Hiện nay, ung thư vú thuộc tuýp ung thư phổ biến trên thế giới. Theo thống kê từ Globocan tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 người thì có khoảng 125 người mắc ung thư vú. Tuy là bệnh lý ác tính nguy hiểm, ung thư vú hoàn toàn có thể được chữa khỏi nếu phát hiện kịp thời và điều trị ở giai đoạn sớm. Để hiện thực hóa điều này, việc tìm hiểu cách tầm soát ung thư vú và thăm khám sàng lọc định kỳ chính là chìa khóa.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về ung thư vú
Ung thư vú là bệnh lý ác tính phổ biến, bắt nguồn từ các khối u trong mô tuyến vú. Hầu hết bệnh nhân ung thư vú không có biểu hiện bất thường mà chỉ phát hiện bệnh thông qua thăm khám, sàng lọc bằng các phương pháp tầm soát. Một vài nguyên nhân dẫn đến ung thư vú có thể kể đến bao gồm:
– Đột biến gen gây ung thư vú: Khoảng 5-10% phụ nữ ung thư vú mang một trong hai đột biến gen BRCA1 hoặc là BRCA2. Nguy cơ phát triển thành ung thư vú ở tuổi 80 là 72% với đột biến gen BRCA1 và 68% với đột biến gen BRCA2. Phụ nữ có gen BRCA1 cũng có 44% nguy cơ ung thư buồng trứng suốt đời.
– Một số hội chứng di truyền như hội chứng Li-Fraumeni hoặc Cowden.
– Tiền sử bệnh phụ khoa: Có kinh sớm, mãn kinh trễ, mang thai lần đầu muộn, có tiền sử xơ nang tuyến vú, quá sản tuyến vú, phì đại tuyến vú,… đều là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư vú.
– Môi trường và lối sống không lành mạnh: Thường xuyên tiếp xúc chất độc hại, sống trong môi trường ô nhiễm, lười vận động, chế độ ăn nghèo vitamin và rau củ quả, lạm dụng thuốc lá rượu bia.
2. Triệu chứng, dấu hiệu của ung thư vú
Một số loại ung thư vú có biểu hiện trên da đáng chú ý có thể kể đến:
– Bệnh Paget núm vú liên quan đến ung thư biểu mô xâm lấn hoặc ung thư biểu mô tại chỗ. Bệnh gây ra những thay đổi trên da bao gồm ban đỏ, đóng vảy và tiết dịch. Những bất thường này xuất hiện thường xuyên và lành tính đến mức người bệnh có thể dễ dàng bỏ qua và trì hoãn việc thăm khám. Khoảng 50% bệnh nhân mắc Paget núm vú khi thực hiện khám đã có khối u bất thường.
– Ung thư vú dạng viêm biểu hiện qua những vùng ban đỏ và sưng vú. Phần da quanh vú có thể đổi màu và dày lên như vỏ cam, tiết dịch trắng.
Ung thư vú trong giai đoạn tiến triển có thể xuất hiện những dấu hiệu như:
– Xuất hiện các khối dính vào thành ngực hoặc nằm dưới lớp da, có thể dùng tay sờ thấy được.
– Các nốt sần, vết loét ở da.
3. Các cách tầm soát ung thư vú phổ biến hiện nay
3.1. Xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm CA 15-3
Để chẩn đoán nguy cơ mắc ung thư vú, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm máu để xác định nồng độ CA 15-3. Đây là chỉ số đặc trưng trong sàng lọc ung thư vú ở nữ giới.
Ở người trưởng thành bình thường, nồng độ CA 15.3 < 30 U/ml. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ vượt quá mức này, bạn có khả năng mắc ung thư vú. Nồng độ CA 15-3 càng cao, nguy cơ ung thư vú càng lớn và khả năng đã tiến đến tình trạng di căn.
Ngoài ra, hiện nay còn rất nhiều xét nghiệm sàng lọc và hỗ trợ tầm soát ung thư vú như Her2 NEW, CEA, CA19-9,… Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn những xét nghiệm sàng lọc phù hợp.
3.2. Cách tầm soát ung thư vú – Chụp nhũ ảnh
Chụp nhũ ảnh, hay còn gọi là x-quang tuyến vú, có thể hỗ trợ tìm kiếm các khối u có kích thước cực nhỏ hay ung thư biểu mô ống dẫn tại chỗ. Đối với tuýp ung thư này, các tế bào đột biến thường nằm trên đường ống dẫn sữa. Ở một số phụ nữ, nó có thể phát triển thành ung thư xâm lấn.
Có ba kĩ thuật chụp nhũ ảnh:
– Chụp x-quang vú
– Chụp 2D
– Chụp kĩ thuật số cắt lớp: Sử dụng tia X để chụp một loạt ảnh từ nhiều góc độ khác nhau. Kĩ thuật này ưu việt hơn phương pháp truyền thống nhờ việc khắc phục ảnh chồng lấp, bộc lộ rõ đường bờ của tổn thương. Từ đó, bác sĩ có thể dễ dàng xác định bản chất tổn thương vú.
Bên cạnh đó, một số yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến quá trình chụp nhũ ảnh bao gồm:
– Tuổi và cân nặng người bệnh
– Kích thước khối u
– Vị trí hình thành khối u
– Mức độ nhạy cảm của mô vú đối với hormone
– Độ dày đặc của mô vú
– Thời điểm chụp nhũ ảnh so với chu kì kinh nguyệt
– Kĩ năng của bác sĩ trong việc đọc ảnh chụp
Thời điểm nên thực hiện chụp nhũ ảnh tầm soát ung thư vú đối với phụ nữ nguy cơ trung bình và nguy cơ cao có sự khác nhau. Nhưng nhìn chung, việc tầm soát nên bắt đầu ở độ tuổi 40 và lặp lại mỗi 2 năm cho đến 75 tuổi. Đối với phụ nữ trên 50 tuổi, phương pháp tầm soát này có độ chính xác cao bởi các mô sợi tuyến vú đã được thay thế bằng mô mỡ, dễ dàng phân biệt với mô bất thường.
3.3. Cách tầm soát ung thư vú – Chụp cộng hưởng từ
Đối với phụ nữ có nguy cơ cao ung thư vú, tầm soát bằng phương pháp chụp MRI là một lựa chọn tối ưu.
Chụp cộng hưởng từ là kĩ thuật sử dụng nam châm, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra một loạt các hình ảnh diễn giải chi tiết các cơ quan trong cơ thể. Đặc biệt MRI không sử dụng tia X. Bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi thực hiện phương pháp này.
Một vài lợi ích khi thực hiện chụp MRI chẩn đoán ung thư vú bao gồm:
– Đánh giá mức độ xâm lấn, di căn của khối u.
– Đánh giá các bất thường khó xác định qua nhũ ảnh.
– Theo dõi sau điều trị.
– Đánh giá rách vỡ túi ngực.
Tuy nhiên, cần lưu ý không thực hiện kĩ thuật trên trong các trường hợp sau:
– Người bệnh có cấy ghép các thiết bị điện tử, kim loại như máy tạo nhịp tim. điện cực ốc tai, các phương tiện cố định xương bằng kim loại,…
– Người suy thận với mức lọc cầu thận < 30 mL/phút
– Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú
3.4. Một số phương pháp khác
– Khám vú
Khám vú lâm sàng bởi các bác sĩ, chuyên khoa sản hoặc ung bướu. Bác sĩ sẽ kiểm tra ngực và dưới cánh tay người bệnh để tìm kiếm khối u hoặc bất thường.
– Thermography
Đây là một thủ thuật đặc biệt, sử dụng máy ảnh cảm nhận nhiệt để ghi lại nhiệt độ của vùng da vùng ngực. Các khối u gây ra thay đổi nhiệt độ sẽ được hiện thị trên biểu đồ.
– Sinh thiết
Đây là phương pháp lấy các tế bào mô vú để kiểm tra dưới kính hiển vi, xác định chính xác bản chất khối u.
Hiện nay, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI đang triển khai gói tầm soát ung thư vú với đầy đủ các danh mục cần thiết. Đến với Thu Cúc TCI, bạn sẽ được thăm khám trực tiếp cùng đội ngũ bác sĩ hàng đầu và hệ thống máy móc tân tiến, dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp,… giúp bạn phát hiện ung thư từ sớm, đem lại hiệu quả điều trị và cơ hội sống cao.
Trên đây là thông tin về những phương pháp tầm soát ung thư vú hiện nay. Hi vọng bạn đã có cái nhìn rõ ràng hơn về việc sàng lọc ung thư vú. Hãy chủ động tầm soát sức khỏe ít nhất 1 lần/năm để bảo vệ sức khỏe hiệu quả bạn nhé.