Nội soi lấy sỏi là phương pháp điều trị can thiệp ngoại khoa ít xâm lấn, an toàn và hiệu quả giúp loại bỏ nhanh chóng các loại sỏi tiết niệu, chấm dứt các triệu chứng khó chịu và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.
Menu xem nhanh:
1. Sỏi tiết niệu là gì?
Sỏi tiết niệu là sự kết tinh của các tinh thế khoáng chất trong nước tiểu bị lắng đọng lâu ngày. Sỏi đa phần được hình thành ở thận. Sau đó chúng theo dòng chảy nước tiểu di chuyển xuống các vị trí thấp của hệ niệu. Sỏi tiết niệu bao gồm sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi niệu quản và sỏi niệu đạo.
Căn cứ theo thành phần hóa học, sỏi tiết niệu bao gồm sỏi calcium, sỏi oxalat, sỏi phosphat, sỏi acid uric và sỏi cystin. Trong đó sỏi calcium chiếm 85% trong tổng số các trường hợp sỏi đường tiết niệu. Sỏi phosphat là sỏi có kích thước lớn, hình san hô và chiếm từ 5-15% tổng số các ca bệnh.
2. Vì sao cần điều trị lấy sỏi tiết niệu?
Kích thước sỏi tiết niệu quyết định mức độ nguy hiểm của bệnh. Thông thường, nếu được phát hiện sớm, sỏi hoàn toàn có thể làm sạch dễ dàng và không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, khi sỏi kích thước quá lớn sẽ gây nhiều biến chứng xấu cho sức khỏe:
– Ứ nước tiểu, giãn đài bể thận và thận ứ nước: sỏi xuất hiện làm cản trở sự bài tiết của nước tiểu dẫn đến tình trạng đường niệu bị ứ trệ và phì đại gây giãn đài bể thận và làm suy giảm chức năng thận.
– Nhiễm trùng đường tiết niệu: cùng với việc ứ đọng nước tiểu, sự di chuyển của sỏi có thể cọ xát vào niêm mạc đường niệu gây tổn thương, chảy máu và nhiễm trùng. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn tấn công đường niệu. Nếu kết hợp cùng ứ niệu có thể gây hoại tử thận, thận ứ mủ, nhiễm khuẩn huyết.
– Viêm khe thận mạn tính: khi sỏi tiết niệu mắc vào các khe thận có thể gây viêm kéo gây xơ hóa thận, tăng huyết áp.
– Suy thận cấp và mãn tính: đây có thể coi là biến chứng nặng nề nhất của sỏi tiết niệu.
– Vỡ thận: thận ứ nước quá lâu hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng sẽ bị sưng viêm. Điều này có thể gây vỡ thận đột ngột và dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
3. Các phương pháp nội soi lấy sỏi tiết niệu
Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của y học, nhiều phương pháp nội soi lấy sỏi ít xâm đã và đang được ứng dụng trong điều trị sỏi tiết niệu, thay thế hoàn toàn phương pháp mổ hở kinh điển.
3.1. Nội soi lấy sỏi qua da đường hầm nhỏ bằng laser
Đây là phương pháp nội soi lấy sỏi thông qua một đường hầm nhỏ từ bên ngoài da vào vị trí có sỏi. Đường hầm này có kích thước chỉ khoảng 5mm đủ để đưa máy nội soi vào tìm vị trí của sỏi. Sau đó sử dựng năng lượng từ tia laser “bắn phá” sỏi thành những nhỏ. Những mảnh sỏi vụn sẽ hút ra ngoài cơ thể thông qua đường hầm.
Phương pháp áp dụng cho người bệnh có sỏi thận kích thước >15mm và sỏi niệu quản vị trí ⅓i kích thước >15mm.
Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ là phương pháp lấy sỏi xâm lấn tối thiểu nhất, thường được chỉ định cho các trường hợp sỏi to, sỏi phức tạp như sỏi san hô…thay thế hoàn toàn cho mổ mở. Tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ có ưu thế là ít đau, ít chảy máu nên hạn chế được tối đa các biến chứng trong và sau khi mổ. Người bệnh chỉ cần nằm viện 3 ngày là được xuất viện có thể quay trở lại làm việc bình thường khoảng 1 tuần sau tán sỏi.
Tuy nhiên phương pháp này không thực hiện được cho người bệnh bị suy giảm chức năng thận; người bệnh bị viêm đường tiết niệu; phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ…
3.2. Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser
Tán sỏi ngược dòng bằng laser là phương pháp làm sạch sỏi theo đường “tự nhiên”. Bác sĩ dùng ống nội soi niệu quản đi từ niệu đạo đến bàng quang hoặc niệu quản để tiếp cận trực tiếp viên sỏi. Sau đó sử dụng nguồn năng lượng laser tán vụn sỏi. Tiến hành bơm rửa và gắp hết các vụn sỏi ra ngoài có thể.
Phương pháp thực hiện khi:
– Người bệnh có sỏi niệu quản mọi kích thước ở vị trí ⅓ giữa và ⅓ dưới..
– Người bệnh có sỏi bàng quang >10mm hoặc sỏi bàng quang <10mm nhưng không thể di chuyển xuống vị trí thấp hơn của đường niệu để đi ra ngoài.
– Tán sỏi ngược dòng bằng laser là phương pháp can thiệp lấy sỏi không cần phẫu thuật nên không có vết mổ, không chảy máu và không để lại sẹo. Người bệnh nằm viện 1 ngày và có thể sớm quay trở lại sinh hoạt và làm việc bình thường.
Phương pháp này không thực hiện cho người bệnh bị suy giảm chức năng thận; người bệnh nhiễm trùng đường niệu đang điều trị hoặc điều trị chưa dứt điểm hoặc người bệnh bị hẹp hay gấp khúc niệu quản.
3.3. Nội soi tán sỏi bằng ống mềm
Tương tự như nội soi tán sỏi ngược dòng, tán sỏi nội soi ống mềm cũng là kỹ thuật làm sạch sỏi theo đường “tự nhiên”. Bác sĩ sử dụng ống soi mềm đi từ niệu đạo qua bàng quang lên niệu quản – bể thận, vào các đài thận để tiếp cận sỏi. Sau đó kết hợp với nguồn năng lượng từ tia laser “bắn phá” sỏi thành những mảnh nhỏ rồi hút bỏ ra ngoài.
Phương pháp thực hiện cho người bệnh có sỏi thận kích thước <25mm.
Nội soi lấy sỏi bằng ống soi mềm là kỹ thuật hiện đại, làm sạch sỏi nhanh chóng, không vết mổ, không đau, không chảy máu và bảo tồn tối đa chức năng thận. Người bệnh sớm xuất viện (khoảng 2 ngày), phục hồi sức khỏe nhanh và sớm trở lại cuộc sống sinh hoạt và làm việc.
Tuy nhiên, phương pháp này chống chỉ định với người bệnh có niệu quản hẹp hoặc gấp khúc hoặc hệ tiết niệu dị dạng không đặt được máy nội soi; Người bệnh bị viêm đường niệu đang điều trị hoặc điều trị chưa dứt điểm.
3.4. Nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản
Phẫu thuật nội soi sau phúc mạc là phương pháp phẫu thuật sử dụng ống nội soi đi qua đường sau phúc mạc vào vị trí có sỏi rồi tiến hành lấy sỏi thông qua lỗ Trocar.
Phương pháp thực hiện cho người bệnh có sỏi niệu quản nằm sát bể thận hoặc sỏi thận có kích thước lớn >25mm mà không thực hiện được tán sỏi qua da hay tán sỏi ngược dòng.
Với nội soi sau phúc mạc lấy sỏi, người bệnh sẽ không phải chịu nhiều đau đớn hay bị mất quá nhiều máu vì vết mổ nhỏ, ngắn chỉ khoảng 10mm. Nguy cơ xảy ra các biến chứng sau phẫu thuật thấp hơn rất nhiều như khi mổ hở. Người bệnh nằm viện từ 3-5 ngày để theo dõi sức khỏe và có thể sớm trở lại với cuộc sống ngày thường.
Tuy nhiên phương pháp này thường là lựa chọn cuối khi các phương pháp tán sỏi ít xâm lấn trên không có hiệu quả.
4. Biến chứng sau nội soi lấy sỏi
Nội soi lấy sỏi là kỹ thuật can thiệp ngoại khoa an toàn, hiệu quả nhưng người bệnh vẫn có thể gặp một vài biến chứng sau phẫu thuật:
– Nguy cơ tổn thương bàng quang, niệu quản hoặc thủng bàng quang, niệu quản do đốt laser nhầm vị trí hoặc bị lan.
– Nguy có tổn thương các cơ quan lân cận quanh khu vực nội soi tán sỏi.
– Thận ứ nước bên tán sỏi, đau thắt lưng và lan xuống bộ phận sinh dục.
– Chảy máu trong và sau mổ, nhiễm trùng sau mổ khi thực hiện tán sỏi qua da hoặc mổ nội soi lấy sỏi sau phúc mạc.
– Sốt nhẹ hoặc nước tiểu có lẫn máu sau điều trị.
– Nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
5. Chăm sóc người bệnh sau nội soi lấy sỏi
Cách chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật nội soi chu đáo và cẩn thận. Bởi điều này quyết định trực tiếp đến thời gian hồi phục sức khỏe, ngăn chặn các biến chứng sau phẫu thuật và hạn chế nguy cơ tái phát sỏi. Người bệnh cần đặc biệt lưu ý:
– Uống nhiều nước là yêu cầu bắt buộc để tăng cường bài tiết nước tiểu và đào thải các cặn, chất còn sót lại ra ngoài.
– Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, mềm dễ tiêu hóa để cải thiện nhu động ruột và hạn chế tình trạng táo bón, tránh gây áp lực lên ổ bụng khi vệ sinh.
– Hạn chế ăn thực phẩm giàu oxalat để ngăn nguy cơ hình thành và kết tinh tạo sỏi; bổ sung thực phẩm giàu canxi để giảm lượng hấp thụ oxalat ở ruột.
– Không ăn các loại thức ăn cứng, khó tiêu; các loại thực phẩm tinh chế, đồ đông lạnh, đồ cay nóng…
– Không hút thuốc lá và dùng đồ uống chứa cồn, gas, caffeine…
Trên đây là những thông tin về các phương pháp nội soi lấy sỏi trong điều trị bệnh sỏi đường tiết niệu. Hy vọng bài viết đã phần nào giúp ích được cho người bệnh hiểu hơn về bệnh cũng như ưu – nhược điểm của các phương pháp. Từ đó lựa chọn phương án điều trị phù hợp nhất với trình trạng sức khỏe của mình.