Suy giảm chiều cao ở trẻ là một vấn đề khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng. Chậm tăng trưởng chiều cao là một bệnh lý ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và sức khỏe trẻ em. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến việc chiều cao của trẻ bị hạn chế và làm thế nào để cải thiện tình trạng này?
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân nào khiến trẻ chậm cao?
Có nhiều nguyên nhân khiến cho chiều cao của trẻ bị ảnh hưởng, cũng có nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân nhưng đều khiến cho cha mẹ cảm thấy lo ngại về việc thấp lùn của con mình. Việc phát hiện có những bất ổn trong sự tăng trưởng chiều cao đồng thời có những biện pháp xử trí kịp thời trong giai đoạn phát triển vàng của trẻ sẽ có thể cải thiện tình trạng cho trẻ trong tương lai.
1.1. Suy giảm chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng
Theo các nghiên cứu, việc trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng không nhiều nhưng lại là nguyên nhân chiếm phần lớn gây nên tình trạng chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em.
Tuyến yên là bộ phận sản xuất ra các hormone tăng trưởng, nguyên nhân khiến cho loại hormone này bị thiếu hụt là do trẻ bị bẩm sinh hoặc do trẻ đã mắc phải những bệnh lý như sau: chấn thương vùng đầu và đã phẫu thuật não, u hạ đồi tuyến yên, nhiễm trùng thần kinh, do chiếu xạ vùng hầu họng hốc mắt hoặc vùng sọ…cũng có trường hợp thiếu hormone tăng trưởng mà không xác định được nguyên nhân.
1.2. Suy giảm chiều cao do xương có vấn đề
Khi trẻ bị thiếu canxi thì chất lượng xương của trẻ sẽ không đảm bảo. Mật độ xương tháo có thể là nguyên nhân khiến cho chiều cao trẻ bị kìm hãm. Tình trạng này thường xảy ra ở những trẻ bị thiếu hụt vitamin D, canxi, phốt pho hoặc những trẻ không vận động, hoạt động thể thao nhiều.
Cải thiện chất lượng xương có thể được thực hiện thông qua việc bổ sung vi chất trực tiếp hoặc thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ. Cần lưu ý làm các xét nghiệm vi chất để xác định chính xác chất còn thiếu thì mới có thể bổ sung, không tự ý uống các chất như canxi mà không có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
1.3. Do bệnh lý
Trẻ có thể mắc một số bệnh lý mạn tính ở thận như thận hư, suy thận mạn tính, bệnh ở tim như tim bẩm sinh hoặc suy tim, hoặc một số bệnh lý khác về tiêu hóa và chuyển hóa…là nguyên nhân khiến cho trẻ thấp lùn.
Một số trẻ khác gặp những căn bệnh bẩm sinh như Tuner, Prader, Down cũng có thể không tăng trưởng được chiều cao.
Ngoài ra, việc chậm phát triển chiều cao còn có thể xảy ra đối với những trẻ mắc các bệnh lý về máu như bệnh huyết tán, thiếu máu thiếu sắt…
Một bệnh lý khác nữa không thể không kể đến khi nói về nguyên nhân làm cho trẻ chậm phát triển chiều cao đó là bệnh suy tuyến giáp. Tuyến giáp là bộ phận sẽ tác động lên thể chất và tâm thần trẻ, nên nếu tuyến giáp bị suy, chắc chắn việc tăng trưởng chiều cao cũng sẽ bị ảnh hưởng.
1.4. Nguyên nhân khác
– Trẻ ngồi sai tư thế. Việc này khiến cho cột sống của trẻ bị cong , vẹo khiến cho trẻ không thể đứng thẳng được, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ
– Do chấn thương ở vùng cột sống hoặc ở chân như gãy xương, cong vẹo cột sống do va đập cũng khiến cho trẻ bị lùn đi.
– Thường xuyên mang vác đồ quá nặng cũng khiến cho cột sống của trẻ bị chèn ép. Lâu dần cột sống bị chùn lại cũng là nguyên nhân khiến cho chiều cao của trẻ không thể tăng trưởng được.
Nếu như không muốn trẻ bị lùn, cha mẹ cần để ý không để trẻ mắc những sai lầm kể trên. Luôn nhắc nhở và chú ý đến những tư thế khi trẻ ngồi học, vận động, đặc biệt tránh không cho trẻ mang vác nặng.
2. Dấu hiệu cho thấy trẻ đang chậm tăng trưởng chiều cao
Cha mẹ cần nhìn vào những dấu hiệu sau để đánh giá cơ bản về khả năng tăng trưởng chiều cao của con mình:
– Trẻ thấp hơn đại đa số những bạn bè cùng tuổi của mình
– Trẻ thấp hơn nhưng anh chị ruột khi họ ở độ tuổi hiện tại ở trẻ
– Với trẻ trên 4 tuổi mà tốc độ tăng chiều cao nhỏ hơn 5cm/năm thì được gọi là chậm tăng trưởng chiều cao
Nếu trẻ có những dấu hiệu kể trên thì cha mẹ nên cho trẻ đến các chuyên khoa dinh dưỡng để được đánh giá tốc độ phát triển và được tư vấn về những cách cải thiện chiều cao nếu như trẻ đang ở mức chậm phát triển.
Vậy những đứa trẻ phát triển chiều cao ở mức nào thì được đánh giá là bình thường?
– Trẻ mới sinh chiều dài sẽ từ khoảng 48 đến 52cm và trung bình là 50cm. Trong 1 năm đầu tiên sau sinh, chiều cao của trẻ sẽ tăng lên từ 20 đến 25 cm. Sau đó từ 1 tuổi đến 4 tuổi, chiều cao trung bình tăng thêm mỗi năm của trẻ sẽ từ 10 đến 12cm
– Đối với trẻ từ 4 đến 11 tuổi thì mức tăng trung bình sẽ là từ khoảng 5 cho đến 8cm mỗi năm.
– Bước sang tuổi dậy thì, chiều cao của trẻ sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, bé gái tăng từ 6-10cm và bé trai từ 6.5 đến 11cm mỗi năm
3. Cần làm gì khi trẻ chậm tăng trưởng chiều cao
Cha mẹ cần theo dõi sự tăng trưởng chiều cao của trẻ một cách kỹ càng để nhận ra sự thiếu hụt tăng trưởng và tìm ra nguyên nhân gây nên sự thiếu hụt này. Nếu nguyên nhân do trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng thì việc bổ sung hormone này kịp thời có thể khiến cho trẻ bắt kịp được tốc độ tăng trưởng chiều cao của các bạn đồng trang lứa.
Nếu trẻ bị thiếu hụt chiều cao do những nguyên nhân khác thì cần đưa trẻ đi khám để xác định nguyên nhân và xử trí kịp thời, giả sử trẻ bị chậm tăng trưởng cho một số bệnh lý thì khi đã chữa khỏi bệnh, chiều cao của trẻ cũng có sự cải thiện.
Cha mẹ trong quá trình theo dõi sự phát triển của con, nếu thấy chiều cao của trẻ đang thấp hơn mức giới hạn và tốc độ tăng chiều cao chậm thì có thể đưa trẻ đến chuyên khoa dinh dưỡng để được bác sĩ thăm khám và đưa ra những lời khuyên để có thể cải thiện tình trạng này cho trẻ.
Trên đây là những nguyên nhân khiến cho trẻ bị suy giảm chiều cao cũng lời khuyên cho cha mẹ khi trẻ bị vướng phải tình trạng này. Hi vọng sẽ hữu ích cho phụ huynh trong quá trình nuôi dưỡng con cái.