Dấu hiệu bệnh viêm âm đạo nữ giới thường gặp

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Viêm âm đạo là bệnh lí phụ khoa thường gặp ở nữ giới. Các tác nhân chủ yếu thường do nấm và vi khuẩn gây nên. Tùy thuộc vào nguyên ngân gây bệnh mà các dấu hiệu bệnh viêm âm đạo ở mỗi người là khác nhau .

90% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từng ít nhất 1 lần bị viêm âm đạo. Nguyên nhân gây ra bệnh từ rất nhiều nguồn khác nhau như dị ứng dung dịch vệ sinh, nhiễm khuẩn qua đường tình dục hoặc do chưa biết cách vệ sinh vùng kín. Điều cần chú ý ở đây là chị em cần nhận biết đúng các dấu hiệu bệnh viêm âm đạo để tìm được chính nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời.

1. Các dấu hiệu viêm âm đạo thường gặp ở nữ giới

1.1 Dấu hiệu viêm âm đạo do nhiễm khuẩn nấm men ( Nấm candida)

– Nấm men (Nấm candida) là gì?

Phụ nữ nhiễm nấm men âm đạo (chủ yếu là nấm candida) có thể gây ra viêm nhiễm và khó chịu. Nấm candida là loài nấm rất dễ sinh sôi và phát triển trong điều kiện môi trường ẩm ướt, không khô ráo hoặc trong cơ thể của bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu. Nấm candida thường cư trú ở thực quản, miệng, lưỡi và âm đạo.

Dấu hiệu bệnh viêm âm đạo do nhiễm trùng nấm men

Dấu hiệu bệnh viêm âm đạo do nhiễm trùng nấm men

Nguyên nhân khiến nhiều chị em bị nhiễm nấm candida âm đạo như nồng độ hormone bị xáo trộn, do trong thời kì mang bầu hoặc những người bệnh mắc tiểu đường. Bên cạnh đó, việc dùng kháng sinh dài ngày điều trị các bệnh về nhiễm trùng đường niệu có thể làm tiêu diệt các vi khuẩn có lợi, từ đó hệ vi sinh bị mất cân bằng và tạo điều kiện cho nấm candida sinh sôi, phát triển.

– Dấu hiệu bệnh viêm âm đạo do nhiễm trùng nấm men: Dịch âm đạo có mầu trắng, hơi quánh đặc; Ngứa râm ran và tấy đỏ ở vùng âm đạo, âm hộ; Cảm thấy nóng rát hoặc buốt khi đi tiểu

1.2 Dấu hiệu viêm âm đạo do vi khuẩn xâm nhập

Viêm âm đạo hay nhiễm khuẩn âm đạo tuy không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng lại là bệnh lí phụ khoa phổ biến của nhiều chị em, nhất là trong độ tuổi sinh sản. Về bản chất, nhiễm khuẩn âm đạo nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn và không liên quan đến nấm men. Do đó việc dùng thuốc kháng nấm để chữa trị sẽ không mang lại kết quả, ngược lại còn làm cho các triệu chứng ngày càng nặng thêm.

Dấu hiệu nhận biết nhiễm vi khuẩn âm đạo:

– Khí hư loãng và thường có màu trắng đục
– Dịch âm đạo có mùi hơi tanh gây khó chịu
– Một vài trường hợp nhiễm khuẩn âm đạo không có bất kì triệu chứng nào và chỉ được phát hiện qua thăm khám phụ khoa.

1.3 Dấu hiệu bệnh viêm âm đạo do sinh vật đơn bào Trichomonas

Trichomonas là một dạng ký sinh trùng nguyên sinh. Các triệu chứng do kí sinh trùng này gây ra sẽ gây kích ứng ở nhiều cấp độ khác nhau từ nhẹ đến nặng. Khi mắc viêm âm đạo do Trichomonas sẽ có những dấu hiệu như:

– Cơ quan sinh dục bị sưng tấy, ngứa rát, đau nhức
– Khiến cho người bệnh bị bí tiểu hoặc tiểu buốt
– Khí hư có dịch ngả vàng, xanh, kèm theo mùi tanh bất thường
– Đau rát khi quan hệ tình dục
– Viêm âm đạo có thể kéo dài lên đến vài năm nếu không được điều trị dứt điểm

1.4 Dấu hiệu viêm âm đạo do kích ứng

Bệnh viêm nhiễm âm đạo đôi khi không vì nguyên nhân do nấm hay vi khuẩn mà do âm đạo bị kích ứng khi sử dụng các sản phẩm vùng kín như dung dịch vệ sinh kém chất lượng, chất bôi trơn, tampon….

Các biểu hiện như vùng kín bị ngứa, nóng rát, dịch âm đạo tiết nhiều bất thường là những dấu hiệu thường gặp của tình trạng viêm âm đạo không nhiễm trùng.

Ngứa rát là biểu hiện thường gặp ở viêm âm đạo không do nhiễm trùng

Ngứa rát là biểu hiện thường gặp ở viêm âm đạo không do nhiễm trùng

Ngoài ra, phụ nữ tuổi tiền mãn kinh thường gặp tình trạng teo âm đạo. Đây cũng là một dạng viêm âm đạo không nhiễm trùng. Nguyên nhân do nội tiết tố estrogen bị suy giảm đáng kể trong đội tuổi tiền mãn kinh và sau mãn kinh hoặc do các cuộc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng trước đó. Teo âm đạo dẫn đến viêm nhiễm sẽ kích thích khiến cho âm đạo bị khô và nóng rát.

2. Các phương pháp điều trị viêm nhiễm âm đạo cho chị em phụ nữ

Viêm âm đạo là bệnh lí do nhiều loại sinh vật và nấm, cũng như các nguyên nhân khách quan gây ra. Vì vậy, mỗi loại viêm âm đạo sẽ có phác đồ điều trị riêng biệt:

– Viêm do nhiễm trùng nấm men: Bác sĩ sẽ chỉ định dòng thuốc bôi hoặc kem chống nấm như clotrimazole, miconazole, tioconazole. Nếu tình trạng nhiễm nấm nặng hơn, chị em sẽ được kê thuốc kháng nấm, thông thường sẽ dùng fluconazole.

– Viêm do nhiễm khuẩn: Với những trường hợp viêm âm đạo do vi khuẩn sẽ được điều trị bằng thuốc viên metronidazole đường uống kết hợp gel metronidazole hoặc kem bôi clindamycin.

– Viêm do kí sinh trùng Trichomonas: Bệnh nhân bị nhiễm trichomonas sẽ được chỉ định thuốc metronidazole hoặc tinidazole.

– Viêm do teo âm đạo: Để điều trị tình trạng này, bác sĩ sẽ kê thuốc estrogen (ở dạng kem) hoặc viên đặt âm đạo để giảm ngứa rát.

– Viêm âm đạo không do nhiễm trùng: Không cần sử dụng thuốc, bạn cần tìm hiểu chính xác các nguyên nhân gây kích ứng để ngưng việc sử dụng. Các tác nhân thường gặp đến từ dung dịch vệ sinh phụ nữ, xà phòng giặt, băng vệ sinh, cốc nguyệt san hoặc tampon…

3. Các phương pháp phòng ngừa bệnh viêm âm đạo:

Các biện pháp dưới đây sẽ giúp chị em hạn chế và phòng ngừa bệnh viêm âm đạo:

– Không sử dụng các loại sữa tắm, xà phòng chứa các chất tẩy rửa mạnh ví dụ như các loại xà phòng mang công dụng kháng khuẩn hoặc khử mùi, hạn chế sử dụng các loại gel tẩy tế bào chết dạng hạt vì có thể vô tình cọ xát gây tổn thương “cô bé”

Hạn chế sử dụng những loại dung dịch vệ sinh có tính kháng khuẩn mạnh

Hạn chế sử dụng những loại dung dịch vệ sinh có tính kháng khuẩn mạnh

– Giữ vùng kín luôn khô ráo, cân bằng độ pH, tránh môi trường ẩm ướt dễ làm vi khuẩn và các loại nấm sinh sôi, phát triển.

– Không thụt rửa vùng kín bởi việc thụt rửa nhiều lần không những không làm giảm viêm nhiễm âm đạo mà còn triệt tiêu các vi sinh vật có lợi cư trú trong âm đạo, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo

– Sử dụng bao cao su khi quan hệ giúp cả nam và nữ tránh được những bệnh lí lây lan qua đường tình dục, không quan hệ khi âm đạo đang bị viêm nhiễm đề phòng các triệu chứng diễn tiến nặng hơn

– Sử dụng đồ lót cotton và thoáng khí: Nấm candida hoạt động rất mạnh trong môi trường ẩm ướt. Vì vậy chị em nên chọn những loại đồ lót bằng vải cotton, thấm hút tốt để tạo môi trường luôn khô thoáng cho âm đạo, ngăn chặn hoạt động của nấm men và các loại vi khuẩn gây bệnh khác.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital