Viêm phế quản dạng hen ở trẻ: 5 điều cần biết

Tham vấn bác sĩ

Viêm phế quản dạng hen ở trẻ dễ bị nhầm lẫn với bệnh hen phế quản, vì hai bệnh này có nhiều biểu hiện khá tương đồng với nhau. Trẻ bị mắc viêm phế quản thể hen nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời dễ dẫn tới biến chứng khôn lường: viêm tai giữa, viêm phổi, xẹp phổi, suy hô hấp gây nguy cơ tử vong cao… Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết tới bố mẹ 5 điều cần biết về bệnh viêm phế quản thể hen ở trẻ.

1. Viêm phế quản dạng hen ở trẻ là gì?

Phế quản là một ống dẫn khí nằm trong hệ hô hấp của cơ thể trẻ, tiếp nối khí quản và chia thành các nhánh nhỏ bên trong phổi, hình thành cây phế quản. Chức năng chính của phế quản là làm nhiệm vụ dẫn khí vào phổi.

Viêm phế quản dạng hen ở trẻ, còn được gọi là viêm phế quản co thắt, là một tình trạng tạm thời khi lòng phế quản của bé bị thu hẹp do sự co thắt của cơ trơn trong thành phế quản. Khi niêm mạc của phế quản bị viêm, nó sẽ phồng lên và tạo ra dịch nhầy, gây nghẹt tắc nghiêm trọng hơn, gây tình trạng khó thở, ho khạc đờm và thở khò khè ở trẻ.

Viêm phế quản dạng hen ở trẻ: 5 điều cần biết-1

Viêm phế quản thể hen xảy ra phổ biến hơn ở nhóm trẻ từ 2 – 6 tuổi

Viêm phế quản thể hen có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn là ở trẻ từ 2 – 6 tuổi. Khi quan sát thấy bé xuất hiện các dấu hiệu mắc viêm phế quản thể hen, bố mẹ nên cho bé đi khám sớm để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

2. Dấu hiệu nhận biết viêm phế quản thể hen ở trẻ

Viêm phế quản thể hen ở trẻ: 5 điều cần biết - 2

Trẻ viêm phế quản thể hen ban đầu thường xuất hiện triệu chứng ho, chảy nước mũi, sốt nhẹ

Thông thường, trẻ mắc viêm phế quản thể hen sẽ xuất hiện các biểu hiện lâm sàng sau:

– Trẻ xuất hiện hội chứng nhiễm siêu vi. Ban đầu, bé sẽ xuất hiện các triệu chứng nhẹ như sốt, chảy nước mũi, ho, hắt hơi, tương tự như cảm cúm thông thường.

– Trẻ sốt cao kèm theo Hội chứng tắc nghẽn hô hấp dưới. Bé cảm thấy bị khó thở, thở khò khè, tiếng thở rít, thở nhanh và nông.

– Trẻ xuất hiện các triệu chứng liên quan đến phế quản, ví dụ như co rút lồng ngực hay co kéo cơ vùng cổ.

– Trẻ có thể bị nôn sau khi bú hoặc sau một kích thích như ho hoặc khóc.

3. Các nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản thể hen

Các nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản thể hen có thể được xác định là do nhiễm trùng đường hô hấp. Trong đó, tác nhân gây bệnh chủ yếu là các loại virus, ví dụ như: virus hợp bào hô hấp RSV, virus cúm, virus Adenovirus…

Viêm phế quản thể hen ở trẻ: 5 điều cần biết -3

Virus hợp bào hô hấp RSV là một trong những nguyên nhân gây viêm phế quản thể hen ở trẻ

Các chủng vi khuẩn cũng có thể góp phần gây bệnh hoặc làm tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Các vi khuẩn phổ biến gây bệnh viêm phế quản thể hen ở trẻ có thể kể tới như: phế cầu, liên cầu khuẩn, tụ cầu và H. influenzae loại b (Hib).

Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế đã xác định một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản thể hen ở trẻ, bao gồm:

– Không khí ô nhiễm. Môi trường ô nhiễm với các chất gây kích ứng và hóa chất có thể tăng nguy cơ mắc bệnh.

– Trẻ bị dị ứng. Việc trẻ bị dị ứng với lông động vật, phấn hoa, bụi bẩn, nấm mốc, hóa chất và các tác nhân gây dị ứng khác, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản thể hen.

– Trẻ mắc các bệnh về bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, ví dụ như như viêm amidan, viêm họng, viêm xoang… Các bệnh này đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản thể hen.

Việc hiểu và nhận biết được các nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản thể hen sẽ giúp bố mẹ chủ động có cách bảo vệ con, giúp con phòng tránh căn bệnh này.

4. Những biến chứng của viêm phế quản thể hen trẻ có thể gặp phải

Tương tự như các bệnh lý viêm đường hô hấp khác, viêm phế quản thể hen nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây nguy hại đến tính mạng của trẻ. Dưới đây là một số biến chứng phổ biến mà trẻ mắc viêm phế quản thể hen có thể đối mặt:

– Trẻ bị viêm tai giữa. Đây là một trong những biến chứng phổ biến của viêm phế quản thể hen. Khi xảy ra biến chứng này, trẻ có thể bị đau, ngứa tai, cảm giác nặng mặt và đôi khi có thể gây chảy dịch từ tai. Viêm tai giữa kéo dài cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng thính giác của trẻ trong tương lai.

– Trẻ bị viêm phổi. Phế quản là đường dẫn khí đến phổi. Khi phế quản bị nhiễm trùng nhiều lần, có thể dễ dàng lan ra phổi và gây ra viêm phổi.

– Trẻ bị suy hô hấp. Đây là biến chứng khiến trẻ rơi vào tình trạng mất cân bằng trong quá trình hô hấp, ảnh hưởng tới quá trình cung cấp oxy và loại bỏ CO2. Nếu không được điều trị đúng cách, suy hô hấp có thể gây suy giảm chức năng của các cơ quan quan trọng như tim, não, phổi, và thậm chí có thể gây tử vong.

– Trẻ bị xẹp phổi. Biến chứng xẹp phổi có thể gây ra các triệu chứng như đau ngực khi hoặc thở sâu, khó thở, nhịp tim nhanh, thở nhanh, da xanh xao, tím tái và móng tay, móng chân xanh ở trẻ.

Viêm phế quản thể hen ở trẻ: 5 điều cần biết -4

Trẻ xuất hiện triệu chứng nghi mắc viêm phế quản thể hen, bố mẹ hãy cho bé khi khám ngay để sớm phát hiện và điều trị bệnh

Lưu ý, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh viêm phế quản thể hen ở trẻ có ý nghĩa quan trọng. Nhờ đó, trẻ mắc bệnh sẽ tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Ngay khi quan sát thấy trẻ có các dấu hiệu nghi mắc viêm phế quản thể hen, bố mẹ đừng chủ quan mà hãy bé đi khám ngay ở các cơ sở uy tín.

5. Phòng tránh viêm phế quản dạng hen cho trẻ

Các chuyên gia y tế chia sẻ cách phòng ngừa bệnh viêm phế quản dạng hen hiệu quả hiện nay chính là giảm tiếp xúc với các chất kích thích đường hô hấp. Dưới đây là những cách đơn giản và hiệu quả mà bố mẹ có thể giúp bé phòng tránh viêm phế quản thể hen.

– Trẻ còn nhỏ nên được hạn chế ra ngoài để hạn chế nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Trường hợp bé phải ra nơi đông người thì bố mẹ nên cho bé đeo khẩu trang cẩn thận;

– Không gian sống, nhất là khu vực vui chơi và phòng ngủ của bé, nên được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và thoáng khí;

– Nếu trẻ dị ứng với lông động vật thì hãy cố gắng tránh tuyệt đối cho bé tiếp xúc với nguy cơ dị ứng này;

– Hằng ngày, bé nên được vệ sinh sạch sẽ, rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi ra ngoài để ngăn ngừa tối đa nguy cơ nhiễm bệnh;

Ngoài ra, bố mẹ nên thiết lập cho bé một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng và một chế độ vận động, tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày nhằm giúp con củng cố sức khỏe và hệ miễn dịch. Với một thể trạng tốt, hệ hô hấp khỏe, nguy cơ mắc viêm phế quản thể hen ở trẻ sẽ được giảm xuống ở mức tối đa.

Như vậy, bài viết trên đây đã gửi tới bố mẹ 5 điều cần biết về bệnh viêm phế quản dạng hen ở trẻ. Hi vọng bài viết đã chia sẻ tới bố mẹ nhiều thông tin hữu ích.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital