Phương pháp nào để giảm tái phát viêm phế quản co thắt ở trẻ

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Viêm phế quản co thắt ở trẻ là hiện tượng toàn bộ đường dẫn khí vào phổi bị viêm nhiễm và chít hẹp do phù nề, co thắt. Bệnh gây ra các triệu chứng như ho, sốt, khó thở, thở nhanh,… khá nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Để giảm tái phát viêm phế quản bạn cần hiểu rõ về căn bệnh này.

1.Đôi nét về viêm phế quản co thắt

1.1. Định nghĩa bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ

Viêm phế quản co thắt được xác định là tình trạng cơ trơn phế quản bị viêm và co thắt lại khiến cho lòng tuyến phế quản cũng bị thu hẹp tạm thời. Thêm vào đó, sự tăng tiết dịch nhầy trong phổi cũng làm giảm khả năng lưu thông không khí bên trong phổi. Khi trẻ bị co thắt phế quản sẽ xuất hiện một số triệu chứng bất thường như khó thở, thở khò khè, thở rít, ho có đờm,…

1.2. Nguyên nhân gây viêm phế quản co thắt ở trẻ

Nguyên nhân chủ yếu gây viêm phế quản co thắt là do virus, thông thường là virus RSV làm hẹp tiểu phế quản trong phổi.

viêm phế quản co thắt ở trẻ

Viêm phế quản co thắt là hiện tượng toàn bộ đường dẫn khí vào phổi bị viêm nhiễm và chít hẹp do phù nề, co thắt.

Các loại vi khuẩn như vi khuẩn phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn… cũng có thể gây nên viêm phế quản co thắt cho một số trẻ.

Bên cạnh đó, nguyên nhân gây viêm phế quản co thắt còn có thể là do ký sinh trùng, hóa chất, dị vật.
T

hời tiết thay đổi thất thường, đặc biệt là vào mùa Đông, hay điều kiện dinh dưỡng kém cũng là những yếu tố khiến bệnh hình thành và phát triển thuận lợi.

1.3. Làm sao để nhận biết trẻ bị viêm phế quản co thắt?

Do bệnh viêm phế quản co thắt thuộc bệnh lý về đường hô hấp nên những triệu chứng của bệnh cũng khá tương đồng với những bệnh đường hô hấp khác, đặc biệt là bệnh hen phế quản. Chính vì vậy, rất nhiều trường hợp các bậc phụ huynh bị rơi vào nhầm lẫn nên không thể xác định được những vấn đề mà trẻ gặp phải. Từ đó xác định sai phương pháp điều trị bệnh cho trẻ.

Những triệu chứng của bệnh viêm phế quản co thắt mà cha mẹ cần phải để ý đó là:

Đầu tiên, trẻ sẽ có triệu chứng sốt nhẹ đi cùng với tình trạng ho hắt xì, chảy nước mũi. Đây là những biểu hiện khá giống với bệnh cảm cúm thông thường nên thường dễ bị nhầm lẫn cho cha mẹ.

Tiếp theo, trẻ bắt đầu bị sốt cao hơn sau đó một vài ngày. Một số triệu chứng khác rõ ràng hơn của bệnh cũng sẽ xuất hiện như nhịp thở tăng lên, thở khò khè, thở nông, rít, trẻ bị khó thở do phế quản bị co thắt. Một số biểu hiện khác cho thấy phế quản của trẻ đang bị co thắt đó là cơ liên sườn và cơ vùng cổ bị co thắt, lồng ngực bị co rút.

Một số trẻ sẽ có biểu hiện buồn nôn, ói mửa mỗi lần bú xong hoặc sau khi trẻ khóc, ho.

1.4.Biến chứng của viêm phế quản co thắt

20% trẻ mắc viêm phế quản co thắt gặp biến chứng viêm tai giữa. Bên cạnh đó, nhiều trẻ còn gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm phổi nếu không điều trị kịp thời và điều trị không đúng cách.

viêm phế quản co thắt ở trẻ

20% trẻ mắc viêm phế quản co thắt gặp biến chứng viêm tai giữa.

Sau khi bị viêm phế quản co thắt, đường thở của trẻ sẽ trở nên nhạy cảm hơn đồng thời dễ chuyển biến thành hen phế quản.

2. Cách điều trị bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em mà cha mẹ cần biết

Tất cả mọi bệnh lý của trẻ em chứ không chỉ mỗi bệnh viêm phế quản có thắt, đều cần phải được điều trị sớm nhất có thể để tránh những biến chứng không tốt có thể xảy đến cho trẻ trong tương lai.

Nếu nguyên nhân gây bệnh là do virus, kháng sinh hoàn toàn không có lợi ích. Còn trường hợp nhiễm khuẩn thì cần điều trị bằng kháng sinh càng sớm càng tốt. Lý tưởng nhất là bạn nên điều trị theo kháng sinh đồ và uống thêm các thuốc giãn phế quản và các thuốc làm loãng đờm nhằm tăng cường tác dụng điều trị của thuốc kháng sinh. Khi điều trị kháng sinh, bạn cần phải sử dụng đúng liều lượng đã được kê đơn và cần phải dùng đủ thời gian.

Khi trẻ đã mắc những bệnh liên quan đến đường hô hấp có nghĩa là khả năng hít thở của trẻ đã bị ảnh hưởng, chính vì vậy cần phải nhanh chóng phát hiện và xử trí tình trạng này để trả lại khả năng hô hấp bình thường cho trẻ.

Cách thức điều trị căn bệnh viêm phế quản co thắt cho trẻ còn phụ thuộc rất nhiều tình trạng bệnh và thể chất của trẻ. Đối với những trường hợp trẻ bị co thắt dạng nhẹ, có thể được bác sĩ cho điều trị tại nhà với những đơn thuốc phù hợp. Trong trường hợp trẻ bị co thắt nặng, có nguy cơ dẫn đến suy hô hấp thì trẻ có thể bị yêu cầu nhập viện, điều trị nội trú để các bác sĩ tiện theo dõi và can thiệp kịp thời nếu không may có những tình huống bất ngờ.

– Phương pháp điều trị viêm phế quản co thắt theo nguyên nhân bệnh.

Bác sĩ cần phải xác định nguyên nhân, tác nhân gây nên viêm phế quản co thắt ở trẻ là gì để có thể đưa ra những phương án điều trị phù hợp với mỗi nguyên nhân gây bệnh của trẻ.

+ Nếu nguyên nhân do virus: Chưa tìm ra những loại thuốc điều trị mang tính đặc hiệu cho căn bệnh này. Nhưng bác sĩ sẽ điều trị những triệu chứng của bệnh làm nó giảm xuống và biến mất theo cơn bệnh. Ví dụ sốt thì dùng hạ sốt, khó thở dùng giãn phế,…

+ Nếu nguyên nhân khiến trẻ bị bệnh là vi khuẩn thì cần sử dụng thêm kháng sinh bên cạnh những phương pháp điều trị triệu chứng.

viêm phế quản co thắt ở trẻ

Bạn nên đưa trẻ đến cơ sở chuyên khoa để thăm khám nếu nghi ngờ viêm phế quản

Phụ huynh có con nhỏ hay bị viêm phế quản co thắt cần để ý hạn chế không cho trẻ tiếp xúc với những tác nhân như khói thuốc lá, khói xe, bụi không khí, đây có thể là những nguyên nhân chính khiến cho trẻ bị viêm phế quản co thắt.

– Điều trị tình trạng suy hô hấp cho trẻ.

Phương pháp này áp dụng với những trẻ có những biểu hiện như: khó thở, da tím tái, lồng ngực co lõm, thể hiện trẻ đang lên cơn khó thở, đang chuyển sang suy hô hấp. Lúc này trẻ cần được hỗ trợ thở bằng oxy, máy thở, khí dung giãn phế long đờm.

3. Làm thế nào để giảm tái phát viêm phế quản co thắt?

Viêm phế quản co thắt rất dễ tái phát, tuy nhiên cha mẹ hoàn toàn có thể giảm tái phát cho con bằng những cách sau:

– Thực hiện hút mũi thường xuyên bằng dung dịch nước muối để đường thở thông thoáng và không bị trôi dịch xuống làm viêm đường hô hấp dưới.

– Đảm bảo không khí có độ ẩm lý tưởng nhằm giảm bớt độ đặc của đờm và dịch mũi.

– Đảm bảo dinh dưỡng để trẻ ổn định, nâng cao đề kháng.

– Bổ sung sữa, uống đủ nước và nước ấm để giảm ho, long đờm.

– Không để bé lại gần môi trường có khói thuốc, bụi bẩn, khói xăng xe,…

– Đưa trẻ đến khám và điều trị ngay khi viêm phế quản co thắt.

Trên đây là những thông tin về căn bệnh viêm phế quản co thắt ở đối tượng trẻ nhỏ. Hi vọng những kiến thức trong bài sẽ giúp ích cho nhiều bậc phụ huynh có con em bị co thắt phế quản.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital