Suy tim là vấn đề y tế toàn cầu khi có tỷ lệ tử vong hàng năm lên đến 20%. Ước tính số người bị suy tim trên thế giới hiện nay là khoảng 26 triệu người. Tại Việt Nam, có khoảng 1,6 triệu người bị suy tim và khoảng 4000 ca nhập viện mỗi năm. Cùng tìm hiểu các phương pháp điều trị suy tim hiện nay qua bài viết sau.
Menu xem nhanh:
1. Suy tim và các triệu chứng điển hình của bệnh
1.1. Suy tim là bệnh gì?
Suy tim là tình trạng tim suy yếu do các tổn thương hay chức năng của tim bị rối loạn khiến cho tâm thất không thể thực hiện hiệu quả khả năng tiếp nhận máu hoặc tống máu. Hệ thống tim mạch không thể cung cấp đủ máu cho các tế bào gây ra triệu chứng mệt mỏi, khó thở, có thể kèm ho nhiều. Các hoạt động hàng ngày như đi bộ, leo cầu thang, bê đồ đạc cũng khó khăn hơn. Khi bệnh nhân gắng sức, có thể dẫn đến tình trạng ứ dịch và xung huyết phổi, phù ngoại vi.
Suy tim là hệ quả của nhiều căn bệnh. Các nguyên nhân gây bệnh thường gặp là tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, các bệnh về van tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh cơ tim giãn, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, tiểu đường, cường giáp, bệnh tự miễn và thói quen lạm dụng bia rượu.
1.2. Triệu chứng của bệnh suy tim
Các triệu chứng của suy tim rất đa dạng, tùy theo tình trạng bệnh mà mỗi người sẽ có triệu chứng khác nhau.
Do lượng máu đi nuôi cơ thể bị giảm nên một số bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, yếu sức, có thể bị ngất. Sức đề kháng bị suy giảm nên dễ mắc các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, cảm cúm …
Tình trạng máu ứ trệ ở phổi gây ra triệu chứng khó thở. Đây cũng là dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh suy tim. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân chỉ cảm thấy khó thở khi gắng sức như leo cầu thang, đi bộ dài, đi bộ lên dốc. Sau đó, khi suy tim trở nặng, khó thở xuất hiện ngay cả khi đang nghỉ ngơi, kèm theo cảm giác đau tức vùng ngực. Nặng nhất là các cơn suy tim trái cấp khiến bệnh nhân khó thở nghiêm trọng, người tím tái và ho khạc ra bọt hồng.
Do ứ trệ ở ngoại biên, bệnh nhân có thể bị phù nề chân hoặc bị tràn dịch màng phổi, màng bụng, màng tim. Một số trường hợp bị gan to, tĩnh mạch ở cổ giãn căng.
Ngoài ra, suy tim cũng có biểu hiện tương tự với bệnh loạn nhịp, tim đập nhanh chậm bất thường. Do nhịp tim rối loạn nên gây ra triệu chứng trống ngực và cũng làm cho bệnh suy tim nặng hơn.
2. Điều trị suy tim bằng cách nào, khả năng điều trị ra sao?
2.1. Điều trị suy tim bằng thuốc
Hiện nay, điều trị suy tim bằng thuốc được đánh giá là phương pháp đem lại hiệu quả, một số loại thuốc được sử dụng là:
– Thuốc tăng sức bóp cho tim
Khi bị suy tim, chức năng tim suy yếu nên phải sử dụng thuốc cải thiện khả năng co bóp. Thuốc này có công dụng cải thiện sức bơm máu của tim, nhờ đó giúp người bệnh dễ thở hơn. Ngoài ra thuốc còn giữ cho nhịp tim ổn định hơn với bệnh nhân bị rung nhĩ. Điển hình trong nhóm thuốc này là thuốc trợ tim DiGOXIN.
– Thuốc giảm gánh nặng cho tim
Khi khả năng co bóp của tim suy giảm gây ra tình trạng ứ trệ tuần hoàn và tăng gánh nặng cho tim. Do đó, bệnh nhân có thể được chỉ định uống thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch. Mục đích chính là giảm gánh nặng cho tim, giảm bớt triệu chứng như đau tức ngực.
Thuốc giãn mạch
Nhóm thuốc này có khả năng làm giãn động mạch, tiểu động mạch, giảm áp lực cho thất trái, giảm huyết áp và còn giúp giảm áp lực bơm máu của tim qua động mạch. Từ đó mà có thể giảm mức độ ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ gây nguy hiểm cho tim.
Nhóm thuốc giãn mạch được dùng để điều trị suy tim có thể là: thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể angiotensin II, thuốc chẹn canxi, thuốc nitrat hoặc Apresoline hay thuốc chẹn beta. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý nhóm thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ. Vì vậy người bệnh cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe, theo dõi chỉ số huyết áp khi dùng thuốc.
Thuốc lợi tiểu
Cơ chế của nhóm thuốc này là loại bỏ chất lỏng thừa ra khỏi cơ thể, làm giảm được hiện tượng phù và hít thở dễ hơn cho bệnh nhân. Hiện nay các loại thuốc này được công nhận chưa gây ra ảnh hưởng đến số lượng hồng cầu và bạch cầu ở trong máu. Tuy nhiên một số loại thuốc khiến nồng độ kali giảm thì có thể được kê thuốc bổ sung kali.
– Thuốc ngăn chặn sự hình thành huyết khối
Chức năng tim bị suy giảm nghiêm trọng nên gây ra tình trạng ứ trệ máu từ đó cục máu đông được tạo điều kiện xuất hiện ở cả lòng mạch và buồng tim. Hậu quả của những cục máu đông này là dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim – cả 2 căn bệnh đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
Để ngăn ngừa biến chứng hình thành huyết khối, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc chống tập kết tiểu cầu và chống đông máu cho bệnh nhân. Lưu ý rằng trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần theo dõi các dấu hiệu chảy máu, bầm tím trên da để điều chỉnh liều lượng kịp thời. Lý do là vì thuốc có thể gây ra tác dụng phụ là chảy máu bất thường.
2.2. Điều trị suy tim bằng phương pháp phẫu thuật
Trong một số trường hợp điều trị suy tim, bác sĩ sẽ khuyên phẫu thuật nguyên nhân gây suy tim. Ví dụ như mổ van tim nếu nguyên nhân gây suy tim là do bệnh van tim, mổ bắc cầu mạch vành nếu suy tim vì hẹp động mạch vành gây ra, mổ sữa chữa bệnh tim bẩm sinh hoặc điều trị cắt đốt rối loạn nhịp tim.
2.3. Trả lời câu hỏi: Bệnh suy tim có thể chữa khỏi không?
Để trả lời câu hỏi này, cần suy xét nhiều yếu tố. Hầu hết trường hợp suy tim bắt nguồn từ bệnh nền hoặc lối sống thiếu lành mạnh gây nên. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp nhất. Bên cạnh đó, giai đoạn phát hiện bệnh cũng đóng góp vai trò lớn đến kết quả điều trị bệnh. Nếu phát hiện ở giai đoạn khởi phát, chức năng tim chưa bị ảnh hưởng nhiều, khả năng đáp ứng tốt thì kết quả điều trị sẽ khả quan nhất. Do đó, ngay khi có dấu hiệu bất thường cảnh báo suy tim, cơ thể xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, khó thở, đau tức ngực, bệnh nhân cần đi khám để được phát hiện và điều trị sớm.
Quan trọng là mỗi người chúng ta cần xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, tăng cường thực phẩm tốt cho tim, sinh hoạt đều đặn để tránh mắc các bệnh về tim. Ngoài ra cần thăm khám sức khỏe định kỳ, đi khám ngay khi có triệu chứng khác lạ để bảo vệ sức khỏe.