Hiện tại mổ sỏi tiết niệu có 2 phương pháp chính: mổ nội soi và mổ mở để loại bỏ sỏi. Nhìn chung mổ sỏi tiết niệu có ưu điểm là nhanh chóng, triệt để nhưng người bệnh cần nhiều thời gian để phục hồi, vết mổ đau, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, có thể gặp phải một số rủi ro như nhiễm trùng, chảy máu… sau mổ. Không phải trường hợp nào có sỏi người bệnh cũng bắt buộc phải mổ. Tùy theo vị trí, kích thước sỏi và tình trạng người bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp.
Menu xem nhanh:
1.Khi nào cần mổ sỏi tiết niệu?
Sỏi tiết niệu bao gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo. bệnh lý sỏi tiết niệu có xu hướng ngày càng gia tăng, đặc biệt ở độ tuổi trung niên (35-55 tuổi) và nam giới thường mắc nhiều hơn nữ giới.
Sỏi tiết niệu có thể diễn biến âm thầm, người bệnh khó có thể phát hiện ra khi sỏi có còn nhỏ. Khi kích thước của sỏi lớn dần sẽ kéo theo các triệu chứng rầm rộ hơn. Những dấu hiệu cơ bản, hay gặp ở người mắc sỏi tiết niệu là: đau vùng lưng hông bên có sỏi; rối loạn tiểu tiện (tiểu buốt, tiểu rắt,..), tiểu ra máu (đại thể hoặc vi thể), sốt khi có nhiễm trùng đường tiết niệu.
Hiện nay có 2 phương pháp mổ sỏi tiết niệu là mổ nội soi hông lưng và mổ hở lấy sỏi. Các phương pháp này chỉ được áp dụng khi sỏi có kích thước lớn, biến chứng nặng mà các phương pháp tán sỏi không thể thực hiện được hoặc đã thực hiện thất bại.
2. Phương pháp mổ nội soi hông lưng lấy sỏi
2.1 Chỉ định
Mổ nội soi lấy sỏi thường được chỉ định trong điều trị sỏi thận và sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên đến sát đài bể thận:
– Sỏi tiết niệu từ đoạn 1/3 niệu quản trên đến bể thận có kích thước lớn trên 10mm, không có khả năng điều trị nội khoa thành công.
– Sỏi thận, niệu quản có kích thước lớn không có chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi.
– Sỏi niệu quản, sỏi bể thận đơn thuần điều trị tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi thất bại.
2.2 Chống chỉ định
Mổ nội soi lấy sỏi không được áp dụng trong các trường hợp:
– Người bệnh có tiền sử phẫu thuật vùng thắt lưng (phẫu thuật nội soi, mổ mở lấy sỏi) bên có sỏi.
– Người bệnh có bệnh lý hô hấp, tim mạch chống chỉ định với gây mê.
– Người bệnh có bệnh có rối loạn đông máu.
– Người bệnh có thận đang bị ứ mủ chưa điều trị ổn định
2.3 Kỹ thuật mổ
Trước khi tiến hành, người bệnh được gây mê hoàn toàn và chuyển sang tư thế nằm nghiêng 90 độ đối diện bên có sỏi.
Một vết mổ nhỏ (8-10mm) được tạo ra ở dưới xương sườn 12 để tạo đường tiếp cận viên sỏi. Sau đó, bác sĩ sẽ rạch ra tại các vị trí khác để đưa dụng cụ nội soi vào ổ bụng. Thông qua đó, hình ảnh bên trong ổ bụng và quá trình tiếp cận nhu mô, bóc tách lấy sỏi sẽ được quan sát và điều khiển thao tác thông qua màn hình. Tiếp đó, người bệnh được đặt stent niệu quản nhằm đảm bảo sự lưu thông của đường tiết niệu cũng như đào thải các mảnh ổ vụn còn sót lại.
Cuối cùng, bác sĩ đóng lại nhu mô thận, các dụng cụ nội soi được rút ra. Các vết rạch được khâu lại và băng dán vết thương. Người bệnh được chuyển về phòng hồi sức tích cực.
2.4 Ưu điểm của phương pháp
Mổ nội soi sỏi tiết niệu là phương pháp điều trị ngoại khoa an toàn, có hiệu quả cao. Vết mổ nhỏ, người bệnh ít đau, hạn chế nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng sau mổ. Thời gian nằm viện ngắn, thời sau phục hồi sau mổ nhanh. Tuy nhiên, với sự phát triển của các kỹ thuật tán sỏi hiện đại, chỉ định của phương pháp này ngày càng bị thu hẹp.
2.5 Biến chứng sau mổ
Người bệnh có thể gặp một số biến chứng sau khi mổ nội soi sỏi tiết niệu như:
– Dù vết mổ nhỏ nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng vết mổ nếu không được vệ sinh đúng cách.
– Tổn thương một số cơ quan xung quanh vị trí nội soi.
– Rò nước tiểu hoặc tiểu ra máu
3. Phương pháp mổ hở lấy sỏi tiết niệu
3.1 Chỉ định
Mổ hở lấy sỏi được ứng dụng trong hầu hết các trường hợp của sỏi tiết niệu:
– Sỏi san hô phức tạp, sỏi tiết niệu có kích thước trên 25mm mà không có chỉ định tán sỏi.
– Sỏi đường tiết niệu phối hợp tại nhiều vị trí.
– Sỏi thận mắc kèm với dị dạng đường tiết niệu như phình to niệu quản, hẹp khúc nối bể thận – niệu quản, hay trào ngược bàng quang – niệu quản.
– Sỏi tiết niệu đã biến chứng ứ nước, nhiễm trùng.
3.2 Chống chỉ định
– Không áp dụng phương pháp mổ hở lấy sỏi trong trường hợp người bệnh có thể thực hiện được bằng các phương pháp tán sỏi hay mổ nội soi lấy sỏi.
– Người bệnh có bệnh hô hấp, tim mạch,.. không thể tiến hành gây mê.
– Người bệnh đang bị rối loạn đông máu có nguy cơ chảy máu nặng khi phẫu thuật.
3.3 Phương pháp mổ
Người bệnh được gây mê nội khí quản và gây mê tủy sống trước khi mổ và chuyển về tư thế thích hợp tùy theo từng loại sỏi. Bác sĩ rạch một đường dài (10-15cm) mở ổ bụng vào khoang phúc mạc và bộc lộ cơ quan hệ tiết niệu. Tùy vào vị trí có sỏi mà tiến hành mở bể thận, niệu quản hoặc bàng quang. Kiểm tra và lấy sỏi ra ngoài. Kiểm tra sự lưu thông của đường tiết niệu và đặt ống thông JJ. Sau đó khâu lại bể thận, niệu quản hay bàng quang bằng chỉ tiêu chậm. Trường hợp bệnh nhân có các bệnh mắc kèm như hẹp khúc nối bể thận, hẹp niệu quản hay phình to niệu quản sẽ được tiến hành tạo hình lại. Sau khi làm sạch ổ mổ và đặt dẫn lưu sẽ khâu và băng lại vết mổ.
3.4 Biến chứng
Mổ hở lấy sỏi tiết niệu là phương pháp điều trị sau cùng nếu tất cả các phương pháp tán sỏi hay mổ nội soi đã điều trị thất bại hoặc không có chỉ định. Phương pháp giúp điều trị sạch sỏi, áp dụng với những trường hợp sỏi phức tạp. Tuy nhiên, vì vết mổ lớn len cũng sẽ gây nguy hiểm hơn cho người bệnh:
– Chảy máu trong và sau mổ do tổn thương mạch máu thận, động mạch chủ, nhu mô thận.
– Rách phúc mạc và tổn thương các tạng xung quanh như đại tràng, ruột non.
– Tụ dịch hoặc áp xe sau mổ, nhiễm trùng vết mổ.
– Rò nước tiểu hoặc đi tiểu ra máu.
4. Chăm sóc người bệnh sau khi mổ sỏi tiết niệu
Để vết mổ mau lành và sức khỏe nhanh phục hồi, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
Chăm sóc vết mổ:
Vết mổ cần được thay băng thường xuyên 1-2 lần mỗi ngày. Nếu thấy các biểu hiện lạ như mưng mủ, chảy máu vết mổ, sốt, khó thở, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ để xử lý kịp thời.
Theo dõi dẫn lưu:
Quan sát nước tiểu sau mổ. Nếu thấy có những bất thường về màu sắc, lượng nước tiểu thì cũng cần thông báo ngay cho bác sĩ.
Vận động sau mổ:
Sau mổ, người bệnh nên vận động nhẹ nhàng, tránh hiện tượng dính ruột nhưng cũng không nên thay đổi tư thế đột ngột hay va đập vào vết mổ.
Chế độ sinh dưỡng:
Nên ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa (súp, cháo, phở..) để cơ thể dễ hấp thu đồng thời giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa, tiết niệu. Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi để bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất giúp cơ thể nhanh khỏe. Hạn chế các đồ ăn nhiều giàu mỡ, đồ ăn cay nóng hay quá mặn, các thực phẩm giàu oxalat (măng tây, rau bina, khoai lang,..) vì nó làm tăng nguy cơ tái lại sỏi. Tập thói quen uống nhiều nước mỗi ngày, hạn chế rượu bia, cà phê, thuốc lá,..
Mặc dù hiện các công nghệ tán sỏi hiện đại đang ngày càng phát huy vai trò của nó nhưng các phương pháp mổ sỏi tiết niệu vẫn được áp dụng tùy theo từng trường hợp của người bệnh bởi tính hiệu quả của nó. Điều quan trọng là người bệnh cần tìm hiểu cơ sở y tế uy tín với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại để hạn chế tối đa những biến chứng.