Tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) là một vấn đề sức khỏe mạn tính, có khả năng làm cho lượng đường huyết trong cơ thể tăng cao. Một trong những biện pháp giúp điều trị và ngăn ngừa tốc độ tiến triển của bệnh chính là khám dinh dưỡng. Cùng tìm hiểu bài viết sau để biết được vì sao khám dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường là cần thiết.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu chung về bệnh tiểu đường
1.1. Bệnh tiểu đường là gì?
Lượng đường trong máu (glucose) có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Đây chính là nguồn năng lượng cần thiết cho các hoạt động của não bộ, cũng như nguồn năng lượng để các tế bào sử dụng cho việc hình thành nên cơ và mô.
Tại đảo tụy, có một loại hormone được tế bào beta tiết ra nhằm đảm bảo lượng glucose trong máu luôn ở mức hợp lý, được gọi là insulin. Vai trò của insulin chính là “mở cửa” để các phân tử đường glucose tiến vào sâu các tế bào, cung cấp năng lượng cho tế bào.
Bệnh tiểu đường/đái tháo đường là một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng nồng độ insulin trong cơ thể bất ổn định, dẫn đến rối loạn chuyển hóa không đồng nhất. Tình trạng này khiến cho lượng đường máu vượt quá mức cơ thể cần thiết.
1.2. Tiểu đường tuýp 1
– Tiểu đường tuýp 1 là tình trạng cơ thể không tự sản xuất được insulin.
– Nhận biết các triệu chứng bệnh tiểu đường tuýp 1, bao gồm:
+ Thường xuyên thấy cực kỳ đói và khát;
+ Sụt cân nhanh, không chủ ý;
+ Thường xuyên đi tiểu;
+ Mắt mờ, mệt mỏi;
– Nguyên nhân: Do hệ miễn dịch của người bệnh đi “tấn công” các tế bào đảm nhiệm chức năng sản xuất insulin. Điều này khiến cho nồng độ hormone trong cơ thể bị suy yếu. Nếu không được cung cấp đủ lượng insulin cần thiết, glucose thay vì phải tiến vào nuôi dưỡng các tế bào thì sẽ ở lại trong máu, gây ra bệnh tiểu đường.
1.3. Tiểu đường tuýp 2
– Là tình trạng các tế bào không đáp ứng insulin mặc dù cơ thể vẫn hoạt động và tạo ra insulin.
– Để nhận biết, chúng ta chỉ cần dựa vào những triệu chứng sau:
+ Người bệnh thấy đói và khát thường xuyên;
+ Số lần đi tiểu nhiều hơn bình thường;
+ Mệt mỏi, mờ mắt;
+ Các vết thương hở lâu lành.
– Nguyên nhân và nguy cơ gây bệnh tiểu đường tuýp 2:
Thực tế, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định nguyên nhân khiến người bệnh bị tiểu đường tuýp 2 là gì. Tuy nhiên, có một số yếu tố đã được các chuyên gia, bác sĩ chứng minh là có liên quan đến vấn đề này, bao gồm:
+ Yếu tố di truyền;
+ Yếu tố môi trường;
+ Béo phì, thừa cân;
+ Trên 45 tuổi;
+ Lười vận động;
+ Đã từng mắc nekẹm tiểu đường thai kỳ hoặc được bác sĩ chẩn đoán là bị tiền đái tháo đường;
+ Huyết áp tăng, lượng cholesterol hoặc triglyceride cao;
1.4. Tiểu đường thai kỳ
– Là tình trạng xảy ra ở phụ nữ đang mang thai.
– Biểu hiện của hiện tượng tiểu đường thai kỳ:
Phụ nữ mang thai thường không phát hiện được các dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ vì nó không gây ra bất cứ biểu hiện nào. Chỉ khi nào mẹ bầu thực hiện xét nghiệm dung nạp đường huyết, dựa vào kết quả mà bác sĩ mới có thể đưa ra những nhận định và đánh giá chính xác.
– Nguyên nhân gây ra hiện tượng tiểu đường thai kỳ:
+ Khi mang thai, nhau thai sẽ tiết ra một loại hormone để duy trì sự phát thai kỳ. Tuy nhiên, chính những hormone này lại khiến cho các tế bào trong cơ thể kháng insulin.
+ Ở một số bà bầu, tuyến tụy vẫn không thể sản xuất kịp insulin theo mức cơ thể cần. Điều này làm giảm lượng glucose đến các tế bào, đồng nghĩa mức đường trong máu tăng lên, dẫn đến hiện tượng tiểu đường thai kỳ.
– Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ:
+ Thai phụ thừa cân;
+ Thai phụ mang thai lần đầu khi ngoài 35 tuổi;
+ Thai phụ từng bị tiểu đường thai kỳ hoặc đã từng sinh con nặng trên 4kg;
+ Thai phụ có tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh tiểu đường tuýp 2;
+ Thai phụ có tiền sử mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
1.5. Tiền tiểu đường
Là tình trạng xảy ra khi chỉ số đường huyết của cơ thể rơi vào khoảng 100-125mg/dL. Tình trạng này có nguy cơ cao phát triển thành tiểu đường tuýp 2, ngay cả khi bệnh nhân không nhận ra những biểu hiện rõ ràng.
Ngoài ra, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiền tiểu đường và tiểu đường tuýp 2 bao gồm:
+ Thừa cân;
+ Bệnh sử gia đình;
+ HDL cholesterol lớn hơn 40 hoặc 50 mg/dL;
+ Người bệnh có tiền sử từng mắc bệnh tăng huyết áp;
+ Phụ nữ đã từng mắc tiểu đường thai kỳ hoặc sinh con nặng cân (hơn 4kg);
+ Người bệnh đã từng mắc hội chứng buồng trứng đa nang;
+ Trên 45 tuổi;
+ Lười vận động.
2. Những biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường
Khi lượng đường trong máu vượt quá mức cơ thể cần thiết sẽ khiến cho các cơ quan và mô ở khắp cơ thể bị tổn thương. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, nguy cơ gặp phải những biến chứng càng cao.
Bệnh tiểu đường là tiền đề, gây ra các bệnh nghiêm trọng sau:
– Bệnh tim, đau tim và nguy cơ đột quỵ;
– Các bệnh về thần kinh, trầm cảm, giảm trí nhớ;
– Các bệnh về mắt như võng mạc, thị lực;
– Nguy cơ mất thính lực;
– Các bệnh về thận;
– Tổn thương ở da, nhiễm trùng do vi trùng, vi khuẩn và nấm, vết loét không lành…
– Ở các bà bầu bị tiểu đường thai kỳ:
+ Ảnh hưởng đến bản thân: Thai to gây nguy cơ gãy xương, trật khớp, tiền sản giật, sinh non, sinh mổ, sảy thai, chết lưu, băng huyết…
+ Ảnh hưởng đến thai nhi: Nguy cơ thừa cân, béo phì, dễ mắc các bệnh về hô hấp và đường huyết, tụt canxi ngay sau sinh, dị tật thai nhi…
3. Khám dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường – Giải pháp đơn giản và hiệu quả
3.1. Vì sao phải khám dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường?
Chế độ dinh dưỡng là vấn đề vô cùng quan trọng trong điều trị tiểu đường. Một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý, phải đảm bảo các yếu tố:
– Cung cấp đủ dinh dưỡng, cả về số lượng cũng như chất lượng;
– Có khả năng điều chỉnh lượng đường huyết, duy trì cân nặng người bệnh theo mong muốn;
– Đảm bảo sức khỏe cho người bệnh tham gia các hoạt động và công tác…
Tuy nhiên, ăn gì, ăn bao nhiêu, ăn như thế nào… để đảm bảo các yếu tố trên thì không phải ai cũng biết. Chính vì thế, việc khám dinh dưỡng đối với người bệnh tiểu đường là vô cùng cần thiết, giúp người bệnh được lắng nghe những tư vấn phù hợp từ đội ngũ chuyên gia và bác sĩ.
3.2. Quy trình khám dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường
Để quá trình thăm khám đạt hiệu quả, các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng cần phải thực hiện đầy đủ các bước sau:
– Thu thập thông tin người bệnh: Cân nặng, chiều cao, chỉ số đường huyết;
– Phân tính thành phần cơ thể người bệnh bằng máy móc chuyên dụng;
– Tiến hành thực hiện các xét nghiệm cần thiết theo chỉ định của bác sĩ;
– Lắng nghe đánh giá và tư vấn phác đồ điều trị của bác sĩ;
– Cùng bác sĩ thiết kế thực đơn chuyên biệt, phù hợp với tình trạng bệnh và nhu cầu, cũng như sở thích, khẩu vị của người bệnh;
– Hẹn lịch tái khám để đánh giá kết quả.
4. Tổng kết
Có thể nói, dù là tiểu đường loại nào cũng sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến người bệnh. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời không chỉ ngăn chặn sự tiến triển của bệnh mà còn hạn chế tối đa những biến chứng không mong muốn.
Hy vọng với những thông tin trên, người bệnh đã hiểu hơn về mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như sự cần thiết của việc khám dinh dưỡng đối với người bệnh tiểu đường!