Viêm xoang mạn gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho sức khoẻ cũng như cuộc sống của người bệnh. Điều trị viêm xoang mạn được đánh giá không hề đơn giản vì vậy thường khiến người bệnh mệt mỏi, suy giảm sức khoẻ rõ rệt. Vậy viêm xoang mạn là gì? Bệnh lý này điều trị bằng cách nào?
Menu xem nhanh:
1. Viêm xoang mạn là gì?
Trong các khối xương sọ – mặt thường có các hốc rỗng được gọi là xoang. Khi các hốc rỗng này bị bít kín bởi dịch, mủ thì sẽ khiến cho lớp niêm mạc bị viêm nhiễm, được gọi là viêm xoang. Viêm xoang mạn tính xảy ra khi người bệnh bị viêm xoang kéo dài hơn 12 tuần. Bệnh lý này khiến cho người bệnh khó thở bằng mũi, đặc biệt khu vực xung quanh mắt. Ngoài ra còn có những triệu chứng khác ảnh hưởng đến sức khoẻ và sinh hoạt của người bệnh.
2. Nguyên nhân gây viêm xoang mạn
Viêm xoang mạn tính được xác định do những nguyên nhân sau:
– Có khối polyp mũi khiến cho tắc khe mũi và lỗ xoang bị cản trở.
– Bị dị ứng và từ đó gây viêm và tắc xoang.
– Bị vẹo vách ngăn mũi nên đường thở bị hẹp và cản trở xoang mũi được lưu thông.
– Bị chấn thương mặt dẫn đến gãy xương mặt và có khả năng tắc nghẽn đường xoang.
– Nhiễm trùng do vi khuẩn, virus xâm nhập vào bên trong xoang mũi.
– Mắc một số bệnh lý khiến tăng nguy cơ viêm xoang mạn tính: Bị nhiễm HIV làm suy giảm hệ miễn dịch, xơ nang, trào ngược dạ dày, tiểu đường…
3. Triệu chứng viêm xoang mạn
3.1 Triệu chứng cơ năng
– Bị ngạt mũi thường xuyên.
– Xì mũi hoặc bị khịt khạc mủ nhầy, mủ đặc thường xuyên.
– Vùng mặt bị đau nhức.
– Khả năng ngửi bị kém đi hoặc mất hẳn khả năng ngửi.
– Một số triệu chứng khác có thể xuất hiện như đau đầu, ho, mệt mỏi, hơi thở có mùi hôi…
3.2 Triệu chứng thực thể
Những triệu chứng này sẽ được phát hiện sau khi bác sĩ tiến hành nội soi. Những hình ảnh thu được có thể kể đến như:
– Dịch mủ nhầy hoặc mủ đặc xuất hiện ở khe giữa, đôi khi sẽ có ở khe trên.
– Niêm mạc phần hốc mũi bị viêm phù nề hoặc đã thoái hoá thành polyp.
– Cấu trúc giải phẫu bất thường, có thể kể đến như: Vách ngăn bị lệch, bị bóng hơi cuốn giữa, VA của người bệnh quá phát…
3.3 Cận lâm sàng
Sau khi chụp phim CT scan cho hình ảnh:
– Các xoang cho hình ảnh mờ, có thể là mờ đều hoặc không đều.
– Dày niêm mạc ở các xoang, mức dịch trong xoang và polyp mũi xoang.
– Bệnh tích của viêm mũi xoang bịt lấp ở vùng phức hợp lỗ ngách.
– Cấu trúc giải phẫu bất thường như bị vẹo lệch vách ngăn, bóng hơi ở cuốn giữa, cuốn giữa đảo chiều…
4. Điều trị viêm xoang mạn bằng cách nào?
Nguyên tắc khi thực hiện điều trị viêm xoang mạn:
– Để cơ thể nghỉ ngơi tốt, phòng tránh tác nhân cũng như nguyên nhân gây bệnh
– Đảm bảo khu vực mũi xoang được dẫn lưu tốt, chống việc niêm mạc bị phù nề
– Cần kết hợp cả điều trị toàn thân cũng như điều trị tại chỗ
4.1 Điều trị nội khoa
– Điều trị toàn thân: Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc kháng sinh từ 2 – 3 tuần, dùng thuốc corticosteroid dạng uống.
– Điều trị tại chỗ: Sử dụng thuốc co mạch, rửa mũi với nước muối sinh lý, dùng corticosteroid dạng xịt.
– Có chế độ ăn uống hợp lý để nâng cao thể trạng, sản xuất ra đủ kháng thể để chống lại các tác nhân gây hại.
– Ngoài ra, tuỳ từng loại xoang xác định (xoang trán, xoang sàng hay xoang bướm), bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng các loại thuốc khác nhau.
4.2 Điều trị ngoại khoa
Nếu bệnh nhân đã điều trị nội khoa nhưng không hiệu quả thì bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các biện pháp điều trị ngoại khoa. Hầu hết bệnh nhân đều lựa chọn phương pháp mổ nội soi mũi xoang thay vì mổ mở.
Căn cứ vào những tác nhân gây nên viêm xoang mạn tính, bác sĩ sẽ thực hiện các phẫu thuật khác nhau như: dẫn lưu dịch tiết, cắt polyp mũi, nạo VA, chữa vẹo vách ngăn…Viêm xoang không phải là một bệnh lý nguy hiểm, tuy nhiên bệnh nhân nên điều trị sớm để bệnh không bị biến chứng nặng nề.
Hy vọng bài viết trên của chúng tôi đã giúp giải đáp chi tiết cho câu hỏi “viêm xoang mạn là gì?” đồng thời cung cấp những thông tin hữu ích xoay quanh chủ đề này. Khi có những triệu chứng của bệnh lý, bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín và nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.