Mặc dù không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe nhưng bệnh viêm đường tiết niệu gây ra không ít mệt mỏi và phiền toái cho đời sống của người bệnh. Xét nghiệm viêm đường tiết niệu cần được tiến hành sớm để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh, từ đó có hướng điều trị thích hợp.
Menu xem nhanh:
1. Các triệu chứng của bệnh viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu là thuật ngữ chỉ bệnh lý viêm nhiễm xảy ra trên đường tiết niệu do vi khuẩn. Bệnh có thể được báo hiệu bằng các triệu chức sau:
– Thường xuyên muốn đi tiểu.
– Có cảm giác muốn đi vệ sinh liên tục nhưng lượng nước tiểu trong mỗi lần đi vệ sinh rất ít.
– Đau rát mỗi lần đi tiểu
– Nước tiểu có màu khác, đi tiểu khó, tiểu rắt, bụng ậm ạch khó chịu.
– Phụ nữ có thể bị đau vùng chậu. Đặc biệt là đau ở trung tâm của xương chậu và khu vực xung quanh khu vực của xương mu.
– Nếu bị viêm nhiễm phát triển mạnh có thể lan tỏa đến thận và dạ con. Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như đau lưng, ớn lạnh, sốt, buồn nôn.
Khi phát hiện có các dấu hiệu và triệu chứng nêu trên, nên nhanh chóng tới bệnh viện để khám, thực hiện các xét nghiệm viêm đường tiết biệu cần thiết.
2. Các xét nghiệm viêm đường tiết niệu
2.1. Xét nghiệm nước tiểu
Một trong những xét nghiệm viêm đường tiết niệu phổ biến nhất là xét nghiệm nước tiểu. Bác sĩ sẽ phân tích mẫu nước tiểu để tìm kiếm tế bào bạch cầu, tế bào hồng cầu và vi khuẩn nếu có. Để có kết quả xét nghiệm chính xác , mẫu nước tiểu xét nghiệm đòi hỏi phải sạch, tươi. Do đó bệnh nhân sẽ được hướng dẫn vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài. Khi bắt đầu đi tiểu, bỏ phần nước tiểu đầu, sau đó tiểu vào ống nghiệm vô trùng để gửi xuống phòng xét nghiệm.
2.2. Cấy nước tiểu
Nuôi cấy nước tiểu là một xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để tìm ra vi khuẩn hoặc vi trùng trong một mẫu nước tiểu. Xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định loại vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu và loại thuốc điều trị phù hợp nhất.
2.3. Các xét nghiệm chẩn đoán bằng hình ảnh
Với những trường hợp thường xuyên bị nhiễm trùng nghi ngờ viêm đường tiết niệu, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán bằng hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Thông thường một tác nhân tương phản hay còn gọi là “thuốc nhuộm”, được đưa vào cơ thể qua đường uống, tiêm tĩnh mạch… trước khi tiến hành chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ. Chất cản quang này giúp hình ảnh đường tiết niệu hiển thị tốt hơn trên X quang.
2.4. Nội soi bàng quang
Một xét nghiệm viêm đường tiết niệu khác là nội soi bằng quang. Nội soi bàng quang được dùng để xem bên trong bàng quang (nơi chứa nước tiểu) và niệu đạo (ống dẫn tiểu) nhằm kiểm tra, đánh giá nguyên nhân và tình trạng bệnh lý tại các bộ phận này.
Bác sĩ sẽ tiến hành nội soi bằng cách dùng một ống sợi quang linh hoạt có gắn đèn để nhìn vào niệu đạo và bàng quang.
Căn cứ trên kết quả xét nghiệm này, bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị phù hợp nhất. Sử dụng thuốc kháng sinh là cách điều trị được áp dụng đầu tiên. Liều lượng và thời gian sử dụng tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây bệnh cũng như tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Vui lòng liên hệ để biết chính xác về các bệnh viêm đường tiết niệu cũng như các xét nghiệm cần thiết.