Đau mắt hột là bệnh về mắt hay xuất hiện và dễ lây lan thành dịch, nhất là tại những không gian, môi trường gần gũi như trong gia đình. Người có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bệnh cần sớm thăm khám và điều trị là điều các chuyên gia nhãn khoa luôn khuyến khích. Vậy lý do vì sao bị bệnh mắt hột cần điều trị sớm?
Menu xem nhanh:
1. Thông tin cơ bản về đau mắt hột
Bệnh đau mắt hột là một bệnh thuộc nhóm viêm kết mạc và giác mạc do sự tấn công của vi khuẩn gây ra. Bệnh tiến triển mạn tính và có nguy cơ cao thành dịch do có thể lây lan từ người sang người trực tiếp qua dịch tiết từ mắt hoặc gián tiếp qua đồ vật dùng chung. Khi bị bệnh, vi khuẩn sẽ tấn công gây tổn thương niêm mạc mí mắt, làm xuất hiện những hột tròn, nhỏ rời rạc hoặc thành đám ở dưới lớp niêm mạc. Khi bệnh nặng hơn, các nốt sẽ to hơn và có thể vỡ, gây nhiều biến chứng.
1.1 Vì sao bị bệnh mắt hột có thể phát hiện dễ dàng?
Không giống như các bộ phận khác của cơ thể, mắt rất nhạy cảm, chính vì vậy khi mắt gặp vấn đề, người bệnh hầu như có thể nhận thấy sự bất thường ngay. Đối với đau mắt hột, việc phát hiện bệnh sớm không quá khó khăn vì các triệu chứng bệnh rất đặc trưng và thường gây khó chịu cho người bệnh.
Nếu có một trong số các biểu hiện dưới đây thì bạn hoàn toàn có thể nghi ngờ rằng mình đã bị bệnh mắt hột:
– Ngứa mắt, mí mắt bị sưng, có biểu hiện kích ứng tại mắt và mí mắt.
– Xuất hiện nhiều gỉ mắt, mắt tiết nhiều nhiều chất nhày hoặc dịch mủ.
– Có thể có cảm giác đau mắt.
– Mắt trở nên rất nhạy cảm với ánh sáng, dễ chảy nước mắt.
– Xuất hiện hột ở niêm mạc mắt bên trong với dạng hình tròn, kích thước không đều, hơi nổi lên, có màu xám trắng và có mạng lưới mạch máu ở phía trên. Thường các hạt này hay xuất hiện ở kết mạc mi trên, kết mạc mi dưới, ở cùng đồ hoặc rìa giác mạc.
– Xuất hiện nhú gai đa giác tại kết mạc, màu hồng đỏ, có 1 trục mạch máu ở giữa và toả ra các mao mạch xung quanh.
– Sẹo kết mạc xuất hiện ở mi trên là những dải xơ trắng hình sao, có phân nhánh thành dạng lưới. Đây là tổn thương cho thấy thời gian mắc bệnh mắt hột đã lâu.
– Có thể có tình trạng lông mi mọc ngược, lông quặm khi bệnh nặng.
1.2 Nguyên nhân vì sao bị bệnh mắt hột
Chlamydia Trachomatis là loại vi khuẩn gây nên bệnh mắt hột. Loại vi khuẩn này có một số đặc điểm như sau:
– Chủng vi khuẩn này có tới 15 tuýp huyết thanh khác nhau, gây nên các bệnh ở mắt, bệnh đường tiết niệu, đường sinh dục có hột ở người.
– Khả năng tồn tại của Chlamydia Trachomatis trong môi trường lạnh rất tốt. Chúng có thể sống đến hàng tuần ở môi trường có nhiệt độ thấp, nhưng ở môi trường có nhiệt độ 50 độ C chúng sẽ chết trong vòng 15 phút. Khi ở bên ngoài cơ thể người, vi khuẩn không tồn tại được quá 24 giờ.
Vì nguyên nhân chính gây nên bệnh đau mắt hột là vi khuẩn nên tốc độ lây nhiễm bệnh là rất cao khi gặp các yếu tố như:
– Môi trường sống ô nhiễm, tạo điều kiện cho vi khuẩn lây nhiễm sinh sôi và phát triển.
– Sống trong điều kiện đông đúc, không gian hẹp, bí, không thoáng khí khiến vi khuẩn tích tụ lại tại môi trường, tăng khả năng lây nhiễm từ người bệnh sang người khỏe.
Đưa tay bị nhiễm khuẩn dụi mắt là con đường lây nhiễm thường gặp
– Tình trạng vệ sinh cá nhân kém và không thường xuyên rửa tay, sát khuẩn tay khiến nguy cơ nhiễm bệnh gián tiếp qua đồ vật trung gian cao hơn.
– Trẻ từ 4 đến 6 tuổi là độ tuổi dễ mắc đau mắt hột nhất do trẻ hay đưa tay lên mắt.
2. Vì sao bị bệnh mắt hột cần điều trị sớm?
Bệnh đau mắt hột là loại bệnh truyền nhiễm hàng đầu gây biến chứng mất thị lực trên toàn thế giới. Theo một số thống kê các nước nhiệt đới, người ta ước tính có tới 25 triệu người bị mù bởi các nguyên nhân có thể phòng ngừa. Trong đó, bệnh mắt hột chiếm khoảng 4% nguyên nhân gây bệnh mù toàn cầu. Chính rủi ro này và những biến chứng không mong muốn khác là lý do vì sao bị bệnh mắt hột cần phải điều trị sớm:
– Làm kết mạc bị phù, đục, che phủ đi hệ mạch bên dưới do thẩm lậu – tổn thương viêm mạn tính do tế bào của cơ thể gây ra.
– Giãn mạch máu tại mắt, tăng sinh mạch máu và gây thâm nhiễm tế bào mắt.
– Biến chứng viêm kết mạc bờ mi mạn tính khiến người bệnh ngứa, cộm và đỏ mắt kéo dài.
– Viêm sụn mi làm bờ mi người bệnh xơ hóa, biến dạng.
– Bội nhiễm khi mắt người bệnh bị nhiễm khuẩn, nhiễm virus hoặc vi nấm thêm, dễ gây viêm loét giác mạc.
– Loét giác mạc gây đau nhức mắt, loạn thị, đục giác mạc, lâu dần dẫn đến mất thị lực hoàn toàn.
– Loạn thị do hột và sẹo kết mạc cọ sát lâu ngày vào giác mạc khiến giác mạc mất độ trơn nhẵn, ảnh hưởng đến khả năng hội tụ ánh sáng, gây loạn thị.
– Nhiễm khuẩn mắt nặng dẫn đến viêm mủ nhãn cầu, dẫn đến mù lòa, mất thị lực vĩnh viễn.
Trước những biến chứng khó lường và hậu quả lâu dài này, bệnh mắt hột được phát hiện và điều trị càng sớm thì kết quả điều trị càng tốt và hạn chế được nhiều nguy hại cho mắt.
3. Điều trị bệnh mắt hột tại bệnh viện
Muốn điều trị triệt để và có hiệu quả nhanh chóng bệnh đau mắt hột, bác sĩ sẽ là người đưa ra giải pháp tốt cho bạn. Bệnh đau mắt hột có thể được điều trị bằng cả phương pháp nội khoa và ngoại khoa, tuy nhiên bác sĩ sẽ là người lựa chọn phương pháp phù hợp tùy thuộc vào mức độ hiện tại của người bệnh.
3.1 Điều trị nội khoa
Đau mắt hột là bệnh gây ra do vi khuẩn nên để điều trị nội khoa, các bác sĩ sẽ phải sử dụng thuốc kháng sinh cho người bệnh. Các loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng để điều trị bệnh mắt hột là:
– Kháng sinh Azithromycin
– Kháng sinh Erythromycin
– Thuốc tra mắt Tetracyclin
Lưu ý, người bệnh không nên tự ý mua thuốc mà không có kê đơn của bác sĩ mà cần đi khám và kiểm tra chính xác tình trạng bệnh để có hướng dẫn điều trị đúng cách, tránh dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn hoặc biến chứng không mong muốn.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc với liều lượng được kê đơn, người bệnh cần chú ý đảm bảo vệ sinh cá nhân và môi trường sống để tránh lây lan dịch bệnh cho người khác:
– Vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng nước sạch, thường xuyên rửa tay, nhất là trước và sau khi chạm tay lên mắt.
– hàng ngày vệ sinh và rửa mắt nhẹ nhàng với nước muối sinh lý.
– Không dùng chung đồ dùng cá nhân, đặc biệt là liên quan đến mắt như lọ nước nhỏ mắt, khăn mặt,… với các thành viên khác không mắc bệnh trong gia đình.
– Thực hiện hướng dẫn cách ly của bác sĩ để hạn chế nguy cơ lây cho người thân trong gia đình
– Thường xuyên nhỏ nước mắt nhân tạo để ngăn bị khô mắt và bổ sung đầy đủ vitamin giúp mắt khỏe hơn..
3.2 Điều trị ngoại khoa
Hầu hết các biến chứng của đau mắt hột xảy ra đều do tình trạng lông mọc ngược, lông quặm di đau mắt hột lâu ngày gây nên. Chính vì vậy, ngay khi xuất hiện lông quặm, các bác sĩ sẽ thường chỉ định điều trị kết hợp nội khoa và phẫu thuật mổ quặm.
Việc nhận biết các dấu hiệu của bệnh và phát hiện bệnh sớm đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị và ngăn ngừa các biến chứng đau mắt hột. Hy vọng bài viết này đã phần nào giải đáp cho câu hỏi “Vì sao bị bệnh mắt hột cần phải điều trị sớm?”. Nếu bạn cảm thấy mắt có những biểu hiện bất thường thì đừng chủ quan mà hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện có chuyên khoa mắt để thăm khám chẩn đoán bệnh và có hướng chữa trị thích hợp nhé!