trẻ sẽ dễ bị ho nhiều và khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn, do đó cha mẹ nên sử dụng các thiết bị làm ẩm như máy tạo độ ẩm hoặc treo khăn ướt trong phòng trẻ để giữ cho không khí được ẩm, đặc biệt là vào mùa đông.
– Tạo môi trường sống trong lành cho trẻ, tránh cho trẻ phải hít bụi, khói thuốc vì những yếu tố này sẽ kích thích trẻ ho nhiều hơn
– Đặt trẻ nằm cao đầu để trẻ dễ thở hơn
– Cho trẻ uống thuốc ho (thảo dược) để hỗ trợ giảm ho
– Cho trẻ uống nhiều nước ấm để làm loãng chất nhầy, giúp giảm co thắt và cải thiện tình trạng ho cho trẻ.
– Chế biến thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt cho trẻ. Có thể chia nhỏ bữa ăn và cho trẻ uống thêm các loại nước trái cây hoặc sữa.
– Cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà, tránh đi học hay đến nơi đông người vì virus gây bệnh viêm thanh khí phế quản có thể lây lan sang người khác khi trẻ ho, hắt hơi.
– Ngủ cùng với trẻ để theo dõi sát sao tình trạng bệnh của trẻ cũng như chăm sóc, hỗ trợ giảm khó chịu cho trẻ bởi các triệu chứng của viêm thanh khí phế quản thường nặng nhất vào đêm.
5. Khi nào cần đưa trẻ bị viêm thanh khí phế quản đi khám bác sĩ?
Khi thấy trẻ có những biểu hiện sau, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay lập tức:
– Trẻ thở khó, môi tím tái, da nhợt nhạt
– Tình trạng thở rít không thuyên giảm dù đã áp dụng các biện pháp sơ cứu
– Trẻ chảy nước dãi, nuốt khó hoặc không nuốt được
– Trẻ trông rất mệt mỏi, ốm yếu, xanh xao
– Trẻ sốt kéo dài hơn 3 ngày
– Các triệu chứng của bệnh không thuyên giảm và kéo dài hơn 10 ngày
Tùy tình trạng, mức độ bệnh của trẻ, bác sĩ có thể sẽ kê đơn cho con về uống điều trị tại nhà hoặc chỉ định con nằm viện điều trị.
Nhìn chung, viêm thanh khí phế quản ở trẻ em hầu hết đều ở mức độ nhẹ, ít khi xảy ra biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, cha mẹ không nên vì thế mà chủ quan, bởi chỉ cần không theo dõi sát sao bệnh tình của con, cha mẹ có thể bỏ qua những dấu hiệu nguy hiểm và khiến con phải trải qua tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Cha mẹ cần ghi nhớ những biện pháp chăm sóc con tại nhà để giúp giảm triệu chứng cho trẻ và trong trường hợp triệu chứng bệnh không cải thiện, cha mẹ cần đưa con đến ngay cơ sở y tế để con được thăm khám, điều trị kịp thời.