Những điều cần biết về đột quỵ não

Tham vấn bác sĩ

Đột quỵ não có nguy cơ gây tử vong và tàn phế rất cao nếu bệnh nhân không được cấp cứu trong “giờ vàng” (khoảng 3 – 4,5 giờ) sau khi có những dấu hiệu đột quỵ đầu tiên. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa có thông tin và kiến thức về căn bệnh này. Cùng tìm hiểu về bệnh đột quỵ qua bài viết sau đây để có thể nhận diện và xử trí đúng. 

1. Đột quỵ não là gì?

Đột quỵ não hay tai biến mạch máu não là một biến cố thần kinh nguy hiểm mà ai cũng cảm thấy “dè chừng” khi nhắc tới. Đây là tình trạng một phần não bộ đột ngột bị tổn thương do mạch máu nuôi não bị tắc (trong nhồi máu não) hoặc bị vỡ (trong xuất huyết não).

Khi đột quỵ xảy ra, phần não không được cung cấp máu sẽ bị thiếu oxy, tế bào não có thể bị chết chỉ sau vài phút. Các nghiên cứu cho thấy, cứ mỗi phút trôi qua trong cơn đột quỵ sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị chết đi và làm người bệnh già hơn khoảng 3 tuần tuổi. Người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh những hậu quả đáng tiếc như liệt, hôn mê và thậm chí tử vong.

Tại Việt Nam, đột qụy là một trong những là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Bên cạnh đó nguy cơ tàn phế cao khiến bệnh nhân trở thành “gánh nặng” về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo số liệu mới nhất của Hội Đột qụy Thế giới thì cứ 6 người sẽ có 1 người bị đột qụy. Ở Việt Nam, số người đột quỵ mỗi năm là khoảng 200.000 người, tỷ lệ tử vong do đột qụy khoảng 20% (ở nam giới là 18% và ở nữ giới là 23%).

Đột quỵ não là bệnh như thế nào?

Đột quỵ xảy ra khi não không được cung cấp máu đầy đủ, khiến các tế bào não hoại tử.

2. Dấu hiệu đột quỵ

Đột quỵ có thể xảy ra đột ngột mà không có bất cứ một triệu chứng nào, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp sẽ có những dấu hiệu cảnh báo, biểu hiện khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên, cho đến nay, F.A.S.T vẫn là quy tắc nhận diện đột quỵ cơ bản và được sử dụng nhiều nhất, bao gồm các triệu chứng:

– Liệt mặt (F – Face): Miệng bệnh nhân bị méo, lệch sang một bên, các nếp nhăn mũi – má mờ

– Yếu, liệt tay (A – Arm): Bệnh nhân không thể cầm, nắm, không giơ tay lên cao được, nhiều người không đi lại được.

– Rối loạn ngôn ngữ (S – Speech): Là tình trạng người bệnh đột nhiên không nói được hoặc lời nói không rõ… như trước đó.

– Thời điểm phát bệnh (Time): Khi gặp những triệu chứng trên nguy cơ đột quỵ thường khoảng 90 – 95%, vì vậy cần gọi cấp cứu để đưa người bệnh đi cấp cứu ngay. Người bệnh hoặc người nhà cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để báo với nhân viên y tế.

Thực tế có những người bệnh có thể gặp cơn thiếu máu não thoáng qua. Các triệu chứng giống hệt đột quỵ nhưng xảy ra trong thời gian ngắn, chỉ khoảng vài phút. Đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo đột quỵ quan trọng. Những người bị thiếu máu não thoáng qua có thể gặp cơn đột quỵ trong vòng vài ngày hoặc một tháng sắp tới.

Những dấu hiệu đột quỵ có thể đến và qua đi rất nhanh, bởi vậy bạn không nên chủ quan với bất cứ thay đổi nhỏ nào của cơ thể. Nên chủ động đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt khi có bất thường.

3. Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ, bao gồm các yếu tố không thể thay đổi và các yếu tố thay đổi được.

3.1 Các yếu tố không thể thay đổi dẫn đến đột quỵ não

– Tuổi tác: Người già thường có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ. Đặc biệt, kể từ sau tuổi 55, nguy cơ bị đột quỵ tăng lên gấp đôi sau mỗi 10 năm.

– Giới tính: Trên thế giới, phụ nữ có nguy  cơ đột quỵ cao hơn năm giới. Ở Việt Nam điều này ngược lại.

– Tiền sử gia đình: Nếu một người có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ, nguy cơ bị đột quỵ của người đó sẽ cao hơn người bình thường.

– Chủng tộc: Nguy cơ đột quỵ ở những người Mỹ gốc Phi cao gần gấp đôi so với người da trắng.

Triệu chứng đột quỵ

Người bị đột quỵ thường bị méo miệng, méo lệch mặt, yếu liệt tay chân

3.2 Các yếu tố bệnh lý làm gia tăng nguy cơ đột quỵ não

– Tiền sử đột quỵ

Người có tiền sử bị đột quỵ có nguy cơ tái phát cao, nhất là trong vòng vài tháng đầu sau đột quỵ. Nguy cơ này thường kéo dài khoảng 5 năm và giảm dần theo thời gian.

– Đái tháo đường

Các vấn đề liên quan đến đái tháo đường cũng có khả năng làm tăng nguy cơ đột quỵ.

– Bệnh tim mạch

Nguy cơ đột quỵ ở những người mắc các bệnh lý tim mạch sẽ cao hơn người bình thường.

– Cao huyết áp

Cao huyết áp gây gia tăng sức áp lực lên thành động mạch, khiến thành mạch bị tổn thương. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc cả 2 loại đột quỵ.  dẫn đến xuất huyết não. Bên cạnh đó, cao huyết áp cũng gây hình thành các cục máu đông hình thành, cản trở quá trình lưu thông máu lên não.

– Mỡ máu

Lượng mỡ dư thừa có thể tích tụ trên thành động mạch, tạo thành vật cản gây tắc nghẽn mạch máu não.

– Thừa cân, béo phì

Người bị thừa cân béo phì dễ bị các bệnh như cao huyết áp, mỡ máu, tim mạch, từ đó tăng nguy cơ bị đột quỵ.

– Hút thuốc

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hút thuốc làm tăng 2 lần nguy cơ bị đột quỵ. Bởi khói thuốc làm tổn thương thành mạch máu, thúc đẩy quá trình xơ cứng động mạch. Thuốc lá cũng gây hại cho phổi, khiến tim làm việc nhiều hơn, gây tăng huyết áp.

– Lối sống không lành mạnh

Ăn uống không điều độ, không cần bằng đầy đủ các loại dưỡng chất, sử dụng các chất kích thích, uống quá nhiều rượu… cũng là những thói quen xấu là có liên quan đột quỵ.

Chẩn đoán, phòng ngừa đột quỵ

Khám và điều trị sớm các bệnh lý nội thần kinh có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ não.

4. Cần làm gì khi thấy người bị đột quỵ?

Gọi cấp cứu 115 là việc đầu tiên bạn cần làm khi nghi ngờ 1 người bi đột quỵ. Bởi 3 – 4,5 giờ đầu được coi là “thời gian vàng” để cứu sống bệnh nhân đột quỵ. Trong thời gian chờ đợi, hãy để người bệnh nằm yên, nghiêng đầu về một bên nếu người bệnh nôn. Làm như vậy có thể tránh việc chất nôn đi vào phổi.

Sau đó, hãy quan sát xem người bị đột quỵ tỉnh hay hôn mê để có cách xử trí phù hợp.

– Nếu người bị đột quỵ vẫn tỉnh hoặc lơ mơ, hay hôn mê nhưng vẫn thở bình thường, hãy trấn an họ, nhắc họ hít sâu và thở chậm. Nếu người bệnh có ói mửa, cần để đầu nghiêng sang một bên, lấy hết chất ói mửa từ mũi và miệng.

– Nếu người đột quỵ bị ngưng thở, cần hô hấp nhân tạo nhằm kịp thời cung cấp oxy cho não và kéo dài thời gian.

Khi xe cấp cứu đến, hãy đưa người bị đột quỵ đến cơ sở khám chữa bệnh theo sự hỗ trợ của nhân viên y tế.

Tại cơ sở y tế, người bệnh sẽ được thực hiện các chẩn đoán nhằm xác định loại đột quỵ não và mức độ tổn thương của não, từ đó quyết định phương pháp điều trị phù hợp. Mục tiêu chính của việc điều trị là tái thông mạch máu càng sớm càng tốt. Những người đến bệnh viện sớm trong giờ vàng (dưới 4,5 giờ sau khi bị đột quỵ) sẽ được điều trị bằng thuốc tan cục máu đông. Những người đến bệnh viện dưới 6 giờ sau khi bị đột quỵ thường được lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học .

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital