Viêm đường hô hấp trên là bệnh lý mà mỗi năm, trẻ có thể mắc đi mắc lại tới 10 lần. Ngoài đặc điểm phiền toái ấy, viêm đường hô hấp trên ở trẻ em có nguy hiểm không? Nếu có, bệnh lý này nguy hiểm như thế nào? Cùng Thu Cúc TCI tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi đó trong bài viết sau, bố mẹ nhé!
Menu xem nhanh:
1. Viêm đường hô hấp trên: Khái niệm, nguyên nhân – yếu tố nguy cơ và triệu chứng
1.1. Khái niệm
Tình trạng các bộ phận cấu thành đường hô hấp trên, bao gồm: Mũi, hầu họng, xoang và thanh quản – những bộ phận có chức năng lấy, làm ấm và lọc trước khi đưa không khí vào phổi, bị viêm nhiễm gọi là viêm đường hô hấp trên. Như vậy, viêm đường hô hấp trên không phải một bệnh lý, nó là tên gọi chung của một tổ hợp các bệnh lý: Viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản,…
1.2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm đường hô hấp trên nói chung, có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh. Những nguyên nhân đó có thể là: Virus, vi khuẩn (những vi khuẩn gây viêm đường hô hấp trên phổ biến chúng ta có thể kể đến là: Haemophilus influenzae type B, liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, tụ cầu, vi khuẩn Bordetella,…), nấm, khí độc, bụi,…. Tuy nhiên, viêm đường hô hấp trên ở trẻ nói riêng, chủ yếu là phát sinh do virus, như: Virus cúm, virus sởi, virus hợp bào hô hấp,… và một số loại nấm.
Nhìn chung, nguy cơ bị viêm đường hô hấp trên ở hầu hết trẻ là như nhau, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, là những trẻ có các vấn đề sau: Bệnh lý tự miễn, suy giảm miễn dịch, đã cắt Amidan và/hoặc nạo VA; phẫu thuật ghép tạng; sử dụng một số thuốc, như corticosteroid dài hạn,…. Những trẻ này có nguy cơ bị viêm đường hô hấp trên cao hơn so với những trẻ còn lại.
1.3. Triệu chứng
Viêm đường hô hấp trên có thể được phân loại theo vị trí viêm nhiễm (các hình thái chính của viêm đường hô hấp, phân loại theo vị trí viêm nhiễm là viêm mũi, viêm họng và viêm xoang). Ngoài ra, dựa trên khả năng tồn tại, bệnh lý này còn có thể được phân loại thành: Viêm đường hô hấp trên cấp tính và viêm đường hô hấp trên mãn tính. Trong đó, viêm đường hô hấp trên cấp tính thường kéo dài không quá 7 ngày. Còn viêm đường hô hấp trên mãn tính là kết quả của viêm đường hô hấp trên cấp tính không điều trị hoặc điều trị không triệt để, thường dai dẳng nhiều tuần hoặc thậm chí là nhiều tháng.
Dấu hiệu nhận biết viêm đường hô hấp trên cấp tính ở trẻ em là sốt, có thể sốt nhẹ, đôi khi sốt cao kèm rét run; ho húng hắng hoặc liên tục; hắt hơi và chảy mũi;…. Còn dấu hiệu nhận biết viêm đường hô hấp trên mãn tính ở trẻ em là ho húng hắng; đau họng; nuốt vướng; chảy mũi thường xuyên; ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ;…
2. Viêm đường hô hấp trên: Những nguy hiểm
2.1. Giải đáp thắc mắc: Viêm đường hô hấp trên ở trẻ em có nguy hiểm không
Công bằng mà nói, viêm đường hô hấp trên là bệnh lý lành tính và có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, vẫn tồn tại trường hợp trẻ viêm đường hô hấp trên bị biến chứng. Đó là những trường hợp phụ huynh chủ quan, cho trẻ điều trị tại nhà, không theo chỉ định của chuyên gia. Về những biến chứng mà trẻ có thể gặp phải trong trường hợp này, chúng ta có thể kể đến:
– Biến chứng của viêm mũi: Rối loạn giấc ngủ, suy giảm trí nhớ do nhiễu loạn sóng điện não,…
– Biến chứng của viêm họng: Áp xe họng; viêm thanh quản; viêm hạch bạch huyết; nhiễm trùng máu; các bệnh lý viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi,…; viêm màng não; viêm cơ tim; viêm thận; viêm cầu thận;…
– Biến chứng của viêm xoang: Suy giảm thị lực tạm thời hoặc vĩnh viễn, nhiễm trùng ổ mắt, viêm não,…
2.2. Điều trị viêm đường hô hấp trên ở trẻ
Điều trị triệt để viêm đường hô hấp trên với chuyên gia là vô cùng cần thiết để trẻ không bao giờ phải đối diện với biến chứng. Theo đó, khi dấu hiệu viêm đường hô hấp trên xuất hiện, bố mẹ phải đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất để trẻ được thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng. Sau thăm khám, chuyên gia sẽ chẩn đoán xác định và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng viêm đường hô hấp trên ở trẻ. Về cơ bản, hầu hết các trường hợp viêm đường hô hấp trên sẽ được chỉ định điều trị tại nhà bằng các thuốc: Kháng sinh (nếu viêm đường hô hấp trên là do vi khuẩn), hạ sốt (nhằm kiểm soát tình trạng sốt cao và tai biến co giật do sốt cao), giảm đau,…
Trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà, ngoài cho trẻ sử dụng thuốc chính xác theo chỉ định của chuyên gia, bố mẹ có thể ghi nhớ và áp dụng một số hướng dẫn chăm sóc trẻ viêm đường hô hấp trên, để xử lý triệu chứng, hỗ trợ trẻ dễ dàng vượt qua khoảng thời gian điều trị viêm đường hô hấp trên. Những hướng dẫn ấy như sau:
– Xử lý sốt: Thuốc hạ sốt là một trong những thuốc chuyên gia có thể chỉ định trẻ sử dụng. Tuy nhiên, không phải ở mức độ sốt nào, trẻ cũng nên dùng thuốc hạ sốt. Trẻ sốt dưới 38,5 độ, bố mẹ chỉ nên cho trẻ nằm trong phòng thoáng mát, mặc quần áo thấm hút mồ hôi đồng thời chườm ấm trán, nách, bẹn và cho trẻ uống nhiều nước.
– Xử lý chảy mũi: Làm thông thoáng đường thở cho trẻ bằng các lấy sạch dịch mũi bằng dụng cụ hút mũi chuyên dụng. Việc lấy sạch dịch mũi này, bố mẹ nên thực hiện trước khi trẻ ăn/bú để hạn chế tình trạng nôn trớ. Khi lấy, nên bế bé ở tư thế song song với cơ thể bố mẹ hoặc để bé nằm, đầu kê cao.
– Xử lý nôn: Đặt trẻ nằm nghiêng, không đặt trẻ nằm ngửa và làm sạch chất nôn ở mũi, miệng, họng,… trẻ.
Để bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho các bé, khi thấy bé có các dấu hiệu viêm đường hô hấp trên, ba mẹ nên đưa con đi thăm khám và điều trị sớm.