Viêm tiết niệu ở trẻ nhỏ là một bệnh lý nhiễm trùng khá phổ biến. Bệnh xảy ra khoảng 5% ở bé gái và 1 – 2% ở bé trai. Viêm tiết niệu chủ yếu do vi khuẩn, vi rút hoặc nấm gây ra.
Viêm tiết niệu ở trẻ nhỏ nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể dẫn đến tổn thương thận, đặc biệt là ở trẻ em dưới 6 tuổi.
Menu xem nhanh:
Dấu hiệu và triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm tiết niệu ở trẻ nhỏ tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ và phần nào của hệ tiết niệu bị viêm nhiễm. Ở trẻ sơ sinh, các triệu chứng có thể rất chung chung. Trẻ có biểu hiện cáu kỉnh, bắt đầu kém ăn hay nôn mửa. Đôi khi triệu chứng có thể là bị sốt không rõ lý do, cơn sốt xuất hiện đột ngột và không tự mất đi sau đó.
Ở trẻ lớn tuổi hơn, các triệu chứng có thể tiết lộ phần nào của hệ tiết niệu đang viêm nhiễm. Trong viêm bàng quang, trẻ có thể gặp phải các triệu chứng như:
– Đau, rát khi đi tiểu
– Đi tiểu nhiều và thường xuyên (mặc dù chỉ có một lượng rất nhỏ nước tiểu mỗi lần đi vệ sinh).
– Sốt
– Đau lưng hoặc đau bụng ở vùng bàng quang.
– Nước tiểu có mùi hôi và đục hoặc có máu.
Nhiều triệu chứng trên đây cũng xuất hiện trong viêm thận nhưng biểu hiện nghiêm trọng hơn. Trẻ cũng có thể bị sốt, ớn lạnh, đau lưng, mệt mỏi và nôn mửa.
Chẩn đoán viêm tiết niệu ở trẻ nhỏ
Trong chẩn đoán viêm tiết niệu ở trẻ nhỏ, sau khi khám lâm sàng và hỏi về các triệu chứng, bác sĩ sẽ lấy mẫu nước tiểu để kiểm tra và xác định vi khuẩn gây nhiễm trùng. Đối với trẻ lớn chỉ cần đi tiểu vào ly vô trùng nhưng đối với trẻ nhỏ còn đang sử dụng tã, một túi nhựa có băng dính sẽ được đặt lên bộ phận sinh dục để lấy nước tiểu. Hoặc các bác sĩ sẽ dùng một ống thông mỏng chèn vào niệu đạo lên bàng quang để lấy mẫu nước tiểu.
Nếu nghi ngờ có bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm khác, chẳng hạn như siêu âm thận và bàng quang hoặc chụp X quang có thuốc cản quang khi trẻ đi tiểu. Những xét nghiệm này giúp phát hiện các vấn đề trong cấu trúc hay chức năng của đường tiết niệu.
Điều trị viêm tiết niệu ở trẻ nhỏ
Viêm tiết niệu ở trẻ nhỏ thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Loại thuốc và liều lượng sử dụng phụ thuộc vào loại vi khuẩn nào gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của nó. Sau khi dùng hết liều kháng sinh theo đơn, cần tái khám và bác sĩ sẽ xét nghiệm nước tiểu để xác nhận rằng đã hết nhiễm trùng.
Nếu trẻ quá đau khi đi tiểu, bác sĩ có thể kê đơn thuốc gây tê niêm mạc của đường tiết niệu. Loại thuốc này có thể khiến nước tiểu có màu cam tạm thời nhưng không nên quá lo lắng.
Phụ huynh cho trẻ uống kháng sinh theo đúng chỉ định của bác sĩ. Theo dõi các triệu chứng ở trẻ. Những triệu chứng này sẽ cải thiện dần trong vòng 2 – 3 ngày sau khi sử dụng thuốc kháng sinh.
Đo nhiệt độ của trẻ vào sáng và tối, thông báo ngay cho bác sĩ nếu tăng hơn 38 độ C. Cho trẻ uống nhiều nước, tránh các loại đồ uống có chứa caffein như cà phê, trà.
Trẻ bị viêm bàng quang nhẹ thường được điều trị tại nhà bằng thuốc kháng sinh đường uống. Tuy nhiên, những trường hợp nặng hơn có thể cần phải được điều trị tại một bệnh viện bằng cách tiêm thuốc kháng sinh hoặc tiêm tĩnh mạch.
Các trường hợp viêm tiết niệu ở trẻ nhỏ cần phải nhập viện là:
– Trẻ bị sốt cao hoặc ốm yếu hoặc nghi ngờ bị viêm thận.
– Trẻ dưới 6 tháng tuổi
– Vi khuẩn từ đường tiết niệu có thể lan ra máu.
– Trẻ bị mất nước hoặc ói mửa hoặc không thể nhận thuốc hoặc bất cứ chất lỏng nào bằng đường miệng.
– Trẻ bị trào ngược bàng quang – niệu đạo, trong đó nước tiểu đi ngược vào niệu quản thay vì chảy ra khỏi niệu đạo. Trường hợp này thường được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
Phòng ngừa viêm tiết niệu ở trẻ nhỏ
Ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, cha mẹ nên thay tã thường xuyên, tránh để vi khuẩn xâm nhập gây bệnh ở đường tiết niệu.
Khi làm vệ sinh cho trẻ sau mỗi lần đi ngoài, cần lau từ trước ra sau để tránh đưa vi khuẩn từ hậu môn vào lỗ tiểu, nhất là đối với bé gái. Cha mẹ cần chú ý cho trẻ uống đủ nước hằng ngày để tránh cô đặc nước tiểu. Khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ viêm tiết niệu, cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám để xác định rõ nguyên nhân và điều trị kịp thời.