Đột quỵ não hay còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là căn bệnh gây tử vong đứng hàng thứ hai và gây tỷ lệ tàn phế đứng hàng thứ 3 trên toàn cầu. Cùng nhận biết đột quỵ não qua khái niệm, dấu hiệu, yếu tố nguy cơ, cách đánh giá và điều trị đột quỵ trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Bạn hiểu thế nào là đột quỵ?
Đột quỵ xảy ra do sự gián đoạn đột ngột và cục bộ của dòng máu lên não, dẫn tới tổn thương thần kinh.
Đột quỵ gồm 2 dạng là thiếu máu cục bộ và chảy máu.
– Thiếu máu cục bộ: đây là dạng đột quỵ chủ yếu xảy ra (chiếm khoảng 80% các ca đột quỵ não). Điển hình nhất là do huyết khối (cục máu đông) gây tắc mạch.
– Chảy máu: dạng đột quỵ này ít xảy ra (chiếm khoảng 20% trên tổng số ca đột quỵ não) nhưng diễn biến nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao. Chủ yếu xảy ra do vỡ mạch máu não (chảy máu dưới nhện, chảy máu bên trong sọ não).
Ngoài ra, có một kiểu đột quỵ não thoáng qua hay được gọi là cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA): với các triệu chứng kéo dài dưới 1 giờ mà không có bằng chứng nhồi máu não cấp (căn cứ dựa trên cộng hưởng từ MRI xung khuếch tán), nên không được xếp vào đột quỵ thật sự.
Đột quỵ xảy ra có liên quan đến các động mạch của não, vòng tuần hoàn trước, vòng tuần hoàn sau.
Nhiều người hay bị nhầm lẫn khái niệm đột quỵ và đột tử. Nhưng đột tử thường bao hàm rộng hơn và khi nhắc đến đột tử, người ta thường nghĩ đến bệnh nhồi máu cơ tim cấp.
2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Đột quỵ là bệnh lý thuộc hệ thần kinh vô cùng nguy hiểm. Có rất nhiều nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ não. Theo một số chuyên gia có thể nhóm các nguyên nhân gây đột quỵ não thành 3 nhóm chính như sau:
2.1 Đột quỵ não do thói quen ăn uống, lối sống chưa khoa học
– Hút thuốc lá
– Lạm dụng bia, rượu
– Ăn nhiều đồ ăn chiên, rán, đồ ăn nhanh
– Dư cân, béo phì
– Ít vận động
– Hay lo âu, căng thẳng
2.2 Đột quỵ não do bệnh lý bên trong não
Dị dạng mạch máu não
Bất thường ở mạch máu não (dị dạng) có thể làm xuất hiện các túi phình tại mạch máu não. Các túi phình này chứa máu và ngày càng to dần, đến một giai đoạn nào đó túi phình căng hết cỡ hoặc do tác động bên ngoài (chấn thương) túi phình mạch não sẽ vỡ ra, gây đột quỵ chảy máu não.
Huyết khối xoang tĩnh mạch
Huyết khối hay cục máu đông trong xoang tĩnh mạch có thể gây cản trở máu lưu thông nuôi các tế bào não, gây đột quỵ thiếu máu não hoặc đột quỵ xuất huyết não.
Để phòng tránh đột quỵ não xảy ra, cách hữu hiệu là nhận biết sớm các nguyên nhân, hoặc yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, sau đó kiểm soát chúng. Giải pháp đó là thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ. Thông qua tầm soát, bác sĩ sẽ phát hiện được vấn đề sức khỏe bất thường làm gia tăng nguy cơ gây đột quỵ, từ đó khuyên người bệnh nên thay đổi lối sống hoặc thực hiện điều trị, kiểm soát, tái khám định kỳ để theo dõi.
2.3 Đột quỵ não do bệnh lý khác ngoài não
Điển hình là các bệnh lý tim mạch như rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng,… và nhiều bệnh lý khác như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh tiểu đường,… Nếu những bệnh lý này không được phát hiện sớm và có biện pháp kiểm soát hoặc điều trị hiệu quả, rất dễ hình thành các cụ máu đông chèn ép gây tắc mạch máu não hoặc xuất huyết não.
Bên cạnh đó, một số người có chứa các yếu tố nguy cơ cao dưới dây cũng dễ bị đột quỵ:
– Người từng bị đột quỵ trước đó
– Tuổi cao
– Yếu tố di truyền (tiền sử gia đình có người đột quỵ).
3. Nhận biết các dấu hiệu đột quỵ
Tê yếu các chi và mặt
Đau đầu
Chóng mặt
Mất thăng bằng phối hợp các động tác
Rối loạn ngôn ngữ: loạn ngôn, thất ngôn
Rối loạn nhận thức: lú lẫn
Rối loạn thị giác ở một hoặc cả hai mắt
Các triệu chứng này còn phụ thuộc vào vị trí nhồi máu não hoặc chảy máu não.
Ngoài các triệu chứng thần kinh, một số biểu hiện khác cũng thường gợi ý đột quỵ như:
– Đau đầu dữ dội và đột ngột (thường gợi ý tình trạng chảy máu dưới nhện).
– Suy giảm nhận thức hoặc hôn mê, thường kèm theo đau đầu, buồn nôn, nôn (thường gợi ý tăng áp lực nội sọ hoặc thoát vị não).
4. Biến chứng nguy hiểm
Đột quỵ não vô cùng nguy hiểm bởi tỷ lệ tử vong cao khoảng 50%. Có đến gần 90% người bệnh sống sót sau đột quỵ não phải chung sống với di chứng liệt vận động và nhiều di chứng khác như rối loạn giấc ngủ, rối loạn chức năng nuốt, trầm cảm,…
Đã có rất nhiều người sau khi trải qua cơn đột quỵ bị liệt vận động, nên phải nằm nhiều dẫn đến nhiều biến chứng như: gia tăng các cục máu đông gây tắc mạch, nhiễm trùng tiết niệu, loét do tỳ đè, co cứng cơ, suy kiệt, trầm cảm,…
Rất nhiều người sau tai biến (đột quỵ) không tự chăm sóc được bản thân, phải nhờ sự trợ giúp một phần hoặc phụ thuộc hoàn toàn và người khác.
5. Đánh giá đột quỵ
Khi có biểu hiện nghi ngờ đột quỵ cần cho người bệnh đến ngay cơ sở y tế. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng để nhận biết:
Có phải đột quỵ hay không.
Đột quỵ loại thiếu máu não hay chảy máu não.
Sau đó đưa ra biện pháp xử trí kịp thời, dự phòng đột quỵ tái phát và phục hồi chức năng cho bệnh nhân.
Nếu nghi ngờ đột quỵ, các bác sĩ sẽ yếu cầu tiến hành chẩn đoán hình ảnh hệ thần kinh như chụp CT- scanner, chụp cộng hưởng từ MRI. So với chụp CT (cắt lớp vi tính) thì chụp MRI (cộng hưởng từ) có ưu việt hơn, tuy nhiên trong trường hợp cấp cứu khẩn cấp thì chụp CT được thực hiện nhanh chóng hơn nên vẫn được ưu tiên sử dụng.
Bên cạnh đo các xét nghiệm và phương pháp thăm dò chức năng khác có thể được áp dụng cùng để hỗ trợ quá trình chẩn đoán nhanh chóng và chính xác, giúp bác sĩ đưa ra chiến lực điều trị tốt nhất cho người bệnh.
6. Điều trị đột quỵ
Mục tiêu của điều trị đột quỵ là trước hết phải ổn định tình trạng bệnh nhân trước khi tiến hành đánh giá toàn diện.
Tiếp đó là tái tưới máu trong trường hợp tai biến do thiếu máu não, ngăn chặn tình trạng xuất huyết trong trường hợp tai biến chảy máu não.
Xây dựng các biện pháp chăm sóc hỗ trợ, điều chỉnh các tình trạng bệnh đi kèm và điều trị các biến chứng.
Đưa ra chiến lược dự phòng đột quỵ tái phát.