Viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi- Những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ

Viêm phế quản mạn tính là bệnh lý xảy ra ở đường hô hấp dưới, thường gặp ở người trưởng thành. Trong đó, bệnh chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi và thường gặp ở nam giới nhiều hơn. Bài viết cung cấp thông tin về viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi cũng như cách để phòng ngừa căn bệnh này.

1. Khái quát về bệnh viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi

1.1. Viêm phế quản là gì, tại sao có tình trạng mạn tính?

Viêm phế quản là xảy ra ở đường hô hấp dưới trong hệ hô hấp, được giải thích là tình trạng viêm lớp niêm mạc ống phế quản. Viêm phế quản chia thành hai loại là viêm cấp tính và viêm mạn tính.

Trong đó, khi viêm phế quản kéo dài dai dẳng, có thể kéo dài hàng tháng hoặc qua năm này, năm khác, bệnh được coi là viêm phế quản mạn tính. Bệnh thường xảy ra ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi.

Viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi

Viêm phế quản mạn tính có thể bắt nguồn từ môi trường sống

1.2. Viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi có nguyên nhân do đâu?

Bệnh viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi có thể hình thành do nhiều nguyên nhân, một trong số đó là sự suy giảm đề kháng của cơ thể. Ở người cao tuổi, sức khỏe bị sa sút bởi tuổi tác, ngoài ra đây cũng là thời điểm rất dễ chịu sự xâm nhập của vi sinh vật gây bệnh do hệ miễn dịch cũng đã có phần suy giảm mạnh.

Bên cạnh nguyên nhân về tuổi tác, một số người già mắc viêm phế quản mạn tính do nghiện thuốc lá, thuốc lào. Một số khác mắc bệnh do sống lâu năm ở nơi có nhiều bụi hoặc thói quen gia đình như: đun nấu bằng than tổ ong, than củi, rơm rạ. Một lý do khiến người già thường đối mặt với bệnh viêm phế quản mạn tính là do cơ địa hoặc các tình trạng dị ứng đường hô hấp như: hen suyễn, viêm phế quản nhiễm khuẩn. Thậm chí, nhiều bệnh nhân viêm mạn tính còn do dị dạng về khung xương sườn, cột sống như: gù vẹo cột sống… gây khó khăn cho hô hấp.

2. Bệnh viêm phế quản mạn tính ở người già biểu hiện như thế nào?

Bệnh viêm phế quản mạn tính có đặc trưng là các hiện tượng ho, xuất hiện đờm hoặc mủ và tình trạng khó thở.

2.1. Biểu hiện ho tăng dần theo thời gian

Đối với bệnh viêm phế quản mạn tính người cao tuổi ở giai đoạn đầu, bệnh nhân thường ho và khạc nhiều đờm vào buổi sáng. Triệu chứng ho sẽ xảy ra theo từng đợt, thường ho nhiều hơn mỗi khi giao mùa, khi thời tiết thay đổi nóng lên hoặc lạnh đột ngột. Trung bình, mỗi đợt ho thường kéo dài từ một tuần đến vài tuần và khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Mỗi năm, có những người bệnh xảy ra các đợt ho đến  5 – 6 lần.

Người già có biểu hiện ho kéo dài quan thời gian

Người già có biểu hiện ho kéo dài quan thời gian

2.2. Biểu hiện đờm xuất hiện nhiều hơn

Một biểu hiện khác khác của bệnh là đờm nhiều, trong đó tính chất của đờm thường có màu trắng. Đôi khi đờm lỏng, đôi khi đặc quánh hoặc đôi khi có bọt.

Khi bệnh càng kéo dài, đờm sẽ dần đặc hơn, thậm chí sẽ đổi thành màu (thường là màu vàng). Ngoài ra, lượng đờm khạc ra hàng ngày sẽ nhiều lên, có nhiều trường hợp khạc ra đến 100ml đờm mỗi ngày. Bệnh diễn tiến nặng hơn và khiến mỗi đợt ho có thể kéo dài hơn vài tuần. Số lần ho tương tự, cũng sẽ tăng lên, điều này thể hiện bệnh sẽ tăng dần theo thời gian chứ không duy trì một độ nặng nhất định.

2.3. Triệu chứng khó thở ở người cao tuổi

Khi bệnh nặng hơn mà người bệnh không có biện pháp điều trị, triệu chứng khó thở sẽ xuất hiện kèm các cơn ho. Trong thời gian đầu của giai đoạn này, bệnh nhân cảm thấy nặng ngực, sau đó dần dần là khó thở hơn. Để bệnh diễn ra càng lâu thì càng dễ bị thiếu hụt không khí, do đó, bệnh sẽ gây rối loạn chức năng hô hấp. Đây cũng là nguyên nhân khiến người già khi mắc viêm phế quản mạn tính sẽ luôn bị thiếu dưỡng khí, dẫn đến mệt mỏi, sụt cân. Ngoài ra, bệnh còn gây một số ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác của cơ thể như tuần hoàn và thần kinh trung ương.

3. Điều trị và phòng ngừa viêm phế quản mạn tính người cao tuổi ra sao?

3.1. Chẩn đoán và điều trị viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi

Chẩn đoán bệnh qua các triệu chứng lâm sàng như ho, có đờm mủ kéo dài, khó thở kéo dài. Ngoài ra, có thể xác định rõ ràng hơn bằng các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như chụp X-quang lồng ngực để xác định tình trạng của phổi, đo chức năng hô hấp, siêu âm, các xét nghiệm hóa sinh, nội soi phế quản, ..

Điều trị viêm phế quản mạn tính cho người già thường được áp dụng như sau:

– Điều trị các triệu chứng: Tăng cường lưu thông đường thở, giảm đờm và dịch tiết, giảm nhẹ những đợt cấp của bệnh, dùng kháng sinh hợp lý để tiêu diệt tình trạng nhiễm khuẩn,…

– Khi sử dụng kháng sinh, chỉ sử dụng trong các trường hợp nhiễm khuẩn có triệu chứng lâm sàng rõ ràng hoặc dùng kháng sinh dự phòng cho các đợt cấp của bệnh,.. Ngoài ra, bệnh nhân thường được kê thêm các loại thuốc long đờm, thuốc giãn phế quản, thuốc chống viêm Corticoid,..

– Điều trị nội khoa kèm theo các bài tập phục hồi chức năng hô hấp của người cao tuổi.

3.2. Phòng ngừa bệnh viêm phế quản mạn tính cần lưu ý điều gì?

Người cao tuổi cần từ bỏ một số thói quen như nghiện thuốc lá hoặc thuốc lào càng sớm càng tốt. Đối với những gia đình vẫn còn sử dụng các loại chất đốt có khí bụi, có thể thay thế bằng bếp ga, bếp điện. Nếu chưa thể thay thế hoàn toàn các loại chất đốt này, cần cải thiện việc bằng cách dùng loại bếp ít khói để tránh tình trạng viêm phế quản, lâu dần dẫn đến mạn tính.

Ngoài ra, khu vực nhà ở nên được vệ sinh thông thoáng, tránh gần khu vực bếp khói để tránh hiện tượng khói ứ đọng nhiều giờ, không khí khó có thể lưu thông.

Một biện pháp khác để hạn chế nguy cơ viêm phế quản mạn tính là bảo vệ môi trường sinh hoạt khỏi bụi và ô nhiễm.

Người cao tuổi nói riêng và tất cả mọi người nếu mắc các bệnh lý viêm đường hô hấp (kể cả hô hấp trên và hô hấp dưới) đều cần được khám và điều trị dứt điểm. Điều này ngăn chặn rất tốt tình trạng bệnh trở thành mạn tính.

Có thể áp dụng các bài tập thể dục thường xuyên để điều hòa nhịp thở như: hít thở, đi bộ, chơi thể thao, tập yoga hợp lý,.. Tuy nhiên các bài tập cần tùy theo sức khỏe của bản thân, bệnh nhân không nên gắng sức tập quá khả năng.

Tập thể dục điều độ có thể giúp người cao tuổi phòng ngừa viêm phế quản mạn tính

Tập thể dục điều độ có thể giúp người cao tuổi phòng ngừa viêm phế quản mạn tính

Trên đây là những thông tin về bệnh viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi, cũng như gửi đến quý độc giả những phương pháp để hạn chế căn bệnh hô hấp này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital