Viêm túi mật cấp tính là một dạng cấp cứu ngoại khoa khá phổ biến. Khi gặp trường hợp này, nếu không được xử lý kịp thời sẽ rất dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe của người bệnh mà thậm chí là tử vong. Cùng tìm hiểu sâu hơn về tình trạng này qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Viêm túi mật và phân loại viêm túi mật cấp tính
1.1. Viêm túi mật là gì?
Viêm túi mật là hiện tượng túi mật bị nhiễm trùng, có thể diễn ra một cách đột ngột gọi là viêm túi mật cấp, hoặc bị tái phát nhiều lần gọi là viêm túi mật mạn tính.
Viêm túi mật cấp tính được xem như một dạng cấp cứu ngoại khoa và cần được xử lý kịp thời, nhanh chóng. Khi gặp phải tình trạng này nếu không được xử lý kịp thời sẽ dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm khó lường cho người bệnh.
1.2. Phân loại theo các cấp độ viêm túi mật cấp tính
Hiện nay, việc phân loại viêm túi mật cấp theo các cấp độ đang được áp dụng rộng rãi nhằm đánh giá mức độ nguy hiểm của bệnh như sau:
– Viêm túi mật cấp độ nhẹ (Viêm độ 1): Túi mật bị viêm nhẹ, các phản ứng viêm xuất hiện tại chỗ. Người bệnh tương đối khỏe, không bị rối loạn chức năng ở các cơ quan khác;
– Viêm túi mật cấp trung bình (Viêm độ 2): Túi mật bị viêm và kèm theo một hoặc nhiều tiêu chuẩn gồm: Bạch cầu > 18 g/L, sờ thấy rõ mass ở hạ sườn phải, thời gian phát bệnh trên 72 giờ, tổn thương viêm tại chỗ như viêm phúc mạc mật, áp xe gan, áp xe túi mật, hoại tử túi mật.
– Viêm túi mật cấp nặng (Viêm độ 3): Túi mật bị viêm và kèm theo các rối loạn chức năng tại một hoặc nhiều cơ quan khác bao gồm chức năng tim mạch (tụt huyết áp), chức năng hô hấp, chức năng thần kinh, chức năng gạn thận, rối loạn huyết học, (tiểu cầu giảm xuống dưới 100.000/mL).
2. Tiêu chuẩn chẩn đoán để xác định bệnh
2.1. Triệu chứng lâm sàng viêm túi mật cấp tính
– Đau bụng: Các cơn đau quặn tại gan bị gây ra bởi việc tắc nghẽn của sỏi tại cổ túi mật là triệu chứng thường gặp của tình trạng viêm túi mật cấp không kèm biến chứng. Có 72 – 93% tỷ lệ các ca bệnh có dấu hiệu đau hạ sườn bên phải và đau ở vùng thượng vị kết hợp, sau đó buồn nôn và nôn.
– Sốt: Triệu chứng này chiếm tỷ lệ không cao, người bệnh sốt > 38 độ C chỉ gặp trong khoảng 30% tổng số ca mắc. Một nửa số ca bệnh có phản ứng thành bụng, ít khi có thể sờ thấy mass ở hạ sườn phải. Các phản ứng phúc mạc và co cứng thành bụng tương đối hiếm gặp.
– Dấu hiệu Murphy: Để có thể xác định dấu hiệu Murphy, bác sĩ sẽ đặt các đầu ngón tay bàn tay phải đặt lên vùng dưới của bờ sườn phải và yêu cầu họ thở ra, lúc này bác sĩ sẽ ấn tay vào sâu thêm, khi người bệnh thở vào thì bàn tay giữ nguyên. Và cứ sau 3 – 4 lần như vậy, nếu người bệnh đột ngột ngừng thở vì đau thì xác định dấu hiệu Murphy dương tính. Điều này xảy ra do đã chạm vào túi mật bị viêm. Tuy nhiên, với trường hợp Murphy (-) thì không có nghĩa người bệnh không bị viêm túi mật cấp – đây cũng là nhược điểm của phương pháp này.
2.2. Xét nghiệm
Không có xét nghiệm máu đặc trưng áp dụng trong chẩn đoán viêm túi mật cấp. Tuy nhiên, những biểu hiện cho thấy tình trạng nhiễm khuẩn cũng là gợi ý để bổ sung trong chẩn đoán bệnh. Theo đó, kết quả được khẳng định khi bạch cầu và CRP tăng, đồng thời lượng enzym huyết thanh hệ thống gan mật tụy và bilirubin tăng nhẹ.
2.3. Siêu âm
Siêu âm là phương pháp ưu tiên được sử dụng đầu tiên trong những trường hợp nghi ngờ bị viêm túi mật cấp.
Chẩn đoán viêm túi mật cấp do sỏi mật cho kết quả hình ảnh siêu âm quan sát thấy: Thành túi mật dày (khoảng 5mm hoặc hơn), có dịch bao quanh túi mật, hoặc người bệnh bị đau khi ấn đầu dò trực tiếp tại vị trí túi mật (Dấu hiệu Murphy dương tính trên siêu âm). Ngoài ra, túi mật to hơn, xuất hiện sỏi túi mật cùng độ phản âm và hình ảnh khí.
Tuy nhiên, kết quả chẩn đoán viêm túi mật cấp sẽ được kết luận sau khi đã tổng hợp một cách toàn diện, chính xác từ những kết quả riêng lẻ.
3. Xử lý và chỉ định điều trị viêm túi mật cấp
Tùy vào tình trạng cụ thể của người bệnh khi nhập viện như mức độ viêm túi mật, thể trạng sức khỏe cùng các kết quả chẩn đoán mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp. Thông thường có 2 phương pháp chính được áp dụng như sau:
3.1. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa áp dụng cho các cấp viêm nhẹ và được thực hiện bao gồm tiến hành nhập viện, truyền dịch đường tĩnh mạch, uống thuốc giảm đau rồi theo dõi tình trạng bệnh bằng các xét nghiệm cần thiết, cuối cùng lên lịch mổ khi người bệnh hết đau.
Một lưu ý là trong khi điều trị nội khoa, người bệnh không ăn uống qua đường miệng mà phải đặt sonde dạ dày cho ăn nếu người bệnh nôn nhiều hoặc có biểu hiện tắc ruột.
3.2. Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật cắt bỏ túi mật làm giảm triệu chứng viêm túi mật cấp và giúp giảm đau mật. Phẫu thuật cắt túi mật thường được chỉ định tốt nhất nên thực hiện trong khoảng 24 đến 48 giờ đầu trong các tình huống sau:
– Chẩn đoán rõ ràng và người bệnh có nguy cơ tai biến do phẫu thuật thấp.
– Người bệnh cao tuổi hoặc đái tháo đường vì sẽ có nguy cơ cao sẽ bị biến chứng nhiễm trùng.
– Người bệnh có chứng đau thắt, thủng, viêm túi mật hoặc hoại tử.
Phẫu thuật nội soi cắt túi mật là một phương pháp thay thế mổ mở hoàn hảo. Cho kết quả tốt trên những người bệnh có nguy cơ tai biến phẫu thuật cao như người cao tuổi, người bị viêm túi mật mà không do sỏi, những người chấn thương, hoặc suy hô hấp,… cùng hiệu quả cao, an toàn, hồi phục nhanh và đảm bảo tính thẩm mỹ.
Trong trường hợp nghi ngờ các dấu hiệu của viêm túi mật cấp tính, người bệnh cần được khẩn trương đưa đến cơ sở y tế uy tín gần nhất để tiến hành thăm khám để có phương án điều trị phù hợp nhất.