Bệnh sốt xuất huyết đang lây lan nhanh chóng, có nguy cơ gây tử vong cùng nhiều biến chứng khó lường trên toàn cơ thể và các cơ quan như tim, gan, thận, não. Trong đó, sốt xuất huyết biến chứng vào gan là một tình trạng thường gặp, với biểu hiện đa dạng và cần lưu tâm.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan nhanh do muỗi đốt và gây ra nhiều triệu chứng như sốt, mệt mỏi, buồn nôn, phát ban, đau cơ, đau khớp… Bệnh thường kéo dài từ 2 – 7 ngày nhưng cũng có thể diễn tiến nghiêm trọng, kéo dài thời gian và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Các biến chứng thường gặp và gây nguy hiểm cho bệnh nhân sốt xuất huyết:
– Sốc mất máu, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết nội tạng
– Xuất huyết võng mạc, xuất huyết ở dịch kính
– Suy tim, suy thận
– Các vấn đề về phổi như viêm phổi, tràn dịch màng phổi hoặc phù phổi cấp
– Tụt huyết áp, đau đầu dữ dội
– Xuất huyết não
– Hôn mê do phù não và các hội chứng thần kinh khác
– Sinh non, sảy thai, đặc biệt nếu bị sốt xuất huyết trong những tháng đầu thai kỳ
2. Sốt xuất huyết biến chứng vào gan biểu hiện như thế nào?
Tình trạng tổn thương gan ở người bệnh sốt xuất huyết rất đa dạng và biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, thường bao gồm: tăng men gan, viêm gan cấp, suy gan.
2.1 Tăng men gan ở bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue
Tăng men gan là tình trạng phổ biến ở các bệnh nhân sốt xuất huyết. Các thống kê cho thấy khoảng 65% người mắc sốt xuất huyết có tăng men gan. Trong một số trường hợp men gan có thể tăng lên gấp 20 – 30 lần so với bình thường. Đây là dấu hiệu cho thấy tế bào gan bị tổn thương nghiêm trọng,
Tăng men gan ở người bệnh sốt xuất huyết có thể ở nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng phụ thuộc vào số lượng virus Dengue trong cơ thể. Bởi virus Dengue khi xâm nhập vào cơ thể gây tổn thương trực tiếp đến tế bào gan, hoại tử gan. Ngoài ra, sự có mặt của virus cũng làm gia tăng nồng độ các yếu tố viêm như Interleukin 2 được giải phóng vào gan. Đồng thời phản ứng miễn dịch trong cơ thể cũng có thể tác động, gây tổn thương gan.
Các triệu chứng thường gặp khi tăng men gan gồm:
– Đau bụng, chán ăn, khó chịu, buồn nôn
– Sốt nhẹ, người mệt mỏi
– Đau hạ sườn phải
– Mẩn ngứa trên cơ thể do độc tố tích tụ
– Phân nhạt màu, nước tiểu sẫm
– Vàng da
Khi men gan tăng ít, các triệu chứng này thường không rõ. Để phát hiện tăng men gan, người bệnh cần làm xét nghiệm máu.
2.2 Sốt xuất huyết biến chứng vào gan gây viêm gan cấp
Đây là tổn thương cấp tính thường gặp của bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh các triệu chứng của sốt xuất huyết như sốt cao, mệt mỏi, buồn nôn,… người bệnh có các triệu chứng tổn thương gan như: vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, đau tức hạ sườn phải…
Nếu người bệnh đã bị viêm gan từ trước đó, bệnh có thể tiến triển thành suy gan tối cấp.
2.2 Suy gan do sốt xuất huyết biến chứng vào gan
Suy gan là biến chứng nặng của bệnh nhân sốt xuất huyết, thường đi cùng với tình trạng suy tim, suy thận… hoặc các tạng khác.
Tình trạng cơ thể bị mất máu, cô đặc máu và thoát huyết tương liên tục khiến tim phải hoạt động nhiều hơn và dần suy yếu. Máu cung cấp cho gan không đủ, đồng thời gan phải hoạt động cật lực để đào thải, bài tiết các chất độc hại ra ngoài cơ thể khiến cơ quan này nhanh chóng suy yếu.
Bên cạnh đó, việc điều trị sốt xuất huyết bằng thuốc, mà cụ thể là hạ sốt bằng Paracetamol có thể khiến gan dễ bị tổn thương và suy giảm chức năng.
Không chỉ sốt xuất huyết gây biến chứng gan mật mà tình trạng suy gan, rối loạn khả năng đông máu có thể là một trong những cơ chế gây nên xuất huyết. Và đây là một trong những yếu tố có ý nghĩa tiên lượng trong trường hợp sốt xuất huyết nặng.
3. Cần làm gì khi nghi ngờ biến chứng ở gan do sốt xuất huyết?
Nếu bệnh nhân sốt xuất huyết có biểu hiện đau tức hạ sườn phải, tiểu sẫm màu… thì cần được đưa đến bệnh viện ngay để làm các xét nghiệm đánh giá chức năng gan, siêu âm tổng quát, siêu âm ổ bụng. Việc kiểm tra các chỉ số này nên được chỉ định ngay từ ngày đầu tiên của sốt và đánh giá lại vào ngày thứ 4 – 5 của giai đoạn sốt.
Những trường hợp có tổn thương gan cấp cần được nhập viện sớm để theo dõi và điều trị tích cực.
Khi men gan tăng, tùy theo tình trạng cụ thể mà người bệnh có thể được chỉ định dùng các thuốc hỗ trợ hạ men gan, cải thiện chức năng gan bằng đường uống hay truyền. Sau đó, cần theo dõi nồng độ men gan hàng ngày để kiểm soát tình trạng bệnh.
Bên cạnh đó, cần theo dõi hiệu quả bệnh sốt xuất huyết, cũng như ngăn biến chứng có thể xảy. Người bệnh có thể thực hiện các xét nghiệm như: tổng phân tích máu 32 chỉ số; xét nghiệm Dengue Fever (NS1, IgG, IgM); định lượng Glucose máu; xét nghiệm chức năng gan (AST, ALT), xét nghiệm chức năng thận (Ure, Creatinin); điện giải đồ (Na, K, Cl); albumin, CRP…
Trường hợp bệnh nặng, có thể cần sự phối hợp điều trị của các bác sĩ chuyên khoa Gan mật.
4. Cách hạn chế tổn thương gan do sốt xuất huyết
Như đã nói ở trên việc tự ý sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol không đúng cách và quá liều lượng có thể gây tác dụng phụ làm tăng men gan.
Để hạn chế tổn thương cho gan, khi bị sốt thì người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc hạ sốt mà cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và kê đơn thuốc phù hợp.
Bệnh sốt xuất huyết càng nặng thì nguy cơ tổn thương gan càng cao. Do vậy, khi bị sốt xuất huyết, người bệnh cần thăm khám và điều trị sớm theo phác đồ của bác sĩ, tránh bệnh chuyển nặng và gây biến chứng.
Trên đây là những thông tin về tình trạng tổn thương gan ở người bệnh sốt xuất huyết. Hi vọng người bệnh sẽ chủ động và tích cực điều trị sốt xuất huyết để ngăn ngừa biến chứng này, bảo vệ sức khỏe.