Trị loét dạ dày từ sớm là biện pháp dứt điểm viêm loét dạ dày hiệu quả. Việc phát hiện sớm, điều trị sớm mang lại nhiều lợi ích như thời gian điều trị được rút ngắn, ngăn ngừa nguy cơ biến chứng nguy hiểm và tiết kiệm chi phí cho người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Nhận biết sớm viêm loét dạ dày từ các dấu hiệu cảnh báo
Viêm loét dạ dày thường diễn biến âm thầm nhất ở giai đoạn đầu của bệnh. Lúc này, các dấu hiệu không rõ ràng, không điển hình khiến người bệnh nhầm lẫn với các triệu chứng tiêu hóa thường gặp.
Lưu ý ngay những dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm loét dạ dày dưới đây:
– Đau bụng vùng thượng vị: Đây là dấu hiệu đầu tiên. Cơn đau thường kéo dài âm ỉ hoặc cũng có thể đau theo từng cơn và kèm cảm giác nóng rát vùng thượng vị. Người bệnh thường đau vào lúc đói hoặc ban đêm gây khó ngủ. Cơn đau có thể kéo dài trong vài phút cho tới vài giờ.
– Ợ hơi, ợ chua và thường xuyên cảm giác khó chịu ở dạ dày.
– Buồn nôn, nôn: Các ổ loét ở dạ dày gây đau làm cho dạ dày co bóp mạnh hơn gây cảm giác buồn nôn và nôn vì chức năng dạ dày đã bị suy yếu.
– Mất ngủ, ngủ gián đoạn do tình trạng đau bụng lúc buổi đêm gây ra.
– Rối loạn tiêu hóa như ỉa chảy, táo bón,…
Khi nhận thấy những dấu hiệu “lên tiếng” kể trên, bạn hãy chủ động thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán và lên phác đồ điều trị từ sớm.
2. Lợi ích khi chủ động điều trị loét dạ dày từ sớm
2.1. Trị loét dạ dày sớm rút ngắn thời gian điều trị
Viêm dạ dày được phát hiện sớm khi các vết loét còn nông, tổn thương nhẹ và hầu như không gây ra triệu chứng gì thì có thể tự lành nếu người bệnh chủ động điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt khoa học.
Ngược lại, khi viêm loét đã trở nặng kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng cũng đồng nghĩa với việc điều trị sẽ phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn. Người bệnh cần kiên trì với phác đồ điều trị để giải quyết tận gốc nguyên nhân gây bệnh và dần chữa lành các ổ loét.
2.2. Ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm
Viêm loét dạ dày để lâu sẽ dần trở nặng là gây ra các biến chứng có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người bệnh bao gồm:
– Hẹp môn vị: Biến chứng này khiến việc lưu thông thức ăn khó khăn hơn, dịch dạ dày đi tới tá tràng bị cản trở hoặc bị đình trệ hoàn toàn. Hậu quả là dạ dày bị giãn to cùng nhiều biểu hiện khó chịu như đau bụng, buồn nôn/nôn, tiêu chảy, toàn thân mệt mỏi,…
– Xuất huyết tiêu hóa: Khi các ổ viêm loét dạ dày xâm lấn tới các mạch máu sẽ dẫn tới tình trạng chảy máu. Khi đó, người bệnh có những biểu hiện nôn ra máu, đại tiện ra máu.
– Thủng dạ dày: Đây là biến chứng nguy hiểm, một dạng cấp cứu khẩn cần được làm phẫu thuật nhanh chóng ngay khi xuất hiện các biểu hiện của thủng dạ dày như: đau thượng vị dữ dội, bụng gồng cứng, toàn thân mệt mỏi, mặt xanh tái, tay chân bủn rủn, người toát mồ hôi lạnh,..
– Ung thư dạ dày: Đây là loại biến chứng khó lường nhưng lại vô cùng nguy hiểm. Bắt đầu từ những triệu chứng thoáng qua nên người bệnh thường bỏ qua. Đến khi phát hiện, nhiều trường hợp ung thư đã ở giai đoạn muộn.
2.3. Điều trị loét dạ dày từ sớm sẽ tiết kiệm chi phí
Việc điều trị sớm viêm loét dạ dày thường được thực hiện đơn giản hơn và trong thời gian ngắn hơn. Điều này giúp tiết kiệm chi phí đáng kể cho người bệnh.
Không những thế, các trường hợp viêm loét dạ dày nặng gặp biến chứng nguy hiểm có thể cần thực hiện phẫu thuật. Lúc này, không chỉ là vấn đề tốn kém chi phí mà hơn hết là ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.
3. Điều trị loét dạ dày thực hiện bằng cách nào?
3.1. Điều trị loét dạ dày hiệu quả bằng thuốc
Đầu tiên, người bệnh tuyệt đối không tự ý kê đơn, bắt bệnh, mua thuốc và sử dụng tại nhà vì điều này có thể khiến bệnh tình thêm nghiêm trọng. Người bệnh cần thực hiện đúng chỉ định mà bác sĩ đưa ra: đúng loại thuốc, đúng liều dùng, đúng thời gian quy định,…
Người bệnh viêm loét dạ dày hãy đến các cơ sở y tế uy tín để trực tiếp thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Bác sĩ sẽ kết luận bệnh và lên phác đồ điều trị phù hợp, chỉ định đúng đơn thuốc.
Thông thường, các loại thuốc điều trị bệnh loét dạ dày có thể là:
– Thuốc kháng acid
– Thuốc giảm tiết acid
– Thuốc ức chế bơm proton
– Thuốc tạo màng bọc bảo vệ dạ dày
– Thuốc diệt HP
3.2. Xây dựng chế độ ăn khoa học
Chế độ ăn khoa học giúp cải thiện tốt tình trạng bệnh cùng như phòng bệnh tái phát sau đó. Chính vì vậy, người bệnh đang điều trị bằng thuốc, người bệnh sau phẫu thuật và cả những đối tượng có nguy cơ cao viêm loét dạ dày đều cần quan tâm đến chế độ ăn:
Thực phẩm nên ăn:
– Thực phẩm chứa lợi khuẩn.
– Thực phẩm giúp ích trong việc điều trị bệnh: Nghệ, mật ong, gừng, nha đam,…
– Thực phẩm giàu chất xơ: rau củ tươi, ngũ cốc nguyên hạt,…
– Thực phẩm tăng cường bổ sung nhóm vitamin A, C, D,…: Thanh long, khoai tây, ớt chuông, khoai lang, cà rốt, rau chân vịt, dưa vàng,…
– Thực phẩm chống oxy hóa: Đu đủ, cà chua, nghệ, bông cải xanh,..
Thực phẩm cần kiêng:
– Rượu và đồ uống có cồn
– Đồ ăn giàu chất béo
– Đồ ăn cay nóng
– Trái cây họ cam chanh
– Hạn chế các món ăn lên men: Dưa muối, dưa góp, cà muối, kim chi, mắm tôm, mắm tép,…
3.3. Duy trì lối sống lành mạnh
Bên cạnh một chế độ ăn khoa học, người bệnh cũng cần quan tâm tới thói quen, lối sống hằng ngày như:
– Uống đủ lượng nước mỗi ngày (từ 2l nước trở lên với người trưởng thành).
– Thức ăn nên thái lát nhỏ, nấu chín kỹ, nấu mềm.
– Ưu tiên các cách chế biến như luộc, hấp, om, kho thay vì chiên qua dầu, xào và rán.
– Ăn chậm, nhai kỹ và hãy tập trung khi ăn.
– Hãy chia nhỏ các bữa ăn, có thể ăn 5-6 bữa trong ngày.
– Ăn đủ bữa, đúng giờ.
– Không nên để bụng bị quá đói hoặc ăn quá no.
– Tránh những đồ ăn quá đặc hoặc quá lỏng vì sẽ làm giảm hiệu suất quá trình tiêu hóa.
– Tránh ăn khi đồ ăn còn quá nóng hoặc quá lạnh, nhiệt độ phù hợp của đồ ăn ở khoảng 40-50 độ C là tốt nhất cho tiêu hóa và quá trình hấp thu.
Điều trị loét dạ dày nên được thực hiện đúng bệnh, đúng người, đúng phác đồ và tiến hành càng sớm càng tốt. Người bệnh chủ động thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ để cho hiệu quả dứt điểm bệnh nhanh chóng.