Theo các nghiên cứu y học, có đến hơn 100 loài nấm có thể gây bệnh cho mắt. Trong đó, viêm loét giác mạc do nấm là bệnh lý thường gặp nhất ở những đất nước có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh lý viêm loét giác mạc do nấm
1.1. Định nghĩa
Viêm loét giác mạc bởi nấm là tình trạng nhiễm trùng giác mạc kèm theo nhiễm nấm vào lớp nhu mô hoặc nội mô giác mạc. Bệnh gây đau đớn, suy giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng, tăng tiết nước mắt hoặc dịch từ mắt và nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng mù lòa.
1.2. Những loại nấm gây viêm loét giác mạc và yếu tố gây lây nhiễm
Tình trạng loét giác mạc bởi nấm thường được bắt gặp tại các nước có khí hậu nóng ẩm. Bệnh có liên quan đến các chấn thương giác mạc do bụi bẩn, đất, cành cây, lá cây,… Ngoài ra, di chứng hậu phẫu thuật mắt hoặc việc lạm dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid cũng gây ra biến chứng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển.
Có hai loại nấm chính có thể gây bệnh là nấm men và nấm sợi. Trong đó nấm men có đặc điểm đơn bào, hình tròn hoặc oval. Ngược lại, nấm sợi đa bào, hình ống, phân nhánh. So với nấm men, nấm sợi là nguyên nhân của nhiều trường hợp viêm loét giác mạc hơn và nó cũng thường khó chẩn đoán, điều trị hơn. Một vài loại nấm sợi nổi bật có thể kể đến Fusarium và Aspergillus.
Nhìn chung, tiên lượng của viêm loét giác mạc bởi nấm xấu hơn so với vi khuẩn bởi bệnh khó chẩn đoán, thuốc chống nấm ít, giá thành đắt và thói quen sử dụng thuốc nhỏ mắt, kháng sinh bừa bãi.
1.3. Dấu hiệu nhận biết viêm loét giác mạc do nấm
Bệnh nhân bị viêm loét giác mạc bởi nấm thường có các dấu hiệu sau:
– Đau nhức, cộm mắt.
– Sợ, nhạy cảm với ánh sáng.
– Chảy nước mắt, dịch từ mắt thường xuyên.
– Thị lực giảm, nhìn mờ, thậm chí chỉ cảm nhận được ánh sáng.
1.4. Biến chứng của viêm loét giác mạc do nấm
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm bao gồm:
– Để lại sẹo đục làm suy giảm thị lực.
– Nhiễm trùng sâu, thủng giác mạc, lệch mống mắt, mất thị lực hoàn toàn.
Với những trường hợp tổn thương nghiêm trọng có thể cân nhắc cấy ghép giác mạc. Tuy nhiên, cần phải tìm được giác mạc hiến tặng và chi phí cho phẫu thuật khá cao.
2. Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm loét giác mạc bởi nấm
2.1. Phương pháp chẩn đoán
Khi thăm khám, hình ảnh điển hình của viêm loét giác mạc bởi nấm là ổ loét hình tròn hoặc oval, nhìn rõ ranh giới, đáy ổ loét thường phủ lớp hoại tử dày, khô, đóng vảy gồ lên bề mặt giác mạc. Xung quanh ổ loét có đám thẩm lậu như bông ở nhu mô giác mạc và lượng mủ tiền phòng tăng giảm bất thường.
Để chẩn đoán chính xác tình trạng viêm loét giác mạc bởi nấm, bác sĩ có thể tiến hành cạo nhẹ trên mắt để lấy mẫu tổn thương và làm xét nghiệm tìm tế bào nấm. Ngoài ra một số phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng khác bao gồm soi tươi, soi trực tiếp, nuôi cấy định danh cũng có thể được áp dụng tùy theo chỉ định của bác sĩ.
– Soi tươi: Phương pháp cho kết quả nhanh, xác định sự tồn tại của nấm tuy nhiên chỉ phát hiện được nấm sợi, khó phát hiện nấm men.
– Soi trực tiếp: Kĩ thuật thường được sử dụng để chẩn đoán nấm là nhuộm gram, nhuộm đơn xanh metylen, nhuộm Giemsa và nhuộm P.A.S.
– Nuôi cấy định danh nấm: Đa số những loại nấm gây viêm loét giác mạc có thể mọc chỉ trong 2 – 3 ngày nhưng cũng có những loại phải mất tới 5 – 7 ngày mới mọc. Thạch Sabouraud kèm thêm kháng sinh gentamycin hoặc chloramphenicol ở nhiệt độ dưới 30 độ C là môi trường lý tưởng để nuôi cấy nấm. Để định danh chính xác loại nấm gây bệnh, bác sĩ cần dựa vào quan sát đại thể, vi thể cũng như tính chất sinh lý của nấm khi đã nuôi cấy.
2.2. Phương pháp điều trị viêm loét giác mạc do nấm
Trong quá trình điều trị viêm loét giác mạc gây ra bởi nấm, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những yêu cầu, chỉ định từ bác sĩ:
– Điều trị bằng cách phối hợp các loại thuốc kháng nấm đặc hiệu và thuốc kháng sinh.
– Sử dụng các loại thuốc chống viêm không chứa steroid. Có thể dùng thuốc dạng nhỏ mắt hoặc thuốc uống.
– Tăng cường hàn gắn tổn thương bằng việc cung cấp đủ dinh dưỡng cho giác mạc.
Nhìn chung, quá trình điều trị viêm loét giác mạc gây ra bởi nấm đòi hỏi bệnh nhân phải tích cực và kiên trì phối hợp. Mục đích chính của việc điều trị là giải quyết tác nhân gây bệnh, bảo tồn nhãn cầu hậu điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm như hoại tử, thủng giác mạc, mù lòa vĩnh viễn.
Để đề phòng tình trạng viêm loét giác mạc gây ra bởi nấm, mọi người cần lưu ý giữ gìn vệ sinh cho đôi mắt. Ngoài ra cần có thái độ cẩn trọng trong sinh hoạt, lao động, tránh chủ quan để xảy ra tai nạn hay chấn thương mắt. Khi di chuyển bên ngoài cần trang bị thêm kính, mũ bảo vệ mắt. Nếu không may bị bụi bẩn, đất cát,… bay vào mắt tuyệt đối không dụi, day mắt vì hành động này có thể gây xước và rách giác mạc. Thay vào đó hãy rửa mắt bằng nước sạch để bụi tự trôi ra. Nếu tình hình không cải thiện, mắt cộm đau hoặc dị vật kích thước to bắn vào mắt, bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị thích hợp.
Những người dùng kính áp tròng cần tuân thủ chặt chẽ quy trình vệ sinh kính định kỳ. Nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường ở mắt như cộm, ngứa, đỏ mắt, đau,… tuyệt đối không tự ý mua thuốc nhỏ mắt mà cần đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Trên đây là những thông tin chung về bệnh lý viêm loét giác mạc bởi nấm như tác nhân gây bệnh, dấu hiệu nhận biết, biến chứng cùng biện pháp đề phòng, chẩn đoán và điều trị. Hi vọng bài viết đã phần nào giúp bạn giải đáp được thắc mắc của bản thân và nếu bạn còn bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến tình trạng này nói riêng hoặc sức khỏe nói chung, hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được giải đáp nhanh nhất.