Mất ngủ đau đầu là hiện tượng không còn quá xa lạ với nhiều người và đang trở nên ngày càng phổ biến. Điều đáng nói, nếu tình trạng này kéo dài có thể gây ra những mối nguy đối với sức khỏe người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Mối liên hệ giữa bệnh đau đầu và mất ngủ
Mất ngủ và đau đầu có thể là hai căn bệnh hoàn toàn tách biệt nhau nhưng lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người bệnh bị đau đầu có thể dẫn đến mất ngủ và ngược lại.
Bệnh đau đầu thường có các biểu hiện rõ rệt với những cơn đau nhức đầu, đau nửa đầu, cảm giác dây thần kinh luôn trong trạng thái căng thẳng, cảm nhận rõ dòng máu vận chuyển lên não với những cơn đau dồn dập hoặc ngắt quãng. Từ đó gây ra cảm giác khó chịu, trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ, giấc ngủ chập chờn.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bệnh mất ngủ làm tăng quá trình tạo protein trong cơ thể. Các protein này làm giảm ngưỡng đau và gây ra hiện tượng đau đầu, kéo theo đó là chứng khó ngủ, thiếu ngủ.
Mối liên hệ này tạo thành một vòng lặp lại nếu người bệnh không được giải quyết dứt điểm. Nhiều trường hợp, mất ngủ, đau đầu còn có thể là triệu chứng biểu hiện của cùng một bệnh lý, gây cho người bệnh rất nhiều khó chịu.
Chứng đau đầu mất ngủ nếu kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới não bộ mà còn khiến sức khỏe người bệnh sa sút nghiêm trọng.
2. Có những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng mất ngủ đau đầu?
Các nguyên nhân gây đau đầu, mất ngủ có thể kể đến như:
2.1 Tuần hoàn máu não kém
Tuần hoàn máu não kém được coi là “thủ phạm” chính gây ra căn bệnh đau đầu, kéo theo mất ngủ. Tuần hoàn máu lên não kém thường xảy ra khi thành mạch máu bị tổn thương. Lúc này, sự hình thành xơ vữa động mạch và huyết khối có thể gây hẹp lòng mạch, làm chậm quá trình vận chuyển của máu. Cùng với đó, lượng oxy và các chất dinh dưỡng để nuôi não bộ cũng bị giảm đáng kể. Người bệnh có thể gặp phải tình trạng hoa mắt, đau đầu, chóng mặt, choáng váng khi thay đổi tư thế.
2.2 Tuổi tác
Tuổi tác cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh mất ngủ đau đầu. Theo nghiên cứu, người có độ tuổi càng cao thì càng dễ mắc chứng bệnh này. Bởi để duy trì nhịp sinh học thức – ngủ của cơ thể (giúp cơ thể dễ đi vào giấc ngủ buổi tối và được đánh thức vào buổi sáng) thì cần đến một loại hormone có tên là melatonin. Tuy nhiên, melatonin lại có xu hướng giảm dần theo thời gian và tuổi tác.
2.3 Căng thẳng, stress
Mất ngủ là hệ quả của tình trạng thường xuyên căng thẳng, stress do hệ thần kinh phải hoạt động liên tục, không được nghỉ ngơi. Khi người bệnh bị căng thẳng sẽ rất khó để chợp mắt khiến hệ thần kinh không thể tái tạo năng lượng cho một ngày mới. Do vậy mà tình trạng căng thẳng lại tiếp tục xảy ra tạo thành một vòng luẩn quẩn, gây đau đầu và mất ngủ nghiêm trọng.
2.4 Mệt mỏi mạn tính
Mệt mỏi mạn tính khiến người bệnh luôn cảm thấy uể oải, kém tập trung, thiếu năng lượng, thường xuyên mất ngủ… Vấn đề này nếu kéo dài trên 4 tháng và không có dấu hiệu suy giảm sẽ dẫn đến bệnh đau đầu mất ngủ, kéo theo đó là nhiều bệnh lý tiềm ẩn nguy hiểm khác.
3. Những nguy hiểm tiềm ẩn đằng sau chứng mất ngủ đau đầu
Nếu người bệnh thường xuyên cảm thấy đau nhức đầu, khó ngủ, ngủ không ngon giấc. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số mối nguy hiểm tiềm ẩn sau:
3.1 Mất ngủ đau đầu tác động tới một số bệnh mạn tính
Đau đầu là triệu chứng đầu tiên và dễ nhận thấy nhất của nhiều căn bệnh mạn tính như: tiểu đường, thiếu máu não, thiểu năng tuần hoàn não, lupus ban đỏ… Nhiều người khi chưa phát hiện ra bệnh có thể nghĩ tình trạng đau đầu mất ngủ xảy ra do thời tiết hay các yếu tố khách quan khác gây ra. Tuy nhiên, nếu những người gặp tình trạng này kéo dài liên tục trên một tháng thì cần đặc biệt chú ý tới sức khỏe và thực hiện thăm khám kịp thời.
3.2 Ảnh hưởng từ bệnh viêm xoang
Ngoài các triệu chứng điển hình, bệnh viêm xoang còn có thể xuất hiện kèm theo một số biểu hiện như: đau đầu, đau nửa đầu và dẫn đến mất ngủ… Trên thực tế, có khoảng 90% người bệnh mắc viêm xoang đều bị đau nửa đầu. Nếu khỏi viêm xoang, cơn đau đầu dai dẳng cũng sẽ giảm thiểu đáng kể, đồng thời giấc ngủ sẽ chất lượng hơn.
3.3 Bệnh u não
Trong một vài trường hợp, tình trạng đau đầu, khó ngủ kéo dài trên một tháng có thể là những dấu hiệu cảnh báo của căn bệnh u não. Nhất là khi người bệnh liên tục cảm thấy đau dữ dội, dai dẳng đến khó chịu, ngủ không sâu giấc… cần đến gặp bác sĩ ngay để được thực hiện chẩn đoán và điều trị sớm để giải quyết vấn đề.
3.4 Cơ thể thiếu dinh dưỡng
Thiếu chất, thiếu máu dẫn đến thiếu dinh dưỡng là vấn đề khiến quá trình vận chuyển máu giàu oxy và dưỡng chất tới các cơ quan, đặc biệt là não bị chậm lại. Đây chính là nguyên nhân gây nên hiện tượng đau đầu, mất ngủ thường gặp.
3.5 Đau nửa đầu Migraine
Bệnh lý này có nguy cơ tác động xấu tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống người bệnh. Theo thống kê, phụ nữ thường có nguy cơ mắc bệnh đau nửa đầu nhiều hơn nam giới. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi dưới 45, hiếm gặp hơn ở đối tượng trẻ em và người cao tuổi. Ngoài ra, bệnh đau nửa đầu Migraine luôn đi kèm với tình trạng thiếu ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc.
3.6 Mất ngủ đau đầu tiềm ẩn nguy cơ gây ra các bệnh lý về tim mạch
Bệnh động mạch cùng các vấn đề liên quan tới tim, phổi… là những nguyên nhân gây hiện tượng khó ngủ và chứng đau đầu. Và ngược lại, những người thường xuyên bị nhức đầu, khó đi vào và duy trì giấc ngủ cũng sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch hơn so với người có giấc ngủ đảm bảo.
3.7 Bệnh liên quan đến thần kinh
Mất trí nhớ, rối loạn lo âu, stress, căng thẳng, trầm cảm, tâm thần phân liệt, Alzheimer… đều có một phần nguyên nhân gây bệnh từ chứng đau đầu, mất ngủ kéo dài.
3.8 Suy giảm nội tiết tố
Suy giảm nội tiết tố là hiện tượng sinh lý diễn ra ở cả nam giới và nữ giới, đi kèm là những biểu hiện phổ biến như nhức đầu, mất ngủ, mệt mỏi, cáu gắt, bốc hỏa, khó chịu…
Như vậy, mất ngủ đau đầu có thể là những dấu hiệu quan trọng cảnh báo bất ổn của cơ thể mà nếu không được điều trị kịp thời có thể là mối nguy gây hại tới sức khỏe người bệnh. Chính vì vậy, khi nhận thấy các triệu chứng này, người bệnh cần tới ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm.