Điều trị sớm loãng xương giúp ngăn ngừa nguy cơ loãng xương cũng như các biến chứng nguy hiểm như gãy xương, tàn phế. Điều trị dự phòng bao gồm thay đổi chế độ dinh dưỡng, thói quen tập luyện và thăm khám xương khớp định kỳ.
Menu xem nhanh:
1. Hậu quả nghiêm trọng bệnh loãng xương gây ra
Loãng xương là tình trạng xương bị xốp và giảm khối lượng xương (mật độ xương), khiến xương mỏng, giòn, dễ tổn thương, lún xẹp hoặc gãy dù va chạm hoặc chấn thương nhẹ. Nguyên nhân gây loãng xương thường gặp là:
– Các tế bào sinh xương bị lão hóa do tuổi tác
– Sự hấp thu canxi ở ruột suy giảm do mắc các bệnh mạn tính đường tiêu hóa
– Suy giảm hormone sinh dục ở cả nam và nữ
Bệnh loãng xương tiến triển chậm, không gây ra các triệu chứng nổi bật ở giai đoạn đầu. Khi bệnh trở nặng, xương bị gãy hoặc xẹp mới có dấu hiệu cụ thể. Loãng xương là bệnh khó điều trị, biến chứng nặng nề như gãy xương, lún xương, vẹo cột sống, ảnh hưởng đến khả năng vận động cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Đặc biệt, việc phải nằm lâu một chỗ khi bị gãy xương còn khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn và dẫn đến các biến chứng như bội nhiễm đường hô hấp, viêm phổi, loét, nhiễm trùng đường tiểu, … Gãy xương do loãng xương khó hồi phục, nguy cơ tàn phế suốt đời, làm giảm tuổi thọ hoặc dẫn đến tử vong sớm.
2. Các triệu chứng loãng xương phổ biến cần biết
Các dấu hiệu cảnh báo loãng xương bao gồm:
– Đau nhức đầu xương: người bệnh có cảm giác mỏi dọc các xương đùi, thậm chí như bị kim châm chích toàn thân.
– Đau ở vùng xương chịu gánh nặng, áp lực của cơ thể như: cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối. Những cơn đau lặp đi lặp lại, cơn đau thường âm ỉ và kéo dài. Cơn đau tăng lên khi người bệnh vận động, đi lại, đứng hoặc ngồi quá lâu.
– Đau cột sống, thắt lưng hoặc hai bên liên sườn, ảnh hưởng trực tiếp đến dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi, thần kinh tọa. Cơn đau có xu hướng trở nặng khi vận động mạnh hoặc thay đổi tư thế bất ngờ.
– Đối với người bệnh ở lứa tuổi trung niên, loãng xương đi kèm với dấu hiệu bệnh giãn tĩnh mạch, thoái hóa khớp, cao huyết áp, …
– Gù, giảm chiều cao: nếu một người giảm chiều cao từ 3cm/2 năm thì họ có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương.
– Gãy xương sau những cú va chạm nhẹ: đây là biến chứng của bệnh. Với tất cả trường hợp gãy xương tự phát, gãy xương sau khi ngã nhẹ cần được đo loãng xương.
– Giảm mật độ xương khiến xương ở cột sống bị xẹp gây cơn đau lưng cấp, giảm chiều cao, đi khom và gù lưng.
3. Tầm quan trọng khi điều trị dự phòng sớm loãng xương?
– Bệnh diễn biến âm thầm: từ sau 30 tuổi, quá trình mất xương sinh lý bắt đầu diễn ra, mật độ xương giảm khoảng 0,1 – 0,5%/năm. Quá trình mất xương do loãng xương diễn ra âm thầm, ít triệu chứng, khi xuất hiện triệu chứng thì bệnh đã tiến triển nặng.
– Điều trị khó khăn: khi mắc bệnh loãng xương, việc điều trị tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Với những lý do trên đây, việc điều trị dự phòng sớm bệnh loãng xương là vô cùng cần thiết, cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
4. Điều trị sớm loãng xương bằng cách nào?
4.1. Điều trị sớm loãng xương ở giai đoạn bào thai
Để điều trị sớm loãng xương và ngăn ngừa bệnh diễn ra, việc cần làm là đầu tư cho xương ngay từ khi còn nhỏ và trong quá trình phát triển. Không nên chờ đến lúc có tuổi mới bắt đầu. Việc này giúp trẻ nhỏ có thể đạt được khối lượng xương cao khi đến tuổi trưởng thành. Vì vậy, nguy cơ bị loãng xương trong tương lai giảm đi đáng kể.
4.2. Điều trị sớm loãng xương ở tuổi trưởng thành
Các lưu ý cần thực hiện trong quá trình dự phòng loãng xương bao gồm:
Chế độ dinh dưỡng
Duy trì chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết sẽ giúp xương khớp dẻo dai, chắc khỏe. Các dưỡng chất thiết yếu cho sức khỏe xương khớp bao gồm:
– Canxi
– Vitamin D
– Kẽm
– Magie
– Silic
– Magan
– DHA
– Đồng
Ngoài cung cấp chất dinh dưỡng thông qua thực phẩm, chúng ta có thể bổ sung thêm thực phẩm chức năng, thuốc để giúp xương luôn được chắc khỏe.
Tập luyện
Cần duy trì chế độ luyện tập thể dục thể thao khoảng 30 phút mỗi ngày, tối thiểu 3 lần/tuần. Tránh các thói quen xấu làm giảm hấp thu canxi và tăng hủy xương như lạm dụng bia rượu; hút thuốc lá; sử dụng chất kích thích; ăn kiêng, giảm cân quá mức hoặc lười vận động.
Chú ý tư thế
Tư thế nằm, ngồi sai tư thế có thể gây ra bệnh loãng xương. Cụ thể, nếu duy trì tư thế không đúng quá lâu khiến xương tổn thương, tăng nguy cơ mất xương và loãng xương. Do đó, chúng ta cần chú ý tới dáng đi, tư thế đứng, ngồi, nằm của mình. Đồng thời cũng tránh bê vác vật nặng để giảm sức nặng và hạn chế chấn thương các vùng cột sống, lưng, …
Kiểm tra sức khỏe xương khớp
Nên thăm khám định kỳ để phát hiện và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ gây mất xương, loãng xương. Đặc biệt nếu nằm trong nhóm nguy cơ loãng xương và mắc các bệnh xương khớp như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, bệnh nhân cần bổ sung canxi và khoáng chất đồng thời tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ để bảo vệ sức khỏe xương.
Ngay khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo loãng xương, cần thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp. Tránh chủ quan, chậm trễ điều trị khiến bệnh nhanh chóng tiến triển nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Cân bằng nội tiết
Những phụ nữ bước vào độ tuổi tiền mãn kinh cần bổ sung canxi kết hợp nội tiết tố nữ estrogen bị suy giảm do tiền mãn kinh, mãn kinh. Nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn liều lượng phù hợp, an toàn.
Bệnh loãng xương gây ra nhiều hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và làm suy giảm tuổi thọ của người bệnh. Do đó, mỗi người chúng ta nên thực hiện điều trị dự phòng loãng xương từ sớm để có xương khớp chắc khỏe, ổn định.