Phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4: Độ nguy hiểm và cách điều trị

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh lý hô hấp nghiêm trọng, gây tổn thương phổi và phế quản. Bệnh thường tiến triển qua 4 giai đoạn, với mỗi giai đoạn có biểu hiện và phác đồ điều trị khác nhau. Trong đó, phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4 là giai đoạn nặng nhất và nguy hiểm nhất, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.

Menu xem nhanh:

1. Tổng quan về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các giai đoạn bệnh

1.1 Phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?

Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng viêm niêm mạc đường thở kéo dài, làm giảm chức năng hô hấp. Người bệnh thường gặp khó khăn trong việc thở do đường dẫn khí bị hẹp lại, gây nguy cơ suy hô hấp. Bệnh gồm hai dạng chính: viêm phế quản mạn tính và khí phế thủng. Viêm phế quản mạn tính xảy ra khi lớp niêm mạc phế quản bị viêm, dẫn đến sưng đỏ và tiết nhiều chất nhầy, làm hẹp đường thở và khó thở.

Phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh lý phổ biến, chiếm phần lớn các ca bệnh hô hấp. Bệnh thường được phát hiện khi đã nặng, do các triệu chứng ban đầu dễ nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp khác.

1.2 Các giai đoạn của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Phổi tắc nghẽn mạn tính tiến triển qua 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn có biểu hiện và mức độ tổn thương phổi khác nhau:

Giai đoạn 1: Triệu chứng nhẹ, thường là ho kéo dài và có đờm. Người bệnh ít nhận biết do nhầm lẫn với cảm cúm hoặc viêm họng. Chức năng hô hấp giảm nhẹ.

Giai đoạn 2: Các triệu chứng trở nên rõ ràng hơn như ho có đờm, khó thở, thở khò khè, mệt mỏi. Chức năng hô hấp giảm còn 50-70%.

Giai đoạn 3: Chức năng hô hấp giảm chỉ còn 30-50%. Người bệnh có thể gặp các biến chứng như viêm phổi, thiếu oxy, nhức đầu buổi sáng, thở nhanh.

Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất, chức năng phổi suy giảm xuống 30% hoặc ít hơn, dẫn đến khó thở nghiêm trọng, mệt mỏi, nguy cơ gây tử vong cao.

biến chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở giai đoạn 4

COPD khi chuyển sang giai đoạn 4 thường gây khó thở, thậm chí đe dọa tính mạng

2. Tìm hiểu về phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4

2.1 Mức độ nguy hiểm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4

Giai đoạn 4 cũng là giai đoạn cuối của căn bệnh này, khi chức năng phổi suy giảm đáng kể, chỉ còn hoạt động bằng hoặc ít hơn 30% so với bình thường. Trong giai đoạn này, những tổn thương ở phổi khó có thể phục hồi. Người bệnh cảm thấy sức khỏe ảnh hưởng nghiêm trọng, khó thở nặng, thiếu oxy dẫn đến suy tim, tăng huyết áp, tổn thương não hoặc nhiễm trùng nặng. Lúc này thường xảy ra tình trạng sụt cân, thường xuyên nhức đầu, sinh hoạt hàng ngày càng thêm khó khăn,… Các đợt khó thở cấp có thể nặng hơn, nguy cơ tử vong rất cao, đặc biệt với người già.

Người bệnh cần được can thiệp y tế chuyên sâu, bao gồm theo dõi chức năng phổi, kiểm tra nồng độ oxy trong máu, có thể phải nhập viện điều trị tại các đơn vị chăm sóc tích cực.

2.2 Phương pháp điều trị phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4

Hướng điều trị với bệnh nhân giai đoạn này cơ bản vẫn giống như ở các giai đoạn trước. Tuy nhiên, điều quan trọng là bệnh nhân cần tiếp tục duy trì hoạt động đúng cách, tránh xa thuốc lá, duy trì chế độ ăn kiêng, tham gia các chương trình phục hồi chức năng phổi.

Nếu mức độ hoạt động của phổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc giãn phế quản, thuốc hít, liệu pháp oxy bổ sung hoặc điều trị phẫu thuật như: phẫu thuật giảm thể tích phổi hoặc ghép phổi.

Mục tiêu điều trị trong giai đoạn này là hỗ trợ nhằm cải thiện chức năng hô hấp và kéo dài tuổi thọ người bệnh. Các phương pháp điều trị cụ thể gồm có:

Thuốc giãn phế quản: Giúp mở rộng đường thở, thường sử dụng dưới dạng hít để người bệnh có thể dùng dễ dàng hàng ngày.

Thuốc chống viêm: Giúp giảm viêm và giãn phế quản, hỗ trợ quá trình hô hấp.

Thuốc làm loãng dịch nhầy: Giúp người bệnh dễ dàng khạc đờm ra ngoài, thường được chỉ định trong các đợt viêm cấp tính.

Phẫu thuật: Trong một số trường hợp nặng, phẫu thuật ghép phổi hoặc giảm thể tích phổi có thể được xem xét.

Theo dõi thường xuyên: Người bệnh cần được theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa hô hấp để điều chỉnh phương pháp điều trị kịp thời.

3. Hỗ trợ điều trị và chăm sóc bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4

phòng ngừa phổi tắc nghẽn mãn tính ở giai đoạn 4

Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính không nên uống nước lạnh và ăn nhiều đồ lạnh

3.1 Lưu ý chung với bệnh nhân

– Hạn chế uống nước lạnh và ăn nhiều đồ ăn lạnh.

– Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao vừa sức và đúng cách để duy trì sức khỏe, nâng cao thể trạng, ổn định nhịp thở, giảm biến chứng của bệnh.

– Lưu ý giữ gìn sức khỏe trong mùa lạnh, luôn chú ý giữ ấm cơ thể, đặc biệt phần cổ và phần ngực.

– Thường xuyên vệ sinh mũi họng để tránh vi khuẩn và virus xâm nhập.

– Ăn uống khoa học. Luôn có ý thức trong việc xây dựng và duy trì áp dụng thực đơn lành mạnh, có lợi để tăng cường đề kháng và bảo vệ sức khỏe, hạn chế tác hại của bệnh.

3.1 Hỗ trợ hô hấp

Mục đích của hỗ trợ hô hấp là góp phần phục hồi chức năng phổi. Chương trình phục hồi chức năng phổi bao gồm các bài tập thở và vận động thể chất nhằm cải thiện khả năng hô hấp, tăng cường sức mạnh cơ bắp. Những chương trình này thường được thực hiện dưới sự giám sát của chuyên gia y tế.

Chụp X-quang phổi tại TCI

Chụp X-quang tim phổi tại TCI

3.2 Chăm sóc về dinh dưỡng

Bệnh nhân COPD giai đoạn 4 thường gặp khó khăn trong việc ăn uống do khó thở, mệt mỏi và tiêu hóa kém. Một chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể. Cụ thể như sau:

– Chế độ ăn giàu protein và năng lượng: Giúp duy trì cơ bắp và cải thiện sức đề kháng.

– Chia nhỏ bữa ăn: Thay vì ăn ba bữa lớn, bệnh nhân nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để tránh cảm giác đầy bụng và khó thở sau khi ăn.

– Tránh thức ăn gây đầy hơi: Như đồ uống có gas, đậu, cải bắp, hành tây, và các thực phẩm khó tiêu hóa khác.

3.3 Quản lý tinh thần và tâm lý

Sự suy giảm nghiêm trọng về sức khỏe ở giai đoạn cuối của COPD không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn gây căng thẳng tâm lý cho bệnh nhân và người thân. Vì vậy, việc được hỗ trợ cả về mặt tinh thần từ gia đình, bạn bè hoặc các chuyên gia tâm lý là rất quan trọng với người bệnh.

Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể tham gia các nhóm hỗ trợ cho người mắc COPD. Điều này có thể giúp bệnh nhân được động viên và chia sẻ kinh nghiệm, góp phần cải thiện tình trạng tâm lý và chất lượng sống.

Như vậy, phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4 là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Lúc này, nguy cơ tử vong tăng cao nếu bệnh nhân không được chăm sóc và điều trị đúng cách. Người bệnh cần nhận thức được mức độ nghiêm trọng đó và tuân thủ các phác đồ điều trị từ bác sĩ. Qua đây càng cho thấy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời ngay từ khi bệnh còn ở gia đoạn nhẹ sẽ giúp người bệnh tránh nguy cơ tử vong, giảm thiểu biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital