Viêm dây thần kinh thị giác ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người bệnh do gây nên tình trạng đau nhức, mất thị lực tạm thời. Bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh khoa học để ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là viêm dây thần kinh thị giác?
Dây thần kinh thị giác là một đôi dây thần kinh sọ đảm nhiệm chức năng dẫn truyền tín hiệu hình ảnh từ võng mạc về thùy chẩm não. Mỗi dây đảm nhiệm nhiệm vụ của từng mắt trên thị trường riêng biệt. Hai dây thần kinh có đường đi đối xứng với nhau, đi về hai bên bán cầu não.
Viêm dây thần kinh thị giác liên quan tới bệnh đa xơ cứng, gây viêm và tổn thương hệ thống dây thần kinh trong não và tủy sống. Dấu hiệu, triệu chứng của viêm dây thần kinh ở thị giác có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh lý này hoặc mắc phải sau đó trong quá trình bệnh đa xơ cứng tiến triển. Ngoài ra, bệnh cũng có thể là hậu quả của một số tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh miễn dịch như Lupus ban đỏ hệ thống…
Đây là bệnh lý nguy hiểm vì ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thị lực của người bệnh. Nếu phát hiện muộn và điều trị sai cách, bệnh có thể dẫn tới các biến chứng vô cùng nguy hiểm.
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh
Nhận biết bệnh thông qua các triệu chứng cơ bản như sau:
– Đau nhức mắt: Những người mắc bệnh thường gặp tình trạng đau mắt từ nhẹ đến nặng, cơn đau tăng lên nhiều khi chớp mắt, có cảm giác âm ỉ ở phía sau mắt.
– Mất thị lực một mắt: Bệnh thường chỉ xảy ra trên một bên mắt do hai dây thần kinh độc lập với nhau. Nếu người bệnh gặp phải các vấn đề ở cả hai mắt thì có thể mắc cùng lúc nhiều bệnh lý. Thị lực giảm rõ rệt khi bệnh ở giai đoạn tiến triển và có thể dẫn tới mất thị lực vĩnh viễn.
– Mất thị trường thị giác: Thị trường thị giác là vùng không gian mà các bên mắt có thể quan sát được. Khi mắc bệnh, thị trường thị giác của người bệnh bị thu hẹp một phần hoặc mất hẳn một bên khiến người bệnh khó nhìn được rộng và xa.
– Mất thị lực màu: Độ nhạy của các tế bào cảm thụ màu sắc giảm sút, dẫn tới việc nhìn mọi vật không rõ màu sắc, kém sinh động hoặc không phân biệt được các màu với nhau.
– Ánh sáng nhấp nháy: Xuất hiện các đốm sáng nhấp nháy tựa như ánh đèn, tình trạng có thể tăng lên theo mức độ của bệnh.
Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở mắt kể trên, mọi người nên đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác bệnh lý và điều trị kịp thời.
3. Nguyên nhân gây bệnh
Hiện nay, vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân dẫn tới tình trạng viêm nhiễm dây thần kinh thị giác. Nhiều giả thiết cho rằng, bệnh xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm mục tiêu, tấn công vào myelin – chất nhầy bao phủ dây thần kinh của thị giác – dẫn tới viêm và tổn thương.
Chức năng myelin là giúp dòng xung điện di chuyển từ mắt – nơi tiếp nhận kích thích đến não – vị trí chuyển đổi thành thông tin thị giác. Quá trình viêm dẫn tới tổn thương myelin, trì hoãn tình trạng dẫn truyền tín hiệu và cản trở thị lực của mọi người.
Bệnh có thể hình thành do ảnh hưởng của một số bệnh lý nguy hiểm như:
– Đa xơ cứng: Hệ thống miễn dịch tấn công võ myelin bao phủ sợi thần kinh não và tủy sống.
– Nhiễm trùng: Sởi, quai bị, mụn rộp, Lyme, giang mai…
– Bệnh Lupus ban đỏ, sarcoidosis làm tổn thương dây thần kinh thị giác.
– Tác dụng phụ của một số loại kháng sinh, thuốc khiến tiến trình viêm diễn ra nhanh hơn.
– Tuổi tác và giới tính Bệnh thường gặp ở những người trong độ tuổi từ 20-40, đa phần là ở phụ nữ.
– Chủng tộc: Bệnh xảy ra ở người da trắng với tỷ lệ cao hơn so với người da vàng, da đen.
– Di truyền: Đột biến gen khiến các tác nhân thúc đẩy bệnh dễ dàng tấn công hơn…
4. Biến chứng nguy hiểm
Viêm nhiễm xảy ra ở dây thần kinh thị giác là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng như:
– Tổn thương thần kinh thị giác: Hầu hết bệnh nhân đều bị tổn thương trên dây thần kinh thị giác. Mức độ tổn thương càng lớn thì càng gây ra nhiều triệu chứng và nguy cơ biến chứng.
– Suy giảm thị lực: Thị lực bị ảnh hưởng đáng kể khi mắc bệnh và có không ít người mất thị lực vĩnh viễn.
– Gặp tác dụng phụ của thuốc: Các loại thuốc điều trị như Steroid tạo điều kiện thuận lợi để cơ thể dễ bị nhiễm trùng, mắc bệnh. Ngoài ra, tình trạng này còn có thể dẫn tới tăng cân, loãng xương, rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày, rối loạn dung nạp đường…
Do vậy, mọi người cần đi khám từ sớm, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để bác sĩ có thể đưa ra các phương án xử trí phù hợp, giảm thiểu nguy cơ gặp biến chứng và hạn chế để lại các di chứng nguy hiểm.
5. Nguyên tắc điều trị
Bệnh hình thành do rất nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc điều trị sẽ phụ thuộc vào yếu tố gây bệnh. Viêm nhiễm, tổn thương dây thần kinh thị giác cần được điều trị toàn diện theo các chuyên khoa khác nhau như tai mũi họng, truyền nhiễm, dị ứng, thần kinh…
Về cơ bản, điều trị dựa trên nguyên tắc loại bỏ tác nhân gây bệnh. Sau khi chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện và điều trị bằng:
– Corticoid
– Kháng sinh
– Steroid đường uống và tiêm…
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và thể trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc cụ thể với liều lượng phù hợp.
Nhìn chung, bệnh viêm dây thần kinh thị giác mặc dù không quá phổ biến trong đời sống nhưng tổn thương có thể để lại nhiều di chứng nên cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh có thể tái phát nên ngoài việc điều trị, người bệnh cần xây dựng một chế độ sinh hoạt khoa học, chăm sóc mắt đúng cách và tuân thủ chỉ định của bác sĩ.