Triệu chứng suy tim và những biến chứng khó lường

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Các triệu chứng suy tim có thể biểu hiện đa dạng ở từng bệnh nhân. Trong đó, khó thở, mệt mỏi, sưng phù, ho khan… là những triệu chứng thường gặp ở các bệnh nhân này. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thêm kiến thức về các biểu hiện của bệnh suy tim theo từng mức độ của bệnh.

1. 4 triệu chứng suy tim điển hình

1.1 Khó thở – Triệu chứng suy tim thường gặp nhất

Khó thở là một trong những triệu chứng suy tim phổ biến mà hầu hết bệnh nhân mắc bệnh này đều gặp phải. Tuy nhiên ở mỗi người mức độ khó thở lại biểu hiện khác nhau tùy theo độ suy tim:  

Cấp độ 0: Bệnh nhân không khó thở khi gắng sức.

Cấp độ 1: Bệnh nhân cảm thấy khó thở khi thực hiện các hoạt động gắng sức, ví dụ như leo lên cầu thang từ tầng thứ 2 trở đi.

Cấp độ 2: Khó thở khi làm những việc nhẹ, không cần gắng sức quá nhiều, ví dụ như bê chậu cây.

Cấp độ 3: Người bệnh suy tim khó thở cả khi làm những việc thường ngày vô cùng đơn giản như đánh răng, rửa mặt…

Cấp độ 4: Khó thở ngay cả khi nằm nghỉ ngơi, không làm gì là biểu hiện của bệnh suy tim cấp độ 4.

Ngoài nguyên nhân do suy tim, tình trạng khó thở còn có thể xảy ra do các bệnh lý khác, đặc biệt là vấn đề về hô hấp. Tuy nhiên nếu khó thở do suy tim xuất hiện cả khi hít vào và thở ra thì những người bị hen phế quản lại chỉ cảm thấy khó thở lúc thở ra là chính.

Khó thở là một trong những triệu chứng suy tim điển hình

Khó thở là một trong những triệu chứng điển hình của suy tim

1.2 Phù 

Phù là một trong những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân suy tim. Nguyên nhân là do khi tim suy yếu, lưu lượng máu tống đi giảm. Máu không được đẩy đi hết theo đường tĩnh mạch về tim và ứ đọng lại ở đó khiến các mao mạch căng lên, tạo kẽ hở để dịch thoát ra gây phù.

Tùy theo giai đoạn của bệnh suy tim và cơ địa của người bệnh mà biểu hiện phù sẽ khác nhau:

– Giai đoạn nhẹ: Bệnh nhân thường sẽ cảm thấy nặng mí mắt, mặt hơi tròn ra vào buổi sáng. Buổi chiều, hai bàn chân sẽ dần phù nhẹ, nếu ấn vào phần da chân rồi nhấc tay lên sẽ thấy vết lõm.

– Giai đoạn nặng: Triệu chứng phù nề sẽ ngày càng rõ ràng khi bệnh nặng hơn. Cơ thể ngày càng nặng nề, người bệnh cảm thấy bụng trướng, ăn không tiêu.

1.3 Ho khan

Ho dai dẳng cũng là một trong những biểu hiện suy tim, đặc biệt thường gặp trong những trường hợp suy tim do tăng huyết áp hoặc hở van tim. Các cơn ho có đặc điểm: xảy ra vào ban đêm hoặc khi gắng sức. Ho do suy tim thường là ho khan, có khi ho ra đờm lẫn máu.

Tuy nhiên, cần kết hợp với nhiều yếu tố khác mới có thể xác định được một người có suy tim hay không. Nếu bệnh nhân chỉ ho khan mà không có tăng huyết áp hoặc bệnh lý van tim, kết quả điện tâm đồ bình thường thì chưa đủ để kết luận suy tim. Trong trường hợp này, ho có thể không do nguyên nhân tim mạch. 

Tính chất cơn ho do suy tim có những biểu hiện sau:

– Ho nếu đang ngồi mà đột ngột nằm xuống thấp

– Ho khi gắng sức

1.4 Mệt mỏi – Triệu chứng suy tim thường gặp

Người bệnh suy tim thường cảm thấy khó khăn, mệt mỏi, kiệt sức khi thực hiện những hoạt động thường ngày. Thậm chí là những việc nhẹ nhàng, đơn giản hơn như đi bộ, leo cầu thang,… 

Nguyên nhân của tình trạng này là do tim suy yếu, không bơm đủ máu cung cấp đến khắp các cơ quan trong cơ thể. Tình trạng thiếu máu kéo dài làm cho người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, gặp khó khăn trong sinh hoạt thường ngày trở nên khó khăn. 

Trên thực tế, tình trạng mệt mỏi do suy tim có thể nhầm lẫn với các bệnh khác gây chủ quan. 

Ngoài mệt mỏi, bệnh nhân bị thiếu máu còn có những biểu hiện như suy nhược, suy giảm trí nhớ, chóng mặt, đau đầu,…

Dấu hiệu bệnh suy tim

Phù là một trong những triệu chứng suy tim do ứ máu, biểu hiện rõ ở giai đoạn nặng.

2. Các triệu chứng khác

Bên cạnh các triệu chứng điển hình, bệnh suy tim có thể biểu hiện một số triệu chứng khác như:

– Đầy hơi, khó tiêu

– Chán ăn

– Thay đổi cân nặng bất thường

– Chóng mặt, ngất xỉu

– Nhịp tim nhanh, hồi hộp căng thẳng, đánh trống ngực

– Lo lắng, mất ngủ trầm cảm

3. Biến chứng suy tim

3.1  Hỏng van tim

Khi bị suy tim, cấu trúc van tim có thể thay đổi theo do tim phải gắng sức để bù lượng máu bị thiếu hụt. Lúc này các dây chằng xung quanh van tim bị giãn, đứt, gây hỏng van.

3.2 Tổn thương gan

Khi tim suy yếu, đặc biệt là suy tim phải, tim giảm khả năng hút máu, gan phải tăng kích thước để chứa máu. Điều này gây tổn thương nghiêm trọng cho gan, có thể gây dẫn tới xơ gan, suy gan.

3.3 Suy giảm chức năng thận

Khả năng bơm máu của tim bị giảm sút, kéo theo thận không được cung cấp đầy đủ máu để hoạt động. Hậu quả là thận giảm chức năng lọc, đào thải độc tố, muối và nước ra khỏi cơ thể. Điều này dẫn tới tăng huyết áp, phù nề ở người bệnh suy tim.

Suy giảm chức năng thận cũng khiến người bệnh suy tim tăng nguy cơ biến chứng tim mạch, nhập viện và tử vong.

3.4 Thiếu máu

Khi chức năng thận bị suy giảm, cơ thể sẽ không sản xuất được đầy đủ hormone tạo hồng cầu trong tủy xương, dẫn tới tình trạng thiếu máu. Ngược lại, thiếu máu cũng khiến bệnh suy tim ngày càng trầm trọng hơn.

3.5 Phù phổi cấp, tràn dịch màng phổi

Suy tim thường kéo theo sự tích tụ trong phổi, có thể gây ra tình trạng phù phổi cấp với các triệu chứng như khó thở, da nhợt nhạt, cảm giác như chết đuối, ho ra bọt màu hồng…

3.6 Rối loạn nhịp tim

Các rối loạn nhịp tim thường gặp ở bệnh nhân suy tim gồm: rung nhĩ, block nhánh trái, nhịp tim nhanh thất và rung thất.

3.7 Đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Đây chính là biến chứng nguy hiểm nhất, nỗi ám ảnh của người bệnh suy tim. Khi chức năng bơm máu của tim bị suy giảm, một lượng máu có thể bị ứ lại tại các buồng tim, tạo điều kiện hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn các mạch máu. Tắc nghẽn tại mạch máu não sec dẫn tới đột quỵ. Tắc nghẽn động mạch vành gây nhồi máu cơ tim.

Biến chứng của bệnh suy tim

Nhồi máu cơ tim là biến chứng nguy hiểm của bệnh suy tim.

Trên đây là những thông tin về triệu chứng suy tim và các biến chứng thường gặp. Việc nhận biết sớm các triệu chứng của suy tim là yếu tố quan trọng giúp cho việc điều trị bệnh đạt hiệu quả cao và tránh được các biến cố tim mạch nguy hiểm. Vì vậy, khi thấy các triệu chứng của bệnh, cần đi khám chuyên khoa tim mạch sớm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital