Viêm âm đạo do vi khuẩn là bệnh lý thường gặp ở nữ giới. Bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần cho dù đã từng điều trị khỏi. Bệnh gây cho người mắc nhiều triệu chứng khó chịu, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đến sinh hoạt và cuộc sống thường ngày, trường hợp để lâu bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm hơn.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn có gây nguy hiểm không?
Viêm âm đạo do vi khuẩn xảy ra khi có một nguyên nhân nào đó làm hệ thống vi sinh vật trong âm đạo bị thay đổi, các vi khuẩn lactobacilli giảm và các vi khuẩn kỵ khí khác tăng quá mức thay thế các lactobacilli và gây nên tình trạng viêm nhiễm.
Các mầm bệnh kị khí phát triển quá mức có thể là:
– Prevotella species
– Peptostreptococcus species
– Gardnerella vaginalis
Các loài Mobiluncus, Mycoplasma hominis
Khi bị viêm nhiễm âm đạo do vi khuẩn, người bệnh thường sẽ có những triệu chứng như:
– Khí hư âm đạo có màu trắng xám hoặc màu vàng, khí hư thường phủ khắp thành âm đạo.
– Khí hư có mùi tanh, mùa tanh này thường trở nên nồng hơn sau khi quan hệ tình dục.
– Khi đi tiểu âm đạo có cảm giác nóng rát.
– Âm đạo đỏ, sưng tấy nhẹ kèm theo triệu chứng ngứa.
– Sau khi giao hợp có thể có hiện tượng chảy máu nhẹ.
Nếu để tình trạng viêm nhiễm âm đạo kéo dài, bạn có nguy cơ sẽ mắc phải những bệnh nhiễm trùng khác ở khu vực âm đạo và gặp phải biến chứng như:
– Viêm vùng chậu.
– Gặp các vấn đề về khả năng sinh sản khiến người mắc bệnh khó có con.
– Tăng nguy cơ bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục nếu quan hệ không an toàn (HIV, chlamydia, bệnh lậu,..)
– Nếu đang mang thai có thể dẫn đến các biến chứng thai kỳ: sảy thai, sinh non, nhiễm trùng thứ cấp, viêm màng ối,…
– Sau sinh dễ bị viêm nội mạc tử cung, nhiễm trùng vết cắt âm đạo.
2. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng viêm âm đạo do vi khuẩn
Viêm nhiễm âm đạo do vi khuẩn xảy ra khi tỉ lệ các vi khuẩn thường trú trong âm đạo bị mất cân bằng, vi khuẩn “tốt” lactobacilli suy giảm, các vi khuẩn “xấu” trở nên chiếm ưu thế hơn gây viêm nhiễm.
Nguyên nhân làm mất cân bằng môi trường âm đạo và dẫn đến viêm có thể là do:
– Vệ sinh âm đạo bằng cách thụt rửa: đây là cách vệ sinh hoàn toàn sai vì không những không làm âm đạo sạch hơn mà còn làm âm đạo mất cân bằng hệ sinh thái vi khuẩn và gây viêm nhiễm
– Sử dụng thuốc chứa nội tiết như thuốc ngừa thai, thuốc bệnh lý tuyến giáp, thuốc corticoids,…
– Đang trong thai kỳ.
– Sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian lâu dài.
– Sử dụng thuốc đặt âm đạo trong thời gian lâu dài.
– Phụ nữ suy giảm hệ miễn dịch, rối loạn miễn dịch.
– Phụ nữ sử dụng dụng cụ tránh thai, quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, quan hệ không lành mạnh.
3. Cách điều trị viêm nhiễm âm đạo do vi khuẩn hiệu quả
Viêm âm đạo nên được điều trị càng sớm càng tốt để giúp cơ thể không phải chịu cảm giác khó chịu, đồng thời ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Tùy vào tình trạng bệnh, tình trạng sức khỏe, các bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn phương pháp điều trị phù hợp. Phương pháp điều trị viêm nhiễm âm đạo do vi khuẩn thường được chỉ định là sử dụng Metronidazole hoặc Clindamycin.
Sử dụng Metronidazole:
– Với metronidazole 500 mg uống: chỉ định uống 2 lần/ngày trong 7 ngày, hoặc uống 2g 1 lần.
– Với metronidazole 0,75% gel: chỉ định bôi 5g/lần (bôi đầy đủ), bôi liên tục trong 7 ngày.
Sử dụng Clindamycin:
– Với Clindamycin 300mg: chỉ định uống 2 lần/ngày, uống trong 7 ngày.
– Với Clindamycin 100mg: chỉ định đặt âm đạo 1 lần/ngày, đặt trong 3 ngày.
Lưu ý:
– Phụ nữ có thai thường không được chỉ định điều trị bằng uống metronidazole 500 mg vì thuốc có thể tác động đến toàn thân bao gồm cả thai nhi. Trường hợp mang thai bác sĩ thường chỉ định cho mẹ sử dụng thuốc bôi tại chỗ.
– Phụ nữ điều trị bằng kem clindamycin không thể sử dụng sản phẩm cao su như bao cao su hoặc màng ngăn để tránh thai vì thuốc làm hỏng cao su.
4. Phương pháp phòng bệnh
Chị em nên chủ động tuân thủ những lưu ý dưới đây để phòng bệnh và phòng tái nhiễm bệnh sau khi đã điều trị khỏi:
Không nên:
– Tắm bằng bồn tắm, nhất là bồn tạo sóng hay bồn nước nóng.
– Khi vệ sinh âm đạo chú ý không thụt rửa âm đạo vì hành động này làm rửa trôi đi những sinh vật bình thường, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo.
– Không nên để âm đạo tiếp xúc với các chất có thể gây kích ứng như tampon thơm, xà phòng thơm, xà phòng có tính sát khuẩn mạnh.
Nên:
– Vệ sinh sạch sẽ vùng kín ít nhất 1 lần/ngày.
– Khi vệ sinh âm đạo nên thực hiện lau từ trước ra sau để tránh làm lây lan vi khuẩn ở khu vực hậu môn vào âm đạo.
– Nên quan hệ tình dục an toàn (sử dụng bao cao su) để tránh lây nhiễm trong trường hợp bạn tình đang có mầm bệnh, đồng thời giúp bạn phòng tránh những bệnh nguy hiểm khác lây qua đường tình dục.
– Nên mặc đồ lót có bằng cotton hoặc đáy quần làm bằng cotton có khả năng thấm hút cao để hạn chế ẩm ướt (ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có hại phát triển).
Trên đây là những kiến thức cơ bản về viêm nhiễm âm đạo do vi khuẩn, nguyên nhân và cách điều trị. Hy vọng rằng bài viết đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc và có thêm kiến thức bảo vệ sức khỏe bản thân.
Nếu đang có các dấu hiệu của viêm nhiễm phụ khoa hoặc gặp khó khăn trong điều trị bệnh phụ khoa, bạn nên đến cơ bệnh viện/cơ sở y tế uy tín có chức năng khám/ chữa bệnh phụ khoa như Hệ thống y tế Thu Cúc TCI để được khám và nhận chỉ định điều trị phù hợp. Không nên tự ý mua thuốc để tránh tình trạng điều trị không đúng và khiến bệnh càng trở nên trầm trọng hơn.