Các cách điều trị dự phòng loãng xương hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Điều trị dự phòng loãng xương từ sớm thực sự cần thiết để hạn chế tối đa biến chứng sau này. Các biện pháp thực hiện không hề khó khăn, phần lớn là cải thiện chế độ dinh dưỡng, lối sống và sinh hoạt.

1. Loãng xương là gì?

Loãng xương còn có tên gọi khác là xốp xương, giòn xương. Đây là tình trạng xương mỏng dần, mật độ xương giảm dần theo thời gian. Hệ quả khiến xương giòn, dễ tổn thương, gãy xương dù chỉ va chạm hay cú ngã nhẹ.

Gãy xương do loãng xương có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí xương nào trên cơ thể. Trong đó, chấn thương phổ biến nhất là gãy xương cột sống, xương đùi và xương cẳng tay. Xương cột sống và xương đùi khi gãy sẽ khó hồi phục và gần như không có khả năng lành lại. Các trường hợp này phải điều trị trong thời gian dài, chi phí rất lớn.

Điều trị dự phòng loãng xương bằng cách đo loãng xương định kỳ

Đo loãng xương là phương pháp quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh loãng xương

2. Ý nghĩa của việc điều trị dự phòng loãng xương sớm

Việc điều trị dự phòng sớm bệnh loãng xương vô cùng cần thiết, nguyên nhân bao gồm:

– Diễn biến âm thầm

Bước sang độ tuổi 30, quá trình mất xương sinh lý bắt đầu diễn ra, mật độ xương giảm trong khoảng 0,1 – 0,5%/năm. Quá trình mất xương này diễn biến âm thầm, ít triệu chứng cụ thể. Theo thời gian khoáng chất trong xương mất dần, khi có dấu hiệu lâm sàng cũng đồng nghĩa bệnh đã trở nặng.

– Điều trị khó khăn, tốn kém

Khi bị loãng xương, việc điều trị mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Thời gian điều trị bệnh có thể kéo dài trong 4-5 năm nhưng chưa chắc đã có kết quả như mong muốn. Nguy hiểm hơn là quá trình này có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm.

3. Các phương pháp ngăn ngừa bệnh loãng xương

Đây là căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể dự phòng bằng việc thay đổi thói quen sinh hoạt, cân bằng chế độ dinh dưỡng. Một số cách bạn có thể áp dụng ngay hôm nay là:

3.1. Vận động

Vận động, tập luyện đều đặn phù hợp sẽ làm tăng mật độ xương và cải thiện sự cân bằng để hạn chế tình trạng té ngã. Các bài tập phù hợp để ngăn ngừa loãng xương bao gồm:

– Chạy bộ, đi bộ nhanh, tennis, cầu lông

– Các bài tập nâng cao sức bền có lợi cho sức khỏe xương khớp, duy trì sức mạnh và khối lượng cơ bắp.

– Bài tập yoga, dưỡng sinh, thái cực quyền, … giúp cải thiện sự cân bằng, tăng sự bền bỉ, dẻo dai của cơ thể.

Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần tập với cường độ phù hợp với cơ thể. Nhiều người tập quá nặng, ăn uống khắt khe sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực với sức khỏe.

Điều trị dự phòng loãng xương bằng cách vận động đều đặn

Vận động đều đặn không chỉ ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh loãng xương mà còn nhiều bệnh lý khác

3.2. Điều trị dự phòng loãng xương nhờ chế độ ăn giàu vitamin D và Canxi

Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng trong điều trị dự phòng loãng xương.

Canxi

Lượng Canxi cần thiết đối với một người trưởng thành là khoảng 1000mg/ngày. Với đàn ông trên 70 tuổi và phụ nữ trên 50 tuổi, lượng này sẽ tăng lên 1200 mg/ngày.

Nếu cơ thể thiếu hụt Canxi, quá trình phân hủy của xương sẽ diễn ra để bù đắp lượng chất bị thiếu, dẫn đến tình trạng loãng xương. Do đó, cần bổ sung đầy đủ canxi thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Một số nguồn thực phẩm giàu Canxi để bổ sung vào thực đơn ăn uống là:

– Sữa và các sản phẩm từ sữa. Nên uống loại ít béo hoặc không có chất béo.

– Các thực phẩm tăng cường canxi: đậu phụ, sữa đậu nành, ngũ cốc nguyên hạt, …

– Các loại cá: cá mòi, cá hồi

– Các loại rau có màu xanh đậm: cải xoăn, bông cải xanh, rau bina, xà lách, súp lơ xanh.

Vitamin D

Bên cạnh Canxi, vitamin D cũng vô cùng quan trọng. Vitamin D hỗ trợ quá trình hấp thụ Canxi hiệu quả. Mỗi ngày, cơ thể người lớn ở độ tuổi dưới 70 cần 600 IU (đơn vị quốc tế). Người trên 70 tuổi cần 800 IU. Một số nguồn thực phẩm chứa vitamin D mà chúng ta có thể bổ sung hàng ngày là:

– Các loại cá béo gồm cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá cơm, cá mòi

– Gan bò, phô mai, sữa, lòng đỏ trứng

– Ngũ cốc, nước cam tươi

Ngoài ra, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi sáng cũng là cách hấp thụ vitamin tự nhiên hiệu quả. Tuy nhiên chỉ nên tắm nắng lúc sáng sớm, tránh ánh nắng gắt vì có thể gây ung thư da.

3.3. Điều trị dự phòng loãng xương bằng cách ngừng hút thuốc, bỏ rượu bia

Uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh loãng xương. Nguyên nhân là vì nó làm giảm hấp thu canxi nên tăng nguy cơ gãy xương, loãng xương.

3.4. Hạn chế uống soda

Soda cũng thuộc nhóm những tác nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng loãng xương. Nguyên nhân là do trong thức uống này có chứa hàm lượng photpho lớn, ngăn cơ thể hấp thụ Canxi. Vì vậy, thay vì uống soda, chúng ta nên lựa chọn các loại đồ uống giàu dưỡng chất như sữa đậu nành, sữa hạt, nước trái cây, … để ngăn ngừa loãng xương.

3.5. Duy trì cân nặng phù hợp

Thiếu cân, thừa cân, béo phì đều có khả năng làm tăng nguy cơ loãng xương cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác. Do đó, việc duy trì cân nặng ở mức phù hợp là điều quan trọng.

3.6. Bổ sung đạm

Đạm (Protein) có trong mọi tế bào, bao gồm cả xương. Nhiều nghiên cứu cho rằng việc bổ sung đủ Protein cũng làm tăng mật độ khoáng trong xương. Tiêu chuẩn lượng đạm cần thiết mỗi ngày đối với người trưởng thành:

– Nam giới: Cần khoảng 56 gam protein trong khẩu phần ăn hàng ngày.

– Nữ giới: Cần khoảng 46 gam protein trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Một số loại thực phẩm giàu Protein dễ chế biến là:

– Trứng

– Sữa

– Phô mai

– Hạnh nhân

– Ức gà

– Yến mạch

Điều trị dự phòng loãng xương bằng cách bổ sung đầy đủ Protein

Bổ sung Protein cho cơ thể để xương khớp được chắc khỏe

3.7. Kiểm tra mật độ xương định kỳ

Kiểm tra mật độ xương có vai trò quan trọng trong việc phát hiện, điều trị bệnh cũng như dự phòng sớm. Hiện nay, phương pháp phổ biến là quét hệ thống hấp thụ tia X năng lượng kép (DXA hoặc DEXA) bằng cách sử dụng một lượng nhỏ bức xạ để đo mật độ của xương.

Tuy nhiên phương pháp này không phù hợp với tất cả mọi trường hợp. Tốt nhất nên thăm khám chuyên khoa Cơ xương khớp để được bác sĩ tư vấn cụ thể về chế độ ăn uống, tập luyện và việc thăm khám định kỳ sao cho hiệu quả.

Bài viết trên đã cung cấp các cách để phòng ngừa bệnh loãng xương. Các phương pháp này cần được thực hiện kiên trì ngay từ sớm. Đặc biệt, cần thăm khám sức khỏe xương khớp thường xuyên để điều trị các tình trạng bất thường kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital