Hiện nay, nhu cầu tầm soát phát hiện sớm ung thư đại trực tràng để kịp thời điều trị đã trở thành mối quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên giữa vô vàn phương pháp sàng lọc, lựa chọn phương pháp nào lại trở thành mối băn khoăn lớn. Có một số ý kiến cho rằng, chỉ cần xét nghiệm máu là có thể tầm soát hiệu quả. Vậy xét nghiệm máu tầm soát ung thư đại trực tràng có chính xác hay không?
Menu xem nhanh:
1. Những đối tượng nào cần thực hiện tầm soát ung thư đại trực tràng
Bệnh ung thư đại trực tràng phổ biến hơn ở người lớn tuổi so với người trẻ. Do đó, các bác sĩ thường khuyến cáo sàng lọc cho người từ 50 tuổi trở lên.
Ngoài ra, nếu bạn có những yếu tố gia tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng dưới đây, bạn nên thực hiện sàng lọc ngay từ khi còn trẻ:
– Đã từng bị ung thư đại trực tràng
– Đã từng phát hiện polyp
– Trong gia đình có người có polyp hoặc bị ung thư đại trực tràng
– Mắc bệnh viêm loét đại tràng hoặc Crohn
Hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn lộ trình sàng lọc phù hợp nhất với bạn. Nếu không có những yếu tố nguy cơ, thông thường bạn có thể thực hiện sàng lọc ung thư đại trực tràng mỗi 5-10 năm, bắt đầu từ năm 50 tuổi.
2. Các phương pháp xét nghiệm máu tầm soát ung thư đại trực tràng
Khi thực hiện tầm soát ung thư đại trực tràng, xét nghiệm máu là danh mục bắt buộc. Mục đích chính là tìm kiếm các dấu vết ung thư trong máu. Bởi khi khối u xuất hiện, nó có thể tiết ra một số chất đặc biệt, đủ nhiều để đo được qua máu. Từ đó, bác sĩ có căn cứ để nghi ngờ và chỉ định bạn thực hiện thêm các phương pháp sàng lọc khác như nội soi, chụp CT, chụp MRI,…
Các chỉ số sàng lọc ung thư đại trực tràng phổ biến bao gồm CEA, CA 19-9 và CA 72-4. Ba chỉ số này có giá trị báo hiệu nguy cơ ung thư đại trực tràng nếu nồng độ tăng cao bất thường.
2.1. Xét nghiệm máu sàng lọc ung thư đại trực tràng – Chỉ số CEA
CEA (Carcinoembryonic antigen) là một kháng nguyên chỉ điểm các khối u đường tiêu hóa nói chung. Đối với ung thư đại trực tràng, độ nhạy lâm sàng của CEA để chẩn đoán là 50%, độ đặc hiệu là 90%. Chính vì vậy nó được coi như một chất chỉ điểm “vàng” trong sàng lọc ung thư đại trực tràng.
Xét nghiệm CEA có ý nghĩa:
– Tiên lượng, xác định giai đoạn ung thư và khả năng di căn
Nhìn chung, ở người trưởng thành khỏe mạnh, mức CEA nhỏ hơn 3 ng/mL. Khi mức CEA tăng cao hơn mức này, đây có thể là dấu hiệu ung thư đại trực tràng.
Ở người có khối u nhỏ hoặc ung thư giai đoạn đầu, nồng độ CEA thường tăng nhẹ. Nồng độ CEA tăng mạnh khi khối u phát triển và ung thư tiến vào giai đoạn sau, đặc biệt khi ung thư đã di căn.
– Theo dõi đáp ứng điều trị
Sau khi tiếp nhận điều trị khoảng 4-6 tuần, nếu CEA tăng nhẹ rồi giảm dần về mức bình thường tức tiên lượng bệnh tốt, bệnh nhân đáp ứng thuốc. Ngược lại nếu nồng độ CEA tăng đều ít nhất trong 2 tháng tức bệnh có khả năng tái phát.
Mức CEA lớn hơn 20 ng/mL cảnh báo ung thư chưa được loại bỏ hoàn toàn, có khả năng phát triển thêm hoặc đã di căn đến cơ quan khác trong cơ thể.
Tuy nhiên, không phải 100% trường hợp CEA tăng cao là do sự xuất hiện của ung thư đại trực tràng. CEA có thể tăng cao trong các trường hợp sau:
– Bệnh nhân mắc các bệnh ung thư khác: Dạ dày, vú, tụy, thực quản, phổi, gan, mật,…
– Bệnh nhân mắc các bệnh lành tính: Viêm phổi, xơ gan, viêm gan, viêm loét dạ dày, viêm tụy,…
2.2. Xét nghiệm máu tầm soát ung thư đại trực tràng – Chỉ số CA 19-9
CA 19-9 là một Oligosaccharide có trọng lượng phân tử khá cao (khoảng trên 1 triệu Dalton) xuất hiện trong biểu mô dạ dày, ruột non, ruột già, gan và tụy của thai nhi. Ở người lớn, CA 19-9 chỉ có một lượng nhỏ trong tụy, gan, bàng quang và phổi.
Đối với ung thư đại trực tràng, CA 19-9 cũng là một chất chỉ điểm hữu ích. Tuy nhiên, xét nghiệm này có độ nhạy thấp hơn CEA.
– Ở người bình thường, nồng độ CA 19-9 dao động từ 0-37U/mL.
– Khi nồng độ CA 19-9 lớn hơn 37U/mL, đây là dấu hiệu ung thư.
Tuy nhiên, CA 19-9 cũng tăng cao trong một số trường hợp như:
– Bệnh nhân mắc các bệnh ung thư khác: Gan, mật, dạ dày, buồng trứng, tử cung, tụy,…
– Bệnh nhân mắc các bệnh lành tính: Viêm tụy, sỏi mật, viêm ruột, viêm túi mật, xơ gan, xơ hóa thành nang,…
2.3. Xét nghiệm máu tầm soát ung thư đại trực tràng – Chỉ số CA 72-4
CA 72-4 là mucin-glycoprotein tồn tại trên bề mặt tế bào trực tràng, Khoảng 20-41% bệnh nhân ung thư đại trực tràng có chỉ số CA 72-4 cao hơn mức bình thường. Do đó, chỉ số này có tác dụng sàng lọc và theo dõi điều trị ung thư đại trực tràng.
– Ở người bình thường, nồng độ CA 72-4 dao động từ 0-6.9 ug/mL.
– Khi nồng độ CA 72-4 cao hơn 6.9 ug/mL, đây là dấu hiệu ung thư.
Khi kết hợp với CEA, độ nhạy chẩn đoán của CA 72-4 tăng cao. Cụ thể:
– Đối với chẩn đoán ung thư ban đầu, độ nhạy tăng từ 43% lên 60%.
– Đối với chẩn đoán tái phát sau phẫu thuật, độ nhạy tăng từ 78% lên 87%.
Tuy nhiên, CA 72-4 cũng tăng cao trong một số trường hợp như:
– Bệnh nhân mắc các bệnh ung thư khác: Dạ dày, tuyến tụy, thực quản,…
– Bệnh nhân mắc các bệnh lành tính: Bệnh buồng trứng, bệnh tuyến vú, bệnh đường tiêu hóa, viêm tụy, xơ gan, bệnh đường tiêu hóa,…
Cần lưu ý rằng không một xét nghiệm máu đơn lẻ nào có giá trị trong tầm soát ung thư đại trực tràng. Trong một số trường hợp khối u không tiết ra đủ chất trong máu để có thể phát hiện qua xét nghiệm đơn thuần. Nói một cách đơn giản, cơ thể đã xuất hiện ung thư nhưng các dấu hiệu sinh học không thay đổi. Như vậy, chúng ta đã bỏ sót ung thư trong quá trình xét nghiệm. Do đó, bên cạnh xét nghiệm máu, bạn cần thực hiện thêm các phương pháp chuyên sâu hơn để hỗ trợ sàng lọc bệnh theo chỉ định của bác sĩ.
Hiện nay, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI là một trong những bệnh viện đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ bác sĩ, trang thiết bị y tế hiện đại và nổi bật với dịch vụ khám chữa bệnh chuyên nghiệp, toàn diện, an toàn, chính xác. Thu Cúc TCI cung cấp cho bạn những gói khám tầm soát sàng lọc từ cơ bản đến chuyên sâu, đáp ứng đầy đủ nhu cầu giúp bạn chủ động kiểm tra sức khỏe và phòng tránh ung thư.
Hi vọng bài viết trên đã giải đáp những băn khoăn của bạn về xét nghiệm máu sàng lọc ung thư đại trực tràng. Thực hiện thăm khám định kỳ và đúng phương pháp giúp phát hiện tổn thương tiền ung thư và ung thư từ giai đoạn rất sớm, đem đến cơ hội chữa khỏi bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi người.