Viêm khớp háng ở trẻ em là bệnh lý xương khớp xuất hiện trong quá trình phát triển thể chất của trẻ, do trẻ bị hư điểm cốt hóa. Để viêm khớp háng không ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và khả năng vận động của trẻ, phát hiện kịp thời và điều trị tích cực bệnh là vô cùng cần thiết.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân
Không chỉ phát sinh ở người trưởng thành, viêm khớp hàng còn tồn tại ở cả trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ đang ở trong độ tuổi 7 – 14.
Cho đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân chính xác của bệnh lý vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, yếu tố nguy cơ của bệnh thì đã được kết luận tương đối chắc chắn, đó là: Yếu tố di truyền; trẻ bị khiếm khuyết trong cấu trúc xương – khớp, trẻ bị virus tấn công khi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc đang suy giảm; trẻ bị chấn thương đầu gối không được điều trị hoặc được điều trị không tích cực.
Ngoài ra, cũng có một số trường hợp viêm khớp háng là do: Bệnh lý tự miễn, viêm màng hoàng dịch, hoại tử chỏm xương đùi, nhiễm trùng khớp,… Tuy nhiên, số lượng trẻ viêm khớp háng khởi phát từ những vấn đề này không nhiều.
2. Dấu hiệu nhận biết
Trẻ có thể có viêm khớp háng ở một hoặc cả hai bên trong âm thầm giai đoạn sớm và chỉ nhận biết được sự tồn tại của bệnh khi bệnh đã ở vào giai đoạn muộn. Khi ấy, biểu hiện của viêm khớp háng sẽ là: Trẻ sưng, đau vùng xương chậu; trẻ bị hạn chế hoạt động như: Đi tập tễnh, khó hoặc không thể xoay khớp háng, khó hoặc không thể ngồi xổm; trước đó trẻ có thể có tình trạng sốt, viêm tai, viêm mũi, viêm họng, rối loạn tiêu hóa.
3. Chẩn đoán và điều trị
3.1. Chẩn đoán viêm khớp háng ở trẻ em
Viêm khớp háng về bản chất là một bệnh lý lành tính, có thể được điều trị triệt để mà không để lại bất kỳ một di chứng nào. Tuy nhiên, bệnh lại có thể dễ dàng bị chẩn đoán nhầm thành lao khớp háng. Những trường hợp bị chẩn đoán nhầm, khi được phát hiện thường là đã ở vào giai đoạn mà chỏm xương đùi đã tiêu biến hoàn toàn. Những trường hợp này sẽ phải chịu các hậu quả cơ học nặng nề vĩnh viễn, như thoái hóa khớp khi trưởng thành là một ví dụ điển hình. Chính vì vậy, khi nghi ngờ trẻ bị viêm khớp háng, bố mẹ phải cho trẻ thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín, quy tụ đội ngũ y – bác sĩ chất lượng, sở hữu hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại, tân tiến.
Tại các cơ sở y tế như thế, trẻ sẽ được thăm khám lâm sàng và thăm khám cận lâm sàng để chẩn đoán xác định tình trạng viêm khớp háng. Trong đó:
– Thăm khám lâm sàng, bao gồm: Khai thác triệu chứng lâm sàng ở các vùng háng, xương chậu, đầu gối,…; kiểm tra chức năng vận động, khả năng chịu lực của khớp háng,…
– Thăm khám cận lâm sàng, bao gồm: Xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch khớp, siêu âm khớp háng, chụp X-quang khớp háng, chụp CT,…
3.2. Điều trị viêm khớp háng ở trẻ em
Tùy thuộc tình trạng nặng – nhẹ của viêm khớp háng, chuyên gia sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho trẻ. Theo đó, về căn bản, trẻ viêm khớp háng sẽ được chỉ định một hoặc kết hợp một vài phương pháp sau cùng lúc: Điều trị nội khoa, vật lý trị liệu, chỉnh hình khớp và điều trị ngoại khoa:
– Điều trị nội khoa: Thuốc kháng sinh được chỉ định cho trẻ sử dụng để kiểm soát tình trạng viêm. Sử dụng thuốc kháng sinh đôi khi có tác dụng phụ. Nếu các tác dụng phụ của kháng sinh xuất hiện, bố mẹ phải thông báo với chuyên gia ngay để chuyên gia điều chỉnh loại hoặc lượng kháng sinh trẻ uống.
– Vật lý trị liệu: Phương pháp này thường được chỉ định kết hợp với điều trị nội khoa, nhằm cải thiện tích cực viêm khớp háng, hạn chế viêm khớp háng chuyển biến xấu. Để phương pháp này phát huy hiệu quả trọn vẹn, bố mẹ cần cố gắng hỗ trợ trẻ tham gia vật lý trị liệu đủ và đúng hướng dẫn của chuyên gia.
– Chỉnh hình khớp háng: Đây là phương pháp được chỉ định cho các trường hợp trẻ viêm khớp háng nặng, đã để lại di chứng. Chỉnh hình khớp háng là cần thiết để đảm bảo khả năng vận động của trẻ ở hiện tại và trong tương lai. Thực hiện chỉnh hình khớp háng, trẻ cần hạn chế vận động trong một khoảng thời gian. Khoảng thời gian này cụ thể như nào, phụ thuộc vào từng trẻ và sẽ được chuyên gia thông báo rõ ràng sau chỉnh hình khớp háng.
– Điều trị ngoại khoa hay phẫu thuật: Được chỉ định cho trường hợp các phương pháp điều trị nội khoa, vật lý trị liệu, chỉnh hình khớp háng không cho hiệu quả như mong muốn. Một phẫu thuật điều trị viêm khớp háng phổ biến có thể kể đến ở đây là: Thay khớp háng nhân tạo. Thay khớp háng nhân tạo nói riêng và các phẫu thuật điều trị viêm khớp háng nói chung tồn tại nhiều rủi ro, yêu cầu phải vô cùng thận trọng khi tiến hành.
Như vậy, điều trị viêm khớp háng là tương đối đơn giản, với điều kiện bệnh được phát hiện sớm. Ngược lại, bệnh được phát hiện muộn, nhiều khả năng trẻ sẽ phải chịu nhiều di chứng nghiêm trọng suốt đời. Bởi vậy, tốc độ xử trí của bố mẹ khi trẻ xuất hiện dấu hiệu viêm khớp háng là vô cùng quan trọng. Hãy theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của trẻ đế kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường. Ngoài ra, phòng bệnh hơn chữa bệnh, mặc dù nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm khớp háng vẫn còn là một bí ẩn, bệnh có thể được dự phòng một phần nào đó bằng cách kiểm soát tốt các bệnh lý khởi phát do virus và các chấn thương khớp chi dưới.
Phía trên là thông tin cơ bản về viêm khớp háng ở trẻ em. Nếu còn thắc mắc cần giải đáp chi tiết, liên hệ Thu Cúc TCI ngay, bố mẹ nhé!