Viêm đại tràng bệnh học: Chẩn đoán như thế nào?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ

Lê Xuân Thắng

Trưởng Đơn vị Thăm dò chức năng - Nội soi tiêu hóa

Viêm đại tràng bệnh học là bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp tại Việt Nam. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, việc nắm rõ các thông tin liên quan đến nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng của bệnh là vô cùng cần thiết để người bệnh chủ động thăm khám và điều trị kịp thời.

1. Viêm đại tràng bắt nguồn từ nguyên nhân nào?

1.1. Khái niệm viêm đại tràng bệnh học và phân loại

Đại tràng (hay ruột già) là một phần của ống tiêu hóa, thực hiện chức năng chuyển hóa thức ăn từ ruột non và đào thải các chất cặn bã. Là nơi hình thành và đào thải phân, đại tràng dễ phát sinh nhiều loại bệnh do vi khuẩn có điều kiện thuận lợi sinh sôi gây bệnh.

Viêm đại tràng là tình trạng tổn thương viêm nhiễm xảy ra trên niêm mạc đại tràng. Tổn thương viêm phát sinh có thể ở nhiều mức độ, tại các vị trí khác nhau ở đại tràng.

Bệnh được chia thành hai giai đoạn gồm viêm đại tràng cấp tính và viêm đại tràng mạn tính. Trong đó, giai đoạn cấp tính là cấp độ nhẹ của bệnh. Tuy nhiên bệnh có thể chuyển sang viêm đại tràng mạn tính nếu không được chữa trị kịp thời.Ở giai đoạn mạn tính, các ổ viêm đã phát triển nặng hơn ở niêm mạc, có thể xuất hiện các ổ loét, chảy máu, hình thành áp-xe,…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm đại tràng, từng giai đoạn bệnh có những yếu tố nguy cơ khác nhau. Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh, xuất phát từ thói quen ăn uống và sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh.

Viêm đại tràng bệnh học

Viêm đại tràng được chia thành hai giai đoạn gồm cấp tính và mạn tính, có nguyên nhân gây bệnh khác nhau

1.2. Tìm hiểu nguyên nhân gây viêm đại tràng cấp tính

Chế độ ăn uống và sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến viêm đại tràng cấp. Theo đó, người bệnh sử dụng các loại thực phẩm nhiễm khuẩn, chưa được nấu chín, nguồn nước bị ô nhiễm chứa các vi sinh vật gây bệnh. Chúng xâm nhập vào đường tiêu hóa, tấn công niêm mạc đại tràng gây viêm.

Có thể kể đến một số loại vi khuẩn, vi sinh vật gây viêm đại tràng thường gặp như:

– Các loại vi khuẩn: Vi khuẩn tả – Vibrio cholerae, vi khuẩn E.coli, vi khuẩn thương hàn Salmonella, lỵ trực khuẩn Shigella,…

– Giun đũa, giun kim, giun tóc, lỵ amip và các loại ký sinh trùng khác.

– Siêu vi Rotavirus, các loại nấm,…

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người bệnh bị ngộ độc thực phẩm hoặc dị ứng đồ ăn dẫn đến viêm đại tràng. Ngoài ra, các bệnh lý đường ruột, nhiễm độc, dùng thuốc kháng sinh gây tác dụng phụ,… cũng là nguyên nhân gây tổn thương đại tràng.

1.3. Nguyên nhân viêm đại tràng bệnh học mạn tính

Viêm đại tràng mạn tính là hậu quả của tình trạng viêm cấp tính không được điều trị kịp thời và dứt điểm. Đại tràng bị viêm cấp tính do các tác nhân kể trên, tình trạng viêm kéo dài khiến tổn thương trầm trọng hơn và phát triển thành viêm mạn tính. Tuy nhiên, một số trường hợp viêm đại tràng mạn tính không tìm được nguyên nhân gây bệnh cụ thể.

2. Triệu chứng điển hình ở người bệnh viêm đại tràng

Triệu chứng ở người bệnh viêm đại tràng sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ của bệnh.

2.1. Triệu chứng của người bệnh viêm đại tràng cấp tính

– Đau bụng: Là dấu hiệu phổ biến hàng đầu, có thể gặp ở hầu hết người bệnh viêm đại tràng cấp. Người bệnh có thể gặp phải triệu chứng đau với tính chất khác nhau phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Đau có thể xuất hiện từng cơn, đau bụng từng đoạn, đau âm ỉ hoặc đau quặn thắt,…

– Tiêu chảy: Người bệnh đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, phân có thể lẫn cả máu. Sau mỗi lần đại tiện, người bệnh vẫn cảm thấy khó chịu, không thoải mái. Mặt khác, tiêu chảy liên tục và kéo dài khiến người bệnh có nguy cơ mất nước và chất điện giải.

– Chán ăn, ăn không ngon miệng do các rối loạn về tiêu hóa. Điều này dẫn đến hệ lụy là cơ thể mệt mỏi, sụt cân nhanh chóng.

– Một số trường hợp có triệu chứng sốt đi kèm buồn nôn.

Triệu chứng viêm đại tràng bệnh học

Những triệu chứng chung của người bệnh viêm đại tràng cấp tính là đau bụng, tiêu chảy, chán ăn, sốt, buồn nôn,…

2.2. Triệu chứng viêm đại tràng bệnh học mạn tính

Người bệnh viêm đại tràng mạn cũng có những biểu hiện khá giống với giai đoạn cấp tính, bao gồm:

– Đau bụng âm ỉ hoặc đau từng cơn, vị trí đau thường dọc theo khung đại tràng hoặc hai hố chậu.

– Bất thường về đại tiện: Người bệnh có thể bị tiêu chảy, đi ngoài 3-4 lần trong một ngày. Lúc đầu phân có thể đặc nhưng không thành khuôn, sau đó phân lỏng. Sau mỗi lần đi ngoài, các cơn đau bụng thường thuyên giảm. Đi kèm với các cơn đau bụng còn có thể là tình trạng táo bón, khó đi ngoài. Bên cạnh đó, một số trường hợp có thể bị tiêu chảy xen lẫn với táo bón theo từng đợt, diễn biến trong nhiều năm.

– Quá trình tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng bị ảnh hưởng nghiệm trọng, dẫn đến suy nhược cơ thể, sụt cân nhanh chóng.

3. Các nguy cơ có thể gặp của viêm đại tràng bệnh học

Viêm đại tràng giai đoạn nhẹ không quá nguy hiểm đối với sức khỏe người bệnh. Ngược lại, tình trạng viêm kéo dài và không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến những rủi ro biến chứng sau đây:

– Xuất huyết đại tràng: Niêm mạc đại tràng bị tổn thương dễ dẫn tới chảy máu khi có những tác động từ thực phẩm độc hại, đồ uống có cồn,…

– Thủng đại tràng: Viêm đại tràng mạn tính kéo dài khiến vết viêm loét nặng ăn sâu vào thành ruột, từ đó hình thành lỗ thủng. Vi khuẩn có thể tràn từ đường ruột vào ổ bụng gây nhiễm trùng với các triệu chứng như đau bụng dữ dội, thành bụng co cứng, tay chân lạnh, tụt huyết áp,… Đây là tính huống đe dọa đến tính mạng người bệnh, cần được cấp cứu ngay lập tức.

– Giãn đại tràng: Lúc này đại tràng không đảm bảo khả năng co bóp và di chuyển khí đường ruột, có thể dẫn đến vỡ ruột.

– Viêm đại tràng là một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng, do các ổ viêm loét lâu ngày có thể ác tính hóa và tiến triển thành ung thư.

4. Chẩn đoán bệnh viêm đại tràng bằng cách nào?

Ngoài việc dựa vào các triệu chứng lâm sàng, người bệnh cần thực hiện các phương pháp cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác tình trạng viêm đại tràng. Dưới đây là một số biện pháp chẩn đoán viêm đại tràng bệnh học được ứng dụng phổ biến.

4.1. Biện pháp thăm dò chức năng – Nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng được đánh giá là lựa chọn tối ưu trong chẩn đoán các bệnh lý đại tràng. Dây soi gắn camera được đưa vào đại tràng qua đường hậu môn, cho phép bác sĩ quan sát rõ nét niêm mạc đại tràng. Bác sĩ có thể xác định vị trí, quan sát trực tiếp các vết viêm để đánh giá tình trạng, mức độ, ranh giới tổn thương.

Thêm vào đó, nếu vết viêm gây xuất huyết, bác sĩ cũng có thể can thiệp cầm máu qua nội soi. Ngoài ra, bác sĩ còn có thể tiến hành sinh thiết lấy mẫu mô đại tràng ngay trong quá trình nội soi để làm xét nghiệm mô bệnh học. Kết quả mô bệnh học giúp xác định nguyên nhân gây bệnh, phát hiện các tế bào lạ hoặc nguy cơ ung thư đại tràng.

Chẩn đoán viêm đại tràng bệnh học

Nội soi đại tràng là phương pháp hiệu quả được ứng dụng phổ biến hàng đầu trong chẩn đoán viêm đại tràng

4.2. Các chẩn đoán hình ảnh phát hiện viêm đại tràng

Các chẩn đoán hình ảnh thường được chỉ định cho những người bệnh không thể thực hiện nội soi đại tràng, gồm:

– Chụp X-quang đại tràng: Hình ảnh X-quang cho biết vị trí viêm đại tràng, đồng thời phát hiện một số bệnh lý như co thắt đại tràng, phình đại tràng,… Tuy nhiên, phương pháp này không có giá trị tầm soát ung thư đại tràng như phương pháp nội soi.

Chụp cắt lớp CT: Cho phép bác sĩ quan sát các mô mềm trong ổ bụng, phát hiện phạm vi đại tràng bị tổn thương và đánh giá các biến chứng của bệnh.

4.3. Chẩn đoán qua các xét nghiệm

– Xét nghiệm phân: Xác định viêm đại tràng qua sự có mặt của các tế bào bạch cầu trong phân. Người bệnh thường được chỉ định xét nghiệm phân trong trường hợp nghi ngờ nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ các vi khuẩn, virus, ký sinh trùng.

Xét nghiệm máu: Được thực hiện nhằm tìm hiểu dấu hiệu nhiễm trùng, đánh giá các chỉ số hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu.

Trên đây là các triệu chứng, nguy cơ và cách chẩn đoán viêm đại tràng bệnh học. Bệnh lý này có thể gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường cảnh báo bệnh, người bệnh cần gặp bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để được thăm khám kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital