Ung thư màng phổi là một trong những loại ung thư hiếm gặp trên thế giới. Bệnh thường khó chẩn đoán do thời gian gian ủ bệnh kéo dài, phải mất 10 đến 50 năm mới xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, những triệu chứng này thường không rõ ràng, khiến phần lớn người bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn với tiên lượng xấu. Chính vì vậy, để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, việc hiểu rõ về căn bệnh này rất quan trọng. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của TCI!
Menu xem nhanh:
1. Hiểu đúng về căn bệnh ung thư màng phổi
1.1. Định nghĩa bệnh
Ung thư màng phổi hay ung thư biểu mô màng phổi là một loại ung thư hiếm gặp phát triển trong màng phổi, cơ quan dọc theo thành ngực và phổi., trong đó một lớp màng lót thành ngực và một lớp màng bao bọc phổi.
Căn bênh này có tiên lượng rất xấu. Phần lớn tuổi thọ trung bình của người bệnh sau khi được chẩn đoán chỉ từ 6 đến 12 tháng do phát hiện bệnh muộn.
1.2. Phân loại
Phân loại ung thư biểu mô màng phổi được chia theo nguyên nhân hình thành bệnh. Cụ thể:
– Loại nguyên phát: Đây là trường hợp mắc bệnh này khá hiếm gặp. Khối u phát triển trong chính khoang màng phổi.
– Loại thứ phát: Trường hợp bệnh này phổ biến hơn so với loại trên, chủ yếu do ung thư phổi di căn sang màng phổi hoặc di căn từ một bộ phận khác trong cơ thể như vú, buồng trứng, ruột kết, tuyến tụy,…
2. Những nguyên nhân chính gây nên căn bệnh này
2.1. Tiếp xúc với Amiăng – nguyên nhân chính gây ung thư màng phổi
Nguyên nhân chính gây nên ung thư biểu mô màng phổi nguyên phát là do tiếp xúc với Amiăng, chiếm đến 70% các trường hợp. Amiăng là một nguyên liệu được sử dụng rộng rãi trong xây dựng và công nghiệp.
Tất cả quy trình sản xuất hay khi sử dụng loại vật liệu này đều có thể thải bụi Amiăng ra ngoài môi trường. Việc hít phải bụi Amiăng gây tổn thương và kích thích sự phát triển của các tế bào ác tính trong màng phổi. Điều này khiến những người tiếp xúc với Amiăng trong quá trình làm việc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
2.2. Các nguyên nhân tiềm ẩn khác có thể gây bệnh
Các nhà khoa học đang nghiên cứu các nguyên nhân tiềm ẩn khác gây ra căn bệnh này. Một trong số những nguyên nhân này có thể kể đến:
– Đột biến gen di truyền trong gia đình (thiếu gen BAP1).
– Tiếp xúc với vật liệu mới Carbon Nanotubes (CNT) trong quá trình sản xuất, một loại vật liệu xây dựng được sử dụng để gia cố các cấu trúc khác (hiện được tìm thấy trong xe cộ, thiết bị thể thao và nhiều vật liệu khác).
– Thực hiện điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị trước đó hướng vào khu vực lồng ngực.
– Các tế bào ung thư khác di căn đến phổi và màng phổi. Thông qua đường máu hoặc hệ thống bạch huyết, các tế bào ung thư di căn đến khoang màng phổi và gây bệnh.
Tuy nhiên, những nguy cơ tiềm ẩn trên vẫn cần được nghiên cứu và làm rõ hơn để xác định chính xác ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
3. Thách thức và triển vọng trong chẩn đoán, điều trị ung thư biểu mô màng phổi
3.1. Các biện pháp chẩn đoán ung thư màng phổi
Các bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra toàn diện sức khỏe của người bệnh, xem xét tiền sử bệnh tật và đánh giá các yếu tố rủi ro. Một số phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh bao gồm:
– Chụp X-quang ngực: Đánh giá những thay đổi bất thường trong màng phổi như dày màng phổi, tràn dịch màng phổi,…
– Siêu âm nội soi lồng ngực: Đánh giá khoang màng phổi qua sóng siêu âm, giúp phát hiện những bất thường như tràn dịch màng phổi,….
– Chụp cắt lớp vi tính (CT)/ chụp cộng hưởng từ (MRI)/ Chụp PET/CT: Đánh giá chi tiết màng phổi với hình ảnh rõ ràng hơn, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác vị trí, mức độ lây lan của tế bào ung thư.
– Chọc dò lồng ngực: Bác sẽ sẽ hút các chất lỏng từ khoang màng phổi bằng kim và nghiên cứu mẫu này để phát hiện tế bào ung thư trong cơ thể. Đây là chẩn đoán được ưu tiên nhất vì quá trình thực hiện dễ dàng cho cả bác sĩ và bệnh nhân.
– Sinh thiết: Bác sĩ sẽ lấy một mẫu tế bào tại vùng nghi ngờ và thực hiện xét nghiệm để xác định sự có mặt của ung thư. Sinh thiết thường được thực hiện trong những trường hợp không được thực hiện chọc dò lồng ngực.
3.2. Các hướng điều trị ung thư biểu mô màng phổi hiện nay
Hiện nay, có nhiều phương pháp để điều trị bệnh, tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh, cũng như sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Các phương pháp bao gồm:
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ đạo cho căn bệnh này ở giai đoạn sớm. Quá trình phẫu thuật có thể bao gồm việc cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ phần phổi bị tổn thương. Ngoài ra, phẫu thuật thường đi kèm với các phương pháp điều trị khác, như hóa trị hoặc xạ trị.
Hóa trị liệu
Hóa trị liệu là phương pháp điều trị bằng thuốc để tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư. Các loại thuốc hóa trị có thể được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với nhau để tăng hiệu quả điều trị. Tùy thuộc vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc phù hợp và theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh trong suốt quá trình điều trị.
Xạ trị liệu
Xạ trị liệu là phương pháp điều trị bằng cách sử dụng các tia phóng xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư. Quá trình xạ trị có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, tùy thuộc vào loại ung thư và giai đoạn bệnh.
Liệu pháp miễn dịch
Phương pháp điều trị bằng liệu pháp miễn dịch giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của người bệnh để có khả năng xác định và tiêu diệt các tế bào ung thư. Tùy thuộc vào loại tế bào ung thư và khả năng đáp ứng điều trị của người bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp này để điều trị.
Với sự tiến bộ của y học, triển vọng trong việc phòng ngừa và điều trị ung thư màng phổi đang được cải thiện. Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về căn bệnh này. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của bệnh, hãy đến gặp bác sĩ TCI để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.