Biếng ăn là một vấn đề nan giải thường gặp ở nhiều trẻ, đặc biệt với những trẻ trong độ tuổi 1- 6 tuổi. Đứng trước vấn đề này nhiều cha mẹ không biết trẻ biếng ăn thì phải làm sao để khắc phục được tốt nhất.
Menu xem nhanh:
1. Những dấu hiệu cho thấy trẻ đang biếng ăn
Theo lý giải của các chuyên gia dinh dưỡng thì biếng ăn là một rối loạn ăn uống thường gặp ở trẻ trong độ tuổi từ 1- 6 tuổi, phổ biến nhất là giai đoạn 2 và 4 tuổi. Phần lớn những trẻ biếng ăn con thường có những biểu hiện chung như sau:
– Mỗi khi nhìn thấy thức ăn con đều khóc hoặc tìm cách bỏ chạy khi phải ăn
– Trẻ từ chối và không ăn một vài loại thức ăn hoặc tất cả các thức ăn trong bữa
– Con thường ngậm thức ăn rất lâu trong việc mới chịu nuốt
– Bé ăn ít hơn so với trước đó hoặc ít hơn trong độ tuổi của con
– Thời gian của mỗi bữa ăn thường kéo dài, cha mẹ phải ép và thúc giục bé mới chịu ăn.
– Con liên tục không tăng cân trong thời gian khoảng 3 tháng.
Khi trẻ biếng ăn, mỗi bữa ăn của con đều trở nên vô cùng căng thẳng với cả con và bố mẹ. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sự phát triển của con.
2. Những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe khi trẻ biếng ăn
Khi trẻ biếng ăn, cơ thể con sẽ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng để phục vụ cho quá trình phát triển. Do đó, trẻ có nguy cơ đối diện với các vấn đề sức khỏe sau:
2.1 Trẻ có nguy cơ bị rối loạn tăng trưởng
Theo thống kê cho thấy, với những trẻ bị biếng ăn trong 2 năm đầu đời sẽ có nguy cơ nhẹ cân nhiều hơn 3 lần. Bởi nguyên nhân là khi biếng ăn, trẻ không có cơ hội hấp thu đủ các vi chất quan trọng nên cơ thể có thể đối diện với tình trạng: thiếu vitamin A khiến trẻ có nguy cơ khô mắt, khô giác mạc. Trẻ thiếu sắt gây thiếu máu và nếu thiếu vitamin D sẽ còi xương, chậm phát triển chiều cao…
2.2 Ảnh hưởng tới sự phát triển trí não trong những năm tháng đầu đời
Khi trẻ biếng ăn kéo dài, cơ thể sẽ có nguy cơ bị thiếu đi một số dưỡng chất rất quan trọng có tác động đến sự hoạt động của bộ não như: DHA, Sắt, Taurin, Protein, Omega 3, Omega 6… đây đều là những dưỡng chất đóng vai trò trong việc tác động đến sự hình thành và hoạt động của bộ não. Vì thế, khi trẻ bị thiếu hụt những chất này bé sẽ không đủ suy nghĩ để tập trung, tư duy từ đó khiến kết quả học tập bị sa sút.
Cũng trong vấn đề này, các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra, trẻ biếng ăn thua kém hơn hẳn về điểm trí tuệ so với trẻ được ăn uống và bổ sung dưỡng chất đầy đủ.
2.3 Trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch
Khi cơ thể con không được cung cấp đủ chất, hệ miễn dịch của trẻ có khả năng suy giảm nên nguy cơ mắc bệnh ở trẻ thường cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp trên như: viêm phổi, đường tiêu hóa….
Hiện nay tình trạng lười ăn xảy ra ở bé gái nhiều hơn bé trai, vì thế cha mẹ cần lưu ý và sớm khắc phục không nên để tình trạng biếng ăn của trẻ kéo dài, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển thể chất của bé.
3. Trẻ biếng ăn phải làm sao để cải thiện?
Thực tế có rất nhiều cách để khắc phục tình trạng biếng ăn ở trẻ. Sẽ tùy theo tính cách, thói quen sinh hoạt của bé mà cha mẹ có thể tham khảo một vài cách đơn giản sau đây để con sớm có được sự hứng thú trong vấn đề ăn uống.
3.1 Không nên quát mắng trẻ
Có nhiều cha mẹ vì con lười ăn hoặc ăn chậm mà thường xuyên quát mắng, thậm chí là dùng đòn roi để răn đe trẻ. Tuy nhiên điều này là không nên và cũng không thực sự mang lại hiệu quả. Ngoài ra, việc này chỉ càng khiến cho bé sợ ăn hơn.
Cha mẹ hãy tạo cho bé không khí ăn uống thoải mái, vui vẻ và không quát mắng. Với những trẻ biếng ăn việc yêu cầu con phải ăn nhanh và ăn nhiều là điều gần như khó có thể làm được.
3.2. Chú ý khoảng cách giữa các bữa ăn trong ngày của trẻ
Đối với hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ thì khoảng cách lý tưởng giữa mỗi bữa ăn nên cách nhau khoảng từ 4 – 5 tiếng. Nếu các bữa ăn quá gần nhau sẽ không tạo được cho bé cảm giác đói. Ngược lại nếu bữa ăn cách nhau quá xa sẽ làm tình trạng biếng ăn thêm xấu đi do bé đã cảm thấy mệt. Trong khoảng cách giữa các bữa không nên để trẻ ăn vặt, đặc biệt là bánh kẹo, đồ chiên rán… Bởi những thứ này sẽ làm hệ tiêu hóa của trẻ khó tiêu, không có cảm giác đói.
3.3. Tham khảo ý kiến bác sĩ
Trẻ biếng ăn có rất nhiều nguyên nhân, có thể biếng ăn do tâm lý, bệnh lý hoặc sinh lý. Để có thể biết chính xác vì sao trẻ biếng ăn, cha mẹ nên đưa con tới các cơ sở y tế để được thăm khám. Sẽ tùy theo từng vấn đề khác nhau mà bác sĩ sẽ tư vấn cho cha mẹ cách chăm sóc và điều trị như thế nào là phù hợp.
Việc trẻ biếng ăn được thăm khám sớm không chỉ giúp con khắc phục được tình trạng biếng ăn kịp thời, giảm nguy cơ suy dinh dưỡng, còi xương mà còn giúp cha mẹ phần nào giảm được những căng thẳng trong quá trình nuôi con.
3.4 Chú ý thời gian trong mỗi bữa ăn
Một bữa ăn của trẻ nên diễn ra trong thời gian 30 phút là hợp lý. Nếu thời gian kéo dài trẻ thường có xu hướng không tập trung ăn uống, đồ ăn bị nguội sẽ trở lên kém hấp dẫn hơn rất nhiều. Để trẻ có thể tập trung ăn uống trong thời gian trên, cha mẹ không nên cho con xem điện thoại hay tivi và nên để trẻ ngồi vào bàn ăn cùng với mọi thành viên trong gia đình.
Trên đây là chia sẻ, trẻ biếng ăn thì phải làm sao. Cha mẹ hoặc người thân có thể tham khảo và áp dụng những cách đơn giản trên để tình trạng biếng ăn ở trẻ sớm được cải thiện.