U đại tràng lành tính chiếm phần lớn tổng các khối u tìm thấy và hầu như không gây nhiều nguy hiểm tới người bệnh. Tuy nhiên cũng không được chủ quan, vì tỷ lệ nhỏ các khối u này vẫn có thể tiến triển thành ác tính và cần được theo dõi thường xuyên để có phương án can thiệp kịp thời khi cần.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về u đại tràng
1.1. U đại tràng là gì?
U đại tràng là một dạng của polyp đại tràng. Chúng là một khóm, cụm các tế bào hình thành trên lớp lót của đại tràng. Đa số u đại tràng được xác định là lành tính với các dạng u ở thành niêm mạc và u ở thành đại tràng.
Tuy nhiên, một số trường hợp do không được kiểm soát sớm, phát hiện bệnh muộn, u đại tràng lành tính vẫn có thể phát triển thành ác tính hay còn gọi là ung thư đại tràng, trực tiếp đe dọa tới tính mạng người bệnh.
1.2. Đối tượng dễ mắc u đại tràng
U đại tràng xảy ra ở đa dạng các đối tượng khác nhau. Có thể kể đến những đối tượng có nguy cơ mắc u bệnh cao hơn bình thường bao gồm:
– Trên 50 tuổi.
– Người thường xuyên hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia.
– Người thừa cân, béo phì.
– Lười vận động.
– Người có tiểu sử người thân trong gia đình từng bị u đại tràng, ung thư đại tràng.
– Người mắc các bệnh như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn.
2. Các dạng cơ bản của u đại tràng lành tính
Như đã nói ở trên, u đại tràng được coi là lành tính thường chia làm 2 loại chính:
– U ở niêm mạc: Thường gặp nhiều nhất là u tuyến, chiếm phần lớn trong tổng các u lành tính.
– U ở thành đại tràng: Loại u này hiếm gặp hơn nhiều, u thường xuất phát từ tổ chức liên kết bao gồm u mỡ, u xơ, u cơ, u mạch máu.
2.1. Polyp đại tràng
Càng về cuối ống tiêu hóa thì polyp xuất hiện càng nhiều, gặp nhiều nhất ở phần trực tràng và đại tràng sigma. Polyp có thể tập trung tại một đoạn hoặc nằm rải rác khắp đại tràng. Thông thường chúng sẽ có hình tròn hoặc bầu dục với đường kính từ 1mm đến vài cm và thường có màu đỏ tươi.
Phần lớn các polyp không có triệu chứng rõ ràng. Những triệu chứng lâm sàng sẽ phụ thuộc vào số lượng, kích thước, vị trí, và cấu tạo đại thể polyp. Nếu xuất hiện triệu chứng thường là chảy máu, rối loạn tiêu hoá, lồng ruột,…
Chỉ định điều trị polyp đại tràng là phẫu thuật. Tùy vào vị trí, số lượng và sự phân bố polyp mà có thể phẫu thuật từng vị trí như:
– Cắt bỏ polyp bằng phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở
Cắt bỏ đoạn đại tràng có chứa polyp
– Cắt bỏ toàn bộ đại tràng
2.2. U mỡ
Là một dạng u hiếm gặp và chỉ chiếm 1 – 10 % trong tổng số u lành tính của đại tràng. U thường phát triển tại lớp dưới niêm mạc, hiếm hơn là phát triển tại thanh niêm mạc.
U được cấu tạo bao gồm những miếng mỡ có kích thước khác nhau và được ngăn cách bằng các vách xơ. Nếu trong u mỡ có nhiều tổ chức liên kết thì được gọi là u xơ mỡ. U mỡ phổ biến ở đối tượng trên 40 tuổi.
Biểu hiện của u mỡ:
– U tiến triển chậm và thường không có triệu chứng.
– Giai đoạn sau thường xuất hiện táo bón, ỉa chảy thất thường, đôi khi là đi ngoài có máu và dịch nhầy.
– Nếu u to còn có thể sờ thấy.
– U có thể di động, mặt nhẵn.
– Có thể nhận biết bằng triệu chứng lồng ruột.
U mỡ có thể dẫn đến tình trạng lồng ruột và ung thư hóa dưới thể sarcoma (thường rất ít gặp). Phương pháp điều trị được chỉ định là cắt đoạn đại tràng có chứa khối u đó.
2.3. U xơ
U xơ đại tràng là tình trạng rất hiếm gặp, phát triển không có triệu chứng. Đôi khi có thể bắt đầu bằng triệu chứng lồng ruột. Nếu tiến triển lâu ngày có thể gây loét về phía phúc mạc và ở niêm mạc và gây ung thư.
2.4. U cơ
Loại u này thường phát triển từ lớp cơ bên trong nhiều hơn ở lớp cơ bên ngoài. Mặt của khối u rất nhẵn. U cơ phát triển có thể làm hẹp lòng ruột hoặc có thể gây lồng ruột, loét chảy máu, nguy hiểm hơn là ung thư hoá.
2.5. U mạch máu
Triệu chứng thường gặp là chảy máu, chảy máu thường xuyên hoặc thành từng đợt. Đôi khi có thể chảy máu dữ dội thành từng đợt khi đại tiện. Soi đại tràng sẽ thấy búi mạch máu hình chùm nhô lên từ dưới niêm mạc.
Bên cạnh đó, những dạng u lành hiếm gặp khác như u bạch huyết, u xơ thần kinh. Các loại u này phát triển không triệu chứng hoặc rất ít nên khó khăn trong việc chẩn đoán. Khi được chẩn đoán được đều được chỉ định ngoại khoa là cắt bỏ phần chứa khối u.
3. U đại tràng lành tính có bắt buộc cần điều trị?
U đại tràng lành tính mặc dù phần lớn là không ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh nhưng chúng sẽ khiến người bệnh xuất hiện một số triệu chứng như gây rối loạn tiêu hóa, khó chịu, đi ngoài ra máu,…
Hơn nữa, các loại u lành tính cũng có thể biến chứng thành ung thư – đây được coi là nguy cơ gây hại hàng đầu thậm chí còn đe dọa tới tính mạng người bệnh.
Chính vì thế, đối với u đại tràng lành tính, phương án điều trị được thực hiện là theo dõi diễn biến phát triển của khối u một cách định kỳ và xem xét, đánh giá cụ thể để đưa ra phương án tốt nhất bao gồm cả việc phẫu thuật cắt bỏ phần u lành tính.
Lời khuyên từ bác sĩ
Để ngăn ngừa u đại tràng có thể phát triển thành ung thư đại tràng, người bệnh hãy thực hiện theo một số lời khuyên sau:
– Thăm khám sức khỏe định kỳ.
– Loại bỏ khối u đại tràng lành tính bằng phẫu thuật.
– Áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học. Ăn nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc. Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, chất béo và kiêng rượu, bia, thuốc lá.
– Kiểm soát cân nặng hợp lý, không để thừa cân, béo phì.
– Giữ tinh thần thoải mái và tránh mệt mỏi căng thẳng.
– Vận động điều độ, tập luyện thể dục thể thao.
– Tìm hiểu về bệnh sử của người thân trong gia đình, để từ đó có biện pháp phòng tránh, tầm soát sớm.
U đại tràng lành tính dù ban đầu có thể không gây hại tới sức khoẻ nhưng tuyệt đối không thể chủ quan. Người bệnh cần thực hiện nghiêm chỉnh hướng dẫn từ bác sĩ, theo dõi sức khỏe định kỳ để luôn sẵn sàng đối phó với bệnh đúng cách, kịp thời và hiệu quả nhất.