Viêm túi mật hoại tử là một biến chứng nguy hiểm của bệnh lý viêm túi mật cấp tính. Đây là tình trạng một phần mô túi mật bị viêm hoặc nhiễm trùng. Bệnh cần phải được cấp cứu khẩn cấp và tiến hành phẫu thuật để điều trị các nhiễm trùng trước khi phát triển thành các biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Viêm túi mật và viêm túi mật hoại tử
1.1 Bệnh lý viêm túi mật là gì?
Túi mật là một túi nhỏ nằm ở mặt dưới của thùy gan phải, có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn của cơ thể.
Viêm túi mật là tình trạng viêm, nhiễm trùng xảy ra ở túi mật. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến túi mật bị viêm nhiễm. Nhưng trong phần lớn các trường hợp viêm là do sỏi túi mật. Ngoài ra, viêm túi mật còn có thể do nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, giun chui ống mật, đái tháo đường, khối u hoặc do chấn thương bụng vùng túi mật.
Căn cứ vào tính chất, viêm túi mật được chia thành 2 loại chính:
– Viêm túi mật cấp tính: diễn ra đột ngột, khởi phát từ những cơn đau hạ sườn phải do túi mật bị nhiễm khuẩn và tắc mật. Cơn đau kéo dài và đau nhiều hơn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Kèm với đó là hiện tượng chán ăn, buồn, buồn nôn, nôn, sốt, vàng da thường xảy ra.
– Viêm túi mật mạn tính: viêm túi mật tái phát nhiều lần được gọi là viêm túi mật mạn tính. Khi viêm túi mật cấp được thoái lui có thể chuyển sang viêm túi mật mạn tính, hoặc không. Các triệu chứng bệnh mạn tính tuy không nặng nhưng kéo dài dai dẳng như bụng đau âm ỉ, bụng trên đầy, tức ngực, cơ thể mệt mỏi, chán ăn…
Viêm túi mật cần phải được chẩn đoán và điều trị sớm. Nếu để tình trạng viêm kéo dài có thể gây thủng túi mật hoặc hoại tử túi mật đe dọa đến tính mạng người bệnh.
1. 2. Viêm túi mật hoại tử là gì?
Túi mật hoại tử là tình trạng một phần mô của túi mật bị chết do viêm hoặc nhiễm trùng liên quan chủ yếu đến sỏi mật hoặc giun chui ống mật.
Nếu viêm túi mật mãn tính có thể dẫn đến nguy cơ ung thư túi mật, thì viêm túi mật hoại tử là một biến chứng nghiêm trọng của viêm túi mật cấp tính. Khi túi mật bị viêm, áp lực trong túi mật tăng cao gây tăng thành túi mật và đè ép vào mạch máu cung cấp cho túi mật. Máu không thể đến túi mật và mô dẫn đến hoại tử tế bào. Các tế bào sẽ dần chết đi vì không được cung cấp đủ máu. Tình trạng viêm dẫn đến thiếu máu hoại tử thành túi mật thường xảy ra ở nam giới và trên những người bệnh có tiền căn bệnh lý tim mạch và chứng tăng bạch cầu. Các yếu tố khác có liên quan bao gồm tiểu đường, các bệnh lý trầm trọng khác và có mức CRP cao.
Viêm túi mật hoại tử cần phải được phẫu thuật cấp cứu cắt túi mật để tránh các biến chứng đe dọa tính mạng.
2. Các triệu chứng báo hiệu túi mật hoại tử
Khi túi mật có dấu hiệu bị hoại tử, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng sau:
– Đau: đây là triệu chứng cấp tính nhất của túi mật hoại tử. Cơn đau dữ dội phía hạ sườn phải, đặc biệt nặng lên sau khi ăn. Sau đó, cơn đau có thể lan ra xung quanh vùng bụng, thậm chí là cả vai hoặc tay.
– Vàng da: khi túi mật bị hoại tử nên không thể lưu trữ thêm dịch mật. Sắc tố mật tràn vào máu, thấm qua da và niêm mạc mắt dẫn đến vàng da, vàng mắt.
– Buồn nôn và nôn: thường xảy ra khi gan sản xuất một lượng lớn mật để bù trừ nhưng cơ thể người bệnh không thể lưu trữ được dịch mật và tiêu hóa được thức ăn. Người bệnh khó tiêu, đầy bụng, cảm giác buồn nôn và nôn liên tục.
– Vấn đề đường ruột: tiêu chảy kết hợp với nôn mửa cũng có thể là một dấu hiệu của túi mật hoại tử. Người bệnh thường bị tiêu chảy ngay sau khi ăn. Đặc biệt là khi người bệnh ăn các loại thực phẩm có hàm lượng chất béo cao. Tiêu chảy có thể kéo dài vài giờ hoặc thậm chí cả ngày.
– Sốt cao, ớn lạnh: hoại tử túi mật là một bệnh nhiễm trùng có thể dễ dàng lây lan khắp cơ thể. Lúc nảy, cơ thể người bệnh sẽ cố gắng để chống lại các nhiễm trùng thì sốt và ớn lạnh là những biểu hiện phổ biến.
3. Túi mật hoại tử có nguy hiểm không?
Viêm túi mật hoại tử rất nguy hiểm. Nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, bệnh có thể cho các mô trong túi mật bị viêm mủ, gây thủng hoặc vỡ túi mật. Từ đó dẫn đến sự hình thành áp-xe, viêm phúc mạc và nhiễm trùng huyết, suy đa tạng rất nguy hiểm.
Theo thống kê, tỷ lệ xảy ra các biến chứng của hoại tử túi mật là 16-25% và tỷ lệ tử vong lên đến 22%. Trong đó, thủng túi mật chiếm khoảng 10 – 15% trên tổng số các ca nhiễm bệnh. Thời gian diễn tiến bệnh do viêm cấp tính diễn ra khá nhanh. Túi mật có thể bị thủng sau khoảng từ 2 – 3 ngày bị tắc nghẽn.
Hoại tử túi mật do bệnh viêm cấp tính gây ra cần được áp dụng các biện pháp điều trị kịp thời để ngăn chặn các hậu quả xấu có thể xảy ra.
4. Điều trị túi mật hoại tử
4.1. Cần làm gì khi bị hoại tử túi mật?
Người bệnh cần lưu ý nếu thấy xuất hiện các triệu chứng nghi viêm túi mật cấp tính. Khi xuất hiện các biểu hiện như đau hạ sườn phải, sốt cao, ớn lạnh, buồn nôn, nôn…người bệnh cần đến cơ sở y tế sớm nhất có thể để được kiểm tra, chẩn đoán kịp thời. Nếu đúng cần điều trị viêm túi mật cấp tính để tránh xảy ra biến chứng viêm túi mật hoại tử, thủng túi mật. Nhưng nếu biến chứng xảy ra, người bệnh cần phải được phẫu thuật cắt bỏ túi mật càng sớm càng tốt.
4.2. Phẫu thuật cắt túi mật do viêm túi mật hoại tử
Trong phần lớn các trường hợp hoại tử túi mật, chỉ định phẫu thuật được ưu tiên hàng đầu. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ túi mật và các mô chết hoặc mô bị bệnh lân cận. Có hai phương pháp:
– Cắt túi mật nội soi: đây là phương pháp phẫu thuật được sử dụng rộng rãi nhất. Thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ rạch 3 hoặc 4 lỗ nhỏ kích thước khoảng 10mm trên thành bụng. Sau đó đưa ống nội soi qua các lỗ nhỏ này cùng các dụng cụ để tiến hành bóc tách và cắt túi mật. Đây là một cuộc phẫu thuật tương đối nhẹ nhàng. Người bệnh không cảm thấy đau nhiều sau phẫu thuật và thời gian phục hồi nhanh chóng hơn.
– Cắt túi mật bằng mổ hở: là phương pháp phẫu thuật truyền thống. Bác sĩ sẽ rạch một đường lớn ở trên bụng để lộ túi mật, sau đó cắt bỏ và đưa túi mật ra ngoài. Thực hiện phương pháp này, người bệnh phải nằm viện từ 7-10 ngày và mất khoảng 6 tuần để hồi phục sau phẫu thuật.
5. Chăm sóc người bệnh sau khi cắt túi mật
Sau phẫu thuật cắt túi mật sẽ có những xáo trộn bất thường về số lượng và chất lượng của dịch mật lên hệ thống tiêu hóa. Do đó, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh:
– Ăn những thực phẩm mềm, dễ tiêu, ăn nhạt trong thời gian đầu sau phẫu thuật để việc tiêu hóa diễn ra dễ dàng. Khi cơ thể đã thích nghi dần với việc thiếu vắng túi mật, người bệnh có thể quay trở lại chế độ ăn uống bình thường.
– Chế độ ăn ít chất béo, khoảng 40-50 gram chất béo mỗi ngày (ví dụ như sữa tách kem và sữa chua không béo, thịt nạc,thịt gia cầm, cá, rau xanh, hoa quả,…) để hạn chế tình trạng gây rối loạn tiêu hóa, đầy trướng, khó tiêu.
– Bổ sung chất béo chưa bão hòa như dầu ô liu, dầu cá… để giúp gan tiết ra dịch mật theo đúng với nhịp điệu tự nhiên của bữa ăn, tránh hiện tượng quá thừa hoặc quá thiếu dịch mật.
– Tránh thực phẩm giàu cholesterol như lòng đỏ trứng, thịt mỡ, một số loại hải sản, phủ tạng động vật; tránh các loại thực phẩm chiên, thức ăn nhanh… để hạn chế nguy cơ tái phát sỏi mật, rối loạn tiêu hóa.
6. Lưu ý sau khi mổ
Nếu có dấu hiệu bất thường hoặc trở nên trầm trọng hơn sau khi mổ, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để điều trị.
– Vết mổ sưng tấy, mưng mủ và có dịch chảy ra.
– Chạm vào vết mổ thấy nóng, đau.
– Sốt cao đến 38°C hoặc có thể cao hơn.
– Tiêu chảy liên tục, kéo dài.
– Bụng đau đột ngột và dữ dội.
Viêm túi mật hoại tử là một trong các biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm túi mật cấp. Mặc dù tiên lượng có thể tử vong cao nhưng việc chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng đôi khi lại gặp nhiều khó khăn. Do đó, nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để để được chẩn đoán và can thiệp sớm nhất. Từ đó tránh các biến chứng nguy hiểm và nguy cơ tử vong có thể xảy ra.