Mỗi năm nước ta có tới 165.000 ca mắc ung thư và hơn 70.000 trường hợp đã tử vong. Trong số này, ung thư đường tiêu hóa chiếm số lượng lớn và có nguy cơ gây tử vong cao. Tuy nhiên, bệnh có thể kịp thời điều trị nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Chính vì vậy, tầm soát ung thư tiêu hóa ngày càng trở nên cần thiết và được nhiều người lựa chọn. Cùng tìm hiểu đầy đủ về kiến thức tầm soát ung thư tiêu hóa qua bài viết này!
Menu xem nhanh:
1.Vai trò của tầm soát ung thư tiêu hóa?
1.1 Tầm soát ung thư tiêu hóa là gì?
Tầm soát ung thư tiêu hóa là việc sử dụng toàn bộ những phương pháp khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm để phát hiện các mầm mống ung thư ngay cả khi chưa có dấu hiệu. Tầm soát ung thư tiêu hóa được khuyến cáo nên thực hiện ít nhất mỗi năm một lần.
1.2 Đối tượng nên tầm soát ung thư đường tiêu hóa
Tầm soát ung thư tiêu hóa không phân biệt đối tượng, tuy nhiên nhóm người dưới đây có nguy cơ mắc cao hơn:
- Người >40 tuổi có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.
- Người mắc các bệnh di truyền hoặc người thân trong gia đình mắc bệnh liên quan đến ung thư dạ dày, ung thư đại tràng hoặc ung thư thực quản.
- Người có thế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu lành mạnh
- Những người mắc các vấn đề sức khỏe sau: Polyp, viêm loét dạ dày/ đại tràng, có vi khuẩn HP,…
1.3 Tại sao cần tầm soát ung thư tiêu hóa?
Ung thư đường tiêu hóa nằm trong top 4 nhóm bệnh ung thư nguy hiểm nhất hiện nay. Cũng giống như những bệnh ung thư khác, khi phát hiện bệnh càng sớm thì tỉ lệ điều trị khỏi bệnh càng cao. Ví dụ như ung thư dạ dày tỷ lệ sống sót sau 5 năm là hơn 90%, nhưng nếu phát hiện muộn hơn thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ còn lại là 28%. Trong trường hợp ung thư đã di căn thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ còn lại là 4%.
Do đó khi tiến hành tầm soát ung thư, người bệnh sẽ phát hiện các dấu hiệu cũng như những bất thường có khả năng phát triển thành ung thư. Để từ đó đưa ra phương pháp điều trị kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm đau đớn cho người bệnh.
2. Các phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm ung thư tiêu hóa
2.1 Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu góp phần phát hiện ung thư nhờ vào các protein đặc biệt do tế bào ung thư sinh ra hoặc các hormone.
- Nếu chỉ số CEA tăng cao có thể dẫn đến ung thư đại trực tràng
- Chỉ số AFP tăng cao có thể dẫn đến nguy cơ ung thư gan
- CA19-9 là chỉ số góp phần phát hiện ung thư tụy
- Chỉ số CYFRA 21 để xét nghiệm ung thư phổi
- Chỉ số CA 125 giúp phát hiện ung thư buồng trứng
Riêng các chỉ số này chưa thể đánh giá chính xác liệu người khám có mắc ung thư hay không mà còn phải kết hợp thêm các chẩn đoán hình ảnh và khám lâm sàng khác để phát hiện ung thư.
2.2 Chụp X-Quang
X-Quang là một loại bức xạ năng lượng cao. Khi tiến hành chụp X-quang máy sẽ phát ra các chùm tia X giúp xuyên qua các mô mềm cũng như các phần dịch trong cơ thể một cách nhanh chóng. Thông qua đó tạo nên hình ảnh sắc nét và rõ ràng giúp cho bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh dễ dàng hơn. Tuy nhiên với các mô đặc như ở xương sẽ cản trở tia X gây khó khăn trong việc chụp lại hình ảnh. Việc thực hiện chụp X-Quang là những chỉ định cần thiết trong chẩn đoán nhiều bệnh tật, đặc biệt là các bệnh liên quan đến hô hấp, xương khớp và tim mạch.
2.3 Nội soi NBI
Đây là phương pháp nội soi với dải tần ánh sáng hẹp hoạt động dựa trên nguyên tắc sử dụng hệ thống kính lọc và các bộ phân tích xử lý (R/G/B filter) để cho ra ánh sáng với bước sóng 415nm và 540nm. Dải tần ánh sáng này đi xuyên, tập trung sâu vào lớp dưới niêm mạc để đánh giá mức độ tổn thương (nếu có) trên bề mặt niêm mạc của các cơ quan cần nội soi. Đồng thời phát hiện những bất thường và dấu hiệu ung thư sớm tại cơ quan được thăm dò.
2.4 Chụp cộng hưởng từ MRI
Chụp cộng hưởng từ MRI được biết đến là một kỹ thuật chẩn đoán y khoa giúp tạo ra những hình ảnh thông qua việc sử dụng từ trường và sóng radio. Đây là một trong những phương pháp hiện đại giúp chúng ta quan sát tốt nhất những hình ảnh lớp cắt của các bộ phận từ nhiều giác độ. Máy MRI có thể chụp rất kỹ vùng xương chậu và giúp bác sĩ đánh giá mức độ của bệnh nhân nếu chẩn đoán ung thư đại trực tràng. Phương pháp này được đánh giá cao bởi sự an toàn cho bệnh nhân, có thể thực hiện được đối với cả phụ nữ mang thai.
2.5 Sinh thiết
Sinh thiết là kỹ thuật xâm nhập nhỏ và tối thiểu được áp dụng đối với các bệnh nhân phát hiện khối u hoặc polyp trong cơ thể. Ở đó các bác sĩ sẽ dùng kim để lấy một phần mẫu bệnh phẩm nghi ngờ mang đi giải phẫu. Đây là một phương pháp bổ trợ hiệu quả cho việc tầm soát ung thư nói chung và tầm soát ung thư tiêu hóa nói riêng.
3. Lưu ý khi tầm soát ung thư đường tiêu hóa
Khi tham gia tầm soát ung thư đường tiêu hóa bạn nên chú ý đến những điều sau:
- Mặc đồ thoải mái, dễ chịu để tiện lợi cho quá trình thăm khám
- Trước khi tầm soát ung thư hãy lắng nghe tư vấn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế xem sức khỏe của bản thân có phù hợp để thực hiện hay không
- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bệnh lý và những loại thuốc đang sử dụng cho bác sĩ
- Lựa chọn cơ sở uy tín để tham gia tầm soát ung thư
Và đừng quên, tham gia tầm soát định kỳ ít nhất 1 lần/ năm để sở hữu cơ thể khỏe mạnh. Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích liên quan đến tầm soát ung thư đường tiêu hóa. Chúc các bạn thật nhiều sức khỏe!