Nhắc đến trào ngược axit dạ dày, không ít người có suy nghĩ coi đây chỉ là một bệnh lý “cỏn con” mà việc mắc phải là rất bình thường. Tuy nhiên, bạn lại không biết rằng, trào ngược dạ dày thực quản nguy hiểm hơn vậy rất nhiều.
Menu xem nhanh:
1. Trào ngược axit dạ dày không hề “cỏn con” như bạn nghĩ
Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh tiêu hóa rất phổ biến ở nước ta và có thể nói đây được coi là bệnh lý “quốc dân” mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Trào ngược là tình trạng dịch acid ở dạ dày bị trào ngược lên ống thực quản, gây kích ứng thành niêm mạc. Lâu ngày dẫn tới những triệu chứng phổ biến như ợ chua, ợ hơi, khó nuốt, khàn giọng, nóng rát vùng thượng vị,…
Như đã nói ở trên, bệnh trào ngược có thể gặp phải ở mọi đối tượng, không kể độ tuổi hay giới tính. Tuy nhiên, trào ngược thực quản sẽ dễ xảy ra ở những đối tượng sau:
– Nam giới
– Người hút thuốc lá
– Phụ nữ mang thai
– Người béo phì, thừa cân
Có 2 lý do khiến trào ngược thêm nguy hiểm mà bạn không thể coi nhẹ:
– Điều trị dứt điểm bệnh khó khăn, bệnh có tỷ lệ tái phát cao.
– Biến chứng trào ngược dạ dày thực quản nguy hiểm và khó lường.
2. Trào ngược dạ dày có tỷ lệ tái phát cực cao
Trào ngược dạ dày thực quản có thể được chữa khỏi nhưng khả năng tái phát lại rất cao, đặc biệt là ở những người bệnh có thói quen ăn uống và lối sống không lành mạnh. Theo nghiên cứu, có khoảng hơn 70% người bị trào ngược dạ dày thực quản bị tái bệnh chỉ trong vòng 1 năm. Điều đáng nói, khi bệnh tái phát nhiều lần, hoặc diễn ra trong thời gian kéo dài không chỉ gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh, suy giảm chất lượng cuộc sống mà còn có thể phát triển thành các biến chứng nguy hiểm khó lường.
3. Biến chứng trào ngược khó lường
Những biến chứng trào ngược dạ dày thực quản gây ra gồm có viêm loét thực quản, hẹp thực quản, các biến chứng lên đường hô hấp, thủng thực quản, Barrett thực quản, ung thư thực quản.
3.1. Viêm loét thực quản
Đây là biến chứng gặp phải phổ biến nhất của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, tỷ lệ gặp ở 50% người bệnh. Nguyên nhân là do dịch vị của dạ dày tràn lên thực quản gây ra tổn thương niêm mạc tại đây. Lâu ngày sẽ hình thành các ổ viêm và loét gây sưng đau, khó nuốt, buồn nôn, nôn, mất dần cảm giác thèm ăn,…
3.2. Trào ngược axit dạ dày làm hẹp thực quản
Đây là biến chứng gặp phải ở khoảng 10% người bệnh bị trào ngược dạ dày thực quản. Khi viêm loét thực quản kéo dài không được điều trị tốt sẽ khiến tình trạng sưng thêm nghiêm trọng dẫn tới phù nề, ăn mòn niêm mạc thực quản. Về sau, những tổn thương này sẽ phát triển thành sẹo làm hẹp thực quản.
Hẹp thực quản gây ra khó nuốt, khó ăn, ăn vào dễ nôn trớ đặc biệt là với những loại thức ăn đặc.
3.3. Thủng thực quản
Đây là một loại biến chứng hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm. Khi tình trạng viêm loét trở nặng sẽ bắt đầu ăn sâu và tăng mức độ xâm lấn. Từ đó, thành thực quản tổn thương nặng sẽ dẫn tới thủng.
3.4. Barrett thực quản là biến chứng trào ngược axit dạ dày nguy hiểm
Biến chứng Barrett thực quản chiếm 8 – 15 % ở người bệnh bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Barrett thực quản xảy ra do axit trào ngược lên thực quản làm thay đổi các tế bào ở mô lót thực quản khiến cho các tế bào này bị dày và đỏ lên. Điều này làm tăng nguy cơ hình thành ung thư thực quản.
Người mắc Barrett thực quản có thể xuất hiện những triệu chứng như thường xuyên ợ nóng, khó nuốt khi ăn, đau tức ngực,… Tuy nhiên, cũng có không ít những trường hợp mắc biến chứng này lại không có dấu hiệu đặc trưng nào mà chỉ có thể được phát hiện khi nội soi tiêu hóa và thực hiện sinh thiết tế bào. Điều này càng làm biến chứng thêm nguy hiểm.
3.5. Ung thư thực quản
Ung thư thực quản thường gặp nhất là ung thư biểu mô tuyến, xảy ra sau giai đoạn Barrett thực quản có ổ loạn sản độ cao. Thông thường, những người trên 50 tuổi sẽ có nguy cơ mắc ung thư biểu mô tuyến thực quản cao hơn với những triệu chứng thường gặp là chảy máu thực quản, đau rát, sụt cân, sạm da,… Ung thư biểu mô tuyến thực quản là bệnh lý nguy hiểm có tỉ lệ tỷ vong cao.
3.6. Biến chứng trên đường hô hấp
Dịch dạ dày khi trào ngược lên thực quản sẽ đi qua dây thành âm và đi vào đường khí quản. Từ đó gây ra các vấn đề đường hô hấp. Khi dịch axit trào ngược lên tới đường hô hấp gây viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản, nghiêm trọng hơn là viêm phổi,… Lúc này bạn sẽ gặp phải các triệu chứng như chảy nước mũi liên tục, thở khò khè, khàn giọng, ho,…
4. Lời khuyên từ chuyên gia về điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Đối với bệnh trào ngược dạ dày thực quản, điều đầu tiên bạn cần nắm được là không thể coi nhẹ bệnh và nghĩ bệnh là “cỏn con”. Khi gặp phải các triệu chứng đầu tiên của bệnh như ợ hơi, ợ chua, khó nuốt, buồn nôn,… ở mức độ nhẹ có thể chưa cần điều trị mà tập trung vào việc thay đổi chế độ ăn lành mạnh và điều chỉnh lối sống điều độ.
Với trường hợp triệu chứng bệnh không được thuyên giảm, bạn cần thăm khám chuyên khoa tiêu hóa, thực hiện nội soi dạ dày thực quản khi có chỉ định để được chẩn đoán chính xác về bệnh. Có chẩn đoán đúng mới có thể lên đúng phác đồ điều trị, xử lý bệnh tận cùng và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng.
Lưu ý, người bệnh trào ngược axit dạ dày thực quản không tự ý điều trị tại nhà bằng việc mua thuốc không theo đơn kê của bác sĩ hoặc áp dụng theo các biện pháp chữa trị dân gian không có cơ sở. Điều này có thể khiến bệnh tình thêm nghiêm trọng và tăng nguy cơ biến chứng và gây khó khăn hơn cho việc điều trị về sau.