Trẻ em cũng có nguy cơ mắc viêm phế quản mãn tính

Tham vấn bác sĩ

Trẻ em cũng có nguy cơ mắc viêm phế quản mãn tính. Vì thế khi phát hiện trẻ xuất hiện triệu chứng viêm phế quản, phụ huynh cần cho bé đi khám và điều trị kịp thời để bệnh sớm khỏi, không có nguy cơ biến chứng nặng hay chuyển biến thành mãn tính.

1. Tổng quan về bệnh viêm phế quản ở đối tượng trẻ em

Trẻ em cũng có nguy cơ mắc viêm phế quản mãn tính-1

Viêm phế quản là bệnh thường gặp ở đối tượng trẻ em

Trước khi tìm hiểu về viêm phế quản mãn tính ở trẻ em, bạn đọc nên tìm hiểu chung về bệnh viêm phế quản ở trẻ để hiểu hơn về bệnh này.

1.1. Nguyên nhân gây nên bệnh viêm phế quản ở trẻ em

Viêm phế quản ở đối tượng trẻ em là một bệnh nhiễm trùng cấp tính. Trẻ mắc viêm phế quản sẽ gặp phải tình trạng viêm đường dẫn không khí khí tới phổi (được gọi là phế quản.

Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản ở trẻ là do bị các loại virus hoặc vi khuẩn tấn công gây sưng viêm tăng tiết dịch nhầy và dẫn tới tắc nghẽn phế quản. Những vi khuẩn, virus gây bệnh viêm phế quản phổ biến ở trẻ có thể kể tới như: RSV, Rhinovirus, Parainfluenzae, Influenzae A và B, M catarrhalis, H Influenzae…

Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thường dễ mắc viêm phế quản hơn, đặc biệt là trong thời tiết lạnh. Bệnh này có thể xuất hiện đồng thời hoặc sau khi trẻ đã mắc một căn bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, ho gà, sởi… Vì vậy, các chuyên gia nhi khoa khuyến cáo các bậc phụ huynh nên đảm bảo rằng trẻ đã được tiêm đủ các loại vaccine cần thiết để bảo vệ bé khỏi các căn bệnh nhiễm khuẩn có nguy cơ mắc phải.

1.2. Triệu chứng bệnh viêm phế quản ở đối tượng trẻ em

Bệnh viêm phế quản ở trẻ -2

Ho khan hay ho có đờm là triệu chứng thường xuất hiện ở trẻ viêm phế quản

Bệnh viêm phế quản ở trẻ rất hay xảy ra vào các thời điểm giao mùa. Khi mắc bệnh, trẻ sẽ dần xuất hiện các triệu chứng sau:

– Bé bị sổ mũi, nghẹt mũi, có khi kèm theo triệu chứng khò khè và khó thở;

– Bé xuất hiện ho khan ho có đờm, cơn ho thường xuất hiện nhiều vào buổi đêm hoặc lúc sáng sớm;

– Bé viêm phế quản có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao > 39 độ C;

– Một số bé viêm phế quản còn xuất hiện kèm theo các triệu chứng như: mệt mỏi, đau cơ, bú kém, bé lớn hơn còn có thể có triệu chứng đau ngực…

Ngoài những triệu chứng trên, phụ huynh cũng nên quan tâm đến các triệu chứng cảnh báo bệnh trở nặng để có thể xử lý kịp thời trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh cho bé:

– Bé có triệu chứng mặt tím tái, thở khó;

– Bé thở nhanh, có triệu chứng thở co lõm ngực;

– Bé sốt cao > 39 độ C nhưng không đáp ứng thuốc hạ sốt;

– Các bé nhỏ hơn thì chán ăn, bỏ bú, thậm chí là xuất hiện tình trạng ngủ li bì, rất khó đánh thức.

Với các triệu chứng cảnh báo bệnh viêm phế quản của trẻ trở nặng bên trên, phụ huynh cần ngay lập tức đưa bé đến cơ sở y tế uy tín ở gần để trẻ được kiểm tra và cấp cứu kịp thời nếu cần.

1.3. Bệnh viêm phế quản ở trẻ em có lây không?

Bệnh viêm phế quản có lây không là thắc mắc của không ít phụ huynh. Với thắc mắc này thì câu trả lời là: bệnh viêm phế quản ở trẻ có khả năng lây lan. Bệnh thường lây 2 con đường bao gồm:

– Lây truyền trực tiếp: Trường hợp này xảy ra khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh viêm phế quản. Virus tồn tại trong giọt bắn của người bệnh rất dễ phát tán, lây lan bệnh khi người mắc bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi…

– Lây truyền gián tiếp: Trường hợp này xảy ra khi trẻ có dùng chung đồ với người bệnh, ví dụ như: khăn mặt, cốc chén, bát đĩa… Hơn thế, virus gây bệnh còn có thể bám vào giường, chăn màn… Do đó, trẻ cũng có thể lây bệnh nếu ngủ trên giường của người đang bị bệnh viêm phế quản.

2. Trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản mãn tính

Viêm phế quản mãn tính là tình trạng viêm phế quản thể cấp tính không được điều trị dứt điểm, bị tái đi tái lại nhiều lần dẫn tới tổn thương nghiêm trọng bộ phận phế quản và dần dẫn tới mãn tính. Bệnh viêm phế quản thể mãn tính xảy ra phổ biến hơn ở đối tượng người lớn, người cao tuổi có nguy cơ nhiễm trùng, hệ miễn dịch bị suy giảm… Thế nhưng, viêm phế quản thể mãn tính vẫn có thể xảy ra ở trẻ em, dù ít gặp.

Viêm phế quản thể mãn tính ở trẻ em có thể bắt nguồn từ lý do thường gặp, đó là bé mắc viêm phế quản nhưng không được điều trị dứt điểm, bị tái lại nhiều lần trong thời gian ngắn. Hoặc trường hợp khác, trẻ em bị hít phải khói thuốc quá sớm và thường xuyên cũng làm nguy cơ tăng mắc viêm phế quản thể mãn tính.

3. Cách điều trị bệnh viêm phế quản thể mãn tính cho trẻ

Bệnh viêm phế quản ở trẻ -3

Trẻ viêm phế quản cần được đi khám, điều trị dứt điểm với phác đồ phù hợp do bác sĩ chỉ định

Phương pháp điều trị bệnh viêm phế quản thể mãn tính cho trẻ sẽ hướng tới kiểm soát các triệu chứng bé gặp phải, ngăn ngừa các tổn thương do bệnh gây ra với đường thở của bé. Trẻ viêm phế quản thể mãn tính cần phải đi khám bác sĩ để xác định tình trạng bệnh và được tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.

Một số thuốc thường dùng để điều trị viêm phế quản thể mãn tính cho trẻ bao gồm:

– Thuốc giảm đau, thuốc giãn phế quản nhằm giúp trẻ mở rộng đường thở, giúp cho bé có thể thở một cách dễ dàng hơn.

– Corticosteroid dùng đường uống nhằm kiểm soát các đợt cấp của bệnh viêm phế quản;

– Corticosteroid dùng đường hít nhằm ngăn ngừa đợt cấp của bệnh;

– Sử dụng kết hợp thuốc giãn phế quản với Corticosteroid đường hít nhằm kiểm soát các cơn ho dai dẳng ở trẻ;

– Thuốc kháng sinh nhằm kiểm soát tình trạng nhiễm trùng.

Các thuốc trên sẽ được bác sĩ cân nhắc phối kết hợp một cách phù hợp với bệnh tình, thể trạng của bé, nhằm đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất.

Bên cạnh việc cho bé điều trị đúng cách, đảm bảo an toàn, bố mẹ cũng cần chú ý chăm sóc trẻ viêm phế quản thật tốt để bệnh của bé sớm khỏi:

– Bổ sung cho bé một chế độ dinh dưỡng cân bằng, với các bữa ăn đầy đủ cả 4 nhóm chất cần thiết: chất béo, tinh bột, chất đạm, vitamin và khoáng chất;

– Cho bé uống nhiều nước để cơ thể được cung cấp đầy đủ nước mỗi ngày;

– Cho trẻ viêm phế quản nghỉ ngơi nhiều bệnh của bé sớm hồi phục;

– Luyện cho trẻ thói quen súc miệng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý để bảo vệ tốt nhất cho bộ phận phế quản;

– Xây dựng cho bé một lối sống lành mạnh, cho bé vận động hay tập thể dục ngoài trời để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Trên đây, bài viết đã giải đáp tới bạn đọc nguy cơ trẻ em có thể mắc viêm phế quản mãn tính, cách điều trị cho bé. Hy vọng bài viết đã mang tới bạn đọc nhiều thông tin hữu ích.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital