Phác đồ điều trị viêm thanh khí phế quản ở trẻ em 

Tham vấn bác sĩ

Viêm thanh khí phế quản cấp, còn được gọi là Croup, là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng tắc nghẽn hô hấp dưới ở trẻ nhỏ. Trẻ mắc viêm thanh khí phế quản nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm bệnh rất dễ tái lại, tiến triển thành mạn tính, gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của trẻ về sau này. Dưới đây, bài viết sẽ giải đáp phác đồ điều trị viêm thanh khí phế quản dành cho trẻ nhỏ để bố mẹ hiểu hơn về bệnh này và có cách điều trị, chăm sóc đúng cho con.

1. Vì sao trẻ bị mắc bệnh viêm thanh khí phế quản?

Viêm thanh khí phế quản ở trẻ là tình trạng thanh quản và khí quản của bé bị phù nề làm thu hẹp và tắc nghẽn đường hô hấp dưới. Đây là nguyên nhân chính khiến trẻ gặp phải tình trạng khó thở và thở khò khè. Bệnh xảy ra phổ biến hơn ở đối tượng trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, nhất vào mùa thu đông, khi tiết trời trở lạnh.

Phác đồ điều trị viêm thanh khí phế quản ở trẻ em -1

Virus Parainfluenza là nguyên nhân chính gây bệnh viêm thanh khí phế quản ở trẻ

Virus Parainfluenza là nguyên nhân chính gây bệnh viêm thanh khí phế quản ở trẻ, chiếm tới hơn 70% số ca bệnh. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị viêm thanh khí phế quản khi nhiễm phải các virus, vi khuẩn khác: Adenovirus, RSV, enterovirus, các loại virus cúm…

Thực tế, bệnh viêm thanh khí phế quản cấp ở trẻ nếu không được điều trị dứt điểm rất dễ tái lại. Một số trường hợp trẻ bị dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản… cũng làm tăng nguy cơ tái phát bệnh.

2. Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm thanh khí phế quản

Trẻ mắc viêm thanh khí phế quản sẽ dần xuất hiện những triệu chứng của bệnh. Đây cũng chính là dấu hiệu giúp phụ huynh nhận biết để phát hiện sớm bệnh ở trẻ.

Thông thường, trẻ viêm thanh phú phế quản sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:

– Ban đầu, các triệu chứng ở trẻ viêm thanh phú phế quản có sự tương đồng với nhiễm trùng đường hô hấp. Trẻ sốt nhẹ, sổ mũi trong 12 – 72h đầu khi mới mắc bệnh.

– Trẻ có biểu hiện thở rít khi hít vào, tăng nhịp thở, co lõm cơ hô hấp phụ, ho cả tràng dài.

– Các triệu chứng tăng nặng về đêm, nhất là trong vòng 24 – 48h đầu mắc bệnh.

Nếu tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng giống như suy hô hấp. Những dấu hiệu này bao gồm sưng mắt, tiếng kêu co rút và thở rít.

Sau một tuần ho kéo dài, các triệu chứng còn lại của trẻ viêm thanh khí phế quản sẽ dần được cải thiện. Tuy nhiên trong giai đoạn này, trẻ có thể trở nên kích thích hơn vào ban đêm do một yếu tố nào đó khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Tùy thuộc vào sức đề kháng và cấu tạo đường thở, mỗi bé sẽ có nguy cơ biến chứng nặng khác nhau.

3. Cho trẻ nghi mắc viêm thanh khí phế quản đi khám bác sĩ sớm

Trẻ xuất hiện triệu chứng bất thường nên được đi khám bác sĩ

Trẻ xuất hiện triệu chứng bất thường nên được đi khám bác sĩ

Khi nhận thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng nghi mắc viêm thanh khí phế quản, bố mẹ hãy cho bé đi khám bác sĩ. Tại các cơ sở y tế uy tín, bé sẽ được bác sĩ thăm khám, tiến hành kiểm tra cần thiết nhằm xác định bệnh.

Nếu đúng là trẻ mắc viêm thanh khí phế quản, tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ lên phác đồ phù hợp với bé. Nhờ đó, bé được hỗ trợ điều trị tốt nhất, bệnh chóng khỏi, hạn chế nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

4. Phác đồ điều trị viêm thanh khí phế quản đúng cách, khoa học

Trẻ viêm thanh khí phế quản cần được điều trị với phác đồ phù hợp

Trẻ viêm thanh khí phế quản cần được điều trị với phác đồ phù hợp

Phác đồ điều trị viêm thanh khí phế quản trẻ em hay bất kì đối tượng nào đều cần tuân thủ nguyên tắc điều trị corticoid. Bé cần được loại trừ dị vật đường thở, phục hồi sự thông thương đường thở, đảm bảo tình trạng thông khí và oxy hóa máu.

Ở các mức độ mắc bệnh khác nhau, bé sẽ được chỉ định phác đồ điều trị khác nhau. Cụ thể bố mẹ có thể tham khảo theo hướng dẫn sau:

4.1. Phác đồ điều trị cho bé viêm thanh khí phế quản nhẹ

Trẻ mắc viêm thanh khí phế quản mức độ nhẹ sẽ tương đương với tình trạng khó thở thanh quản độ I. Ở trường hợp này, trẻ viêm thanh khí phế quản hầu hết đều có thể tự phục hồi sau từ 2 – 4 ngày.

Bé viêm thanh khí phế quản mức độ nhẹ chỉ cần điều trị ngoại trú tại nhà theo đơn thuốc mà bác sĩ chỉ định. Nếu sốt cao, bé sẽ được uống hạ sốt, ho nhiều có thể sử dụng thuốc giảm ho. Trường hợp bé xuất hiện triệu chứng bất thường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nặng như co lõm ngực, có tiếng rít khi nằm yên… bố mẹ cần đưa bé cấp cứu ngay để được bác sĩ hỗ trợ xử lý kịp thời.

4.2. Phác đồ điều trị cho bé viêm thanh khí phế quản trung bình

Trẻ mắc viêm thanh khí phế quản mức độ trung bình tương đương với tình trạng khó thở thanh quản độ IIA. Trường hợp này, trẻ có thể được điều trị ngoại trú nếu bố mẹ đảm bảo có thời gian để chăm sóc, theo dõi sát con và nhà ở không xa bệnh viện. Hoặc để chắc chắn an toàn hơn, bố mẹ có thể cho con nhập viện nhằm được bác sĩ hỗ trợ theo dõi và điều trị.

Ngoài thuốc hạ sốt, giảm ho, trẻ viêm thanh khí phế quản trung bình có thể sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thêm thuốc kháng viêm, kháng dị ứng theo liều lượng phù hợp. Đối với trẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tăng nặng, bé viêm thanh khí phế quản trung bình sẽ được bác sĩ chỉ định phải tái khám mỗi ngày.

4.3. Phác đồ điều trị cho bé viêm thanh khí phế quản nặng

Trẻ mắc viêm thanh khí phế quản mức độ nặng tương đương với tình trạng khó thở thanh quản độ IIB, III. Trường hợp này, trẻ bắt buộc phải nhập viện điều trị để được hỗ trợ tốt nhất, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Phác đồ điều trị sẽ được xây dựng dựa trên tình trạng bệnh và các triệu chứng bé gặp phải. Một số thuốc thường được bác sĩ chỉ định dùng cho trẻ trường hợp này như: thở oxy qua cannula nếu bé gặp triệu chứng khó thở, khí dung trong trường hợp cần thiết, thuốc kháng viêm, thuốc kháng sinh…

Trường hợp trẻ viêm thanh khí phế quản xuất hiện triệu chứng tím tái, lơ mơ, kiệt sức, có cơn ngừng thở hoặc thất bại với điều trị nội khoa, bé có thể sẽ được chỉ định đặt nội khí quản.

Lưu ý rằng, mọi thông tin về phác đồ điều trị cho bé viêm thanh khí phế quản chỉ mang tính chất tham khảo, giúp phụ huynh hiểu hơn về bệnh lý này. Trường hợp nhà có trẻ mắc viêm thanh khí phế quản, phụ huynh cần cho con đi khám để được bác sĩ tư vấn điều trị phù hợp và hiệu quả. Trường hợp trẻ mắc bệnh phải nhập viện điều trị, bố mẹ cần theo dõi trẻ viêm thanh khí phế quản thật cẩn thận. Bất cứ khi nào trẻ xuất hiện triệu chứng bất thường, bố mẹ cần báo ngay cho bác sĩ để con được hỗ trợ kịp thời, không xảy ra nguy hiểm sức khỏe.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital