Các chuyên gia sản phụ khoa khuyên rằng, xét nghiệm glucose trong tuần thai từ 24 đến 28 là việc làm cần thiết giúp mẹ bầu phát hiện tiểu đường thai kỳ để có cách xử trí kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ giải thích vì sao cần xét nghiệm tiểu đường thai kỳ và xét nghiệm như thế nào.
Thông thường, tiểu đường trong thời gian thai nghén dường như không có biểu hiện bất thường nào, nhưng hậu quả của nó mang lại không hề nhỏ. Vì thế xét nghiệm tiểu đường thai kì là cách duy nhất để phát hiện bệnh.
Ảnh hưởng của tiểu đường đến mẹ bầu:
_ Mẹ có thể mắc một số bệnh lý khác như tăng huyết áp, bệnh lý về mạch vành, đường tiết niệu…
_ Tăng khả năng mắc tiền sản giật, sẩy thai… nếu không được kiểm soát đường huyết
_ Dễ nhiễm trùng, tỉ lệ sinh phải can thiệp nhiều hơn. Sau khi sinh con có thể bị tiểu đường nặng hơn. Khoảng 5% đến 20% phụ nữ bị tiểu đường trong lúc có thai sau khi sinh vẫn tiếp tục bị bệnh
Thai nhi cũng có thể bị ảnh hưởng:
_ Con của các bà mẹ mắc tiểu đường thường nặng cân và các bộ phận nội tạng cũng to hơn trừ não. Thai to nhưng lại kém chức năng và phát triển sau này
_ Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, bất thường bẩm sinh tăng gấp 3 lần ở thai nhi có mẹ mắc tiểu đường. Chính vì thế, kiểm soát đường huyết chặt chẽ, sớm trong thai giáo và cả trước khi mang thai giúp có những em bé khỏe mạnh trong tương lai
_ Trẻ sinh ra thường bị vàng da ở mức độ nhẹ do lượng bilirubin trong máu tăng cao. Có thể hỗ trợ điều trị bằng chiếu đèn…
Menu xem nhanh:
1. Xét nghiệm tiểu đường thai kì như thế nào?
Với những trường hợp thai phụ xét nghiệm nước tiểu cho thấy hàm lượng đường cao, bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm thử glucose trước tuần thứ 24 của thai kỳ, thai phụ sẽ được tầm soát một lần nữa vào khoảng tuần 24 đến 28.
2. Xét nghiệm thử glucose
Tại phòng khám, thai phụ sẽ được uống một dung dịch ngọt có chứa 50g glucose. Cần uống hết trong vòng 5 phút. Một giờ sau đó, nhân viên y tế sẽ lấy một mẫu máu để kiểm tra mức đường huyết (thường lấy ở ngón tay). Xét nghiệm này cho mẹ bầu biết cách mà cơ thể chuyển hóa đường. Kết quả được thông báo khoảng vài ngày sau đó. Nếu kết quả cao, thai phụ cần làm thêm xét nghiệm dung nạp glucose sau đó.
3. Xét nghiệm dung nạp glucose
Thai phụ có thể ăn một bữa ăn tối muộn vào đêm trước khi xét nghiệm. Sau đó, mẹ bầu cần để bụng trống đến khi xét nghiệm diễn ra. Thời điểm tốt nhất để tiến hành xét nghiệm là buổi sáng sớm, tránh việc thai phụ phải nhịn đói quá lâu. Một mẫu máu đầu tiên được lấy lúc này sẽ giúp kiểm tra đường huyết lúc đói.
Tiếp đó, thai phụ sẽ uống một lượng dung dịch glucose theo yêu cầu. Liên tục 3 giờ sau đó, bác sĩ sẽ lấy các mẫu máu để tiếp tục kiểm tra. Mỗi lần lấy mẫu cách nhau 1 giờ.
Nếu từ 2 mẫu máu của mẹ bầu cho kết quả dương tính, bác sĩ sẽ kết luận bạn mắc tiểu đường thai kỳ. Khi đã có kết quả chính xác, bác sĩ đưa ra lời khuyên và xây dựng phác đồ hỗ trợ điều trị hợp lý không làm ảnh hưởng đến mẹ, thai nhi.