Hiện nay, trẻ em rối loạn tiêu hóa xảy ra rất phổ biến, khiến nhiều ông bố bà mẹ lo lắng. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh do đâu, triệu chứng như thế nào và cách điều trị ra sao. Để có cách nhìn chi tiết hơn, các bậc phụ huynh có thể tìm hiểu thêm qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Sơ lược về tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em
Rối loạn tiêu hóa là hiện tượng co thắt bất thường của cơ vòng hệ tiêu hóa, gây hiện tượng đau bụng, khó chịu và ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn của cơ thể. Có hai nhóm đối tượng thường gặp là trẻ em và người lớn.
Ở trẻ em, rối loạn tiêu hóa sẽ ảnh hưởng không tốt tới quá trình phát triển sau này. Các hệ lụy có thể kể đến như suy dinh dưỡng, hệ miễn dịch kém, chậm phát triển về thể chất và trí não.
2. Nguyên nhân dẫn gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ em
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em, cụ thể như sau:
2.1. Sức đề kháng yếu
Trong những năm đầu đời từ 0 đến 6 tuổi, sức đề kháng và hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu. Các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng dễ dàng tấn công và gây nên các triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa.
2.2. Kháng sinh
Kháng sinh cũng là nguyên nhân dẫn đến trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Loại thuốc này hoạt động theo nhiều cơ chế. Trong đó có cơ chế tấn công trực tiếp vào tế bào vi khuẩn giúp ngăn chặn khả năng sinh sản và sản xuất protein của chúng. Lúc này, kháng sinh đi vào cơ thể có thể tiêu diệt cả vi sinh vật có lợi khu trú ở đường ruột, gây mất cân bằng vi sinh.
2.3. Nguyên nhân khác
Có một số nguyên nhân khác khiến rối loạn tiêu hóa ở trẻ em như môi trường sống không đảm bảo vệ sinh, chế độ ăn cho trẻ không hợp lý. Nhiều bà mẹ vẫn có thói quen cho con sử dụng các đồ ăn nhanh như xúc xích, các loại bánh kẹo nhiều đường, thực phẩm chiên rán sẵn,… Điều này khiến hệ tiêu hóa của trẻ bị ảnh hưởng không tốt, dễ dàng bị vi sinh vật tấn công.
3. Các triệu chứng ở trẻ em bị rối loạn tiêu hóa
Triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em rất điển hình và dễ nhận biết.
3.1. Trẻ em rối loạn tiêu hóa có hiện tượng táo bón
Tình trạng này xảy ra khi cho trẻ ăn các loại thức ăn cứng, chứa nhiều dầu mỡ, giàu đạm. Các thức ăn trên gây khó tiêu, khó hấp thu chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến tình trạng táo bón.
3.2. Tiêu chảy
Tiêu chảy dễ gây mất nước, mất chất điện giải, mệt mỏi. Nếu để tình trạng kéo dài có thể dẫn tới tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
3.3. Đi ngoài phân sống
Mất cân bằng vi sinh vật đường ruột sẽ dẫn đến hiện tượng đi ngoài phân sống. Thông thường trong đường ruột của người bình thường có khoảng 85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn. Tỷ lệ lợi khuẩn nhiều giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa tốt hơn.
Khi tỷ lệ này bị đảo ngược, các vi sinh vật có hại sẽ sử dụng các chất dinh dưỡng. Lúc này, lượng dinh dưỡng mà mao mạch ruột non hấp thụ sẽ giảm. Điều này dẫn đến tình trạng đi ngoài phân lỏng, phân sống, lẫn chất nhầy, có thể kèm theo đầy bụng.
3.4. Nôn trớ
Đây là triệu chứng thường xuyên gặp phải đối với trẻ nhỏ khi đường tiêu hóa chưa hoàn thiện hoặc bị tổn thương.
3.5. Các biểu hiện khác
Ngoài các dấu hiệu trên, còn một số biểu hiện đi kèm như sốt, mệt mỏi kèm theo co giật hoặc ngủ li bì, nôn ói nhiều lần trong ngày. Các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của con thường xuyên để có biện pháp xử lý kịp thời.
4. Các biện pháp phòng ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ em
Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa chứng bệnh rối loạn tiêu hóa ở trẻ mà cha mẹ có thể tham khảo:
4.1. Tẩy giun định kỳ cho trẻ
Định kỳ 6 tháng/lần, mẹ nên cho trẻ uống thuốc tẩy giun sán. Thường xuyên sát khuẩn đồ chơi của trẻ, tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
4.2. Ăn uống đảm bảo vệ sinh
Cho trẻ ăn chín uống sôi, lựa chọn sản phẩm đảm bảo vệ sinh. Các bậc phụ huynh nên có thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến, vệ sinh dụng cụ cho trẻ ăn thật kỹ. Đặc biệt là dùng nguồn nước đảm bảo khi nấu ăn.
4.3. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp
Với trẻ em đang gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và phương pháp chế biến là điều cần thiết. Bữa ăn của bé cần đảm bảo và cân bằng đầy đủ các nhóm chất gồm chất đạm, chất béo, tinh bột, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Tăng cường các loại rau xanh, thức ăn dễ tiêu để cải thiện tình trạng tiêu hóa kém ở trẻ.
4.4. Bổ sung men vi sinh cho đường ruột
Các loại men vi sinh có chứa hàng tỷ lợi khuẩn giúp cân bằng hệ tiêu hóa. Phụ huynh nên cho con trẻ sử dụng thêm loại thực phẩm chức năng này để con có đường tiêu hóa khỏe mạnh, trẻ ăn ngon miệng và hấp thu tốt các dưỡng chất.
4.5. Đưa trẻ em rối loạn tiêu hóa đến cơ sở y tế gần nhất
Nhiều trường hợp, trẻ có biểu hiện rối loạn tiêu hoá, cha mẹ đã sử dụng các biện pháp thông thường nhưng tình trạng không thuyên giảm. Lúc này, cha mẹ hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ để được hướng dẫn điều trị đúng cách. Lưu ý, tuyệt đối không tự ý mua thuốc tự điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh các tình huống xấu xảy ra.
Hi vọng rằng với những chia sẻ trên đã giúp các phụ huynh có thêm cách nhìn tổng quát nhất về tình trạng trẻ em rối loạn tiêu hóa. Hãy áp dụng các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ và chăm sóc con yêu của mình.